(BVPL) - Trong 2 ngày 11 và 12/10, tại Hải Phòng, Viện KSNDTC cùng với Ban quản lý dự án “Chương trình đối tác tư pháp” thuộc Vụ hợp tác và tương trợ tư pháp hình sự và VKSND TP Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực Tín dụng – Ngân hàng cho kiểm sát viên; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự do VKSND cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra ủy quyền cho VKSND cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai – Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC; ông Dương Anh Điền – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng; Đại diện cơ quan CSĐT – Bộ Công an; Đại diện Thanh tra – giám sát của Ngân Hàng Nhà nước; cùng đông đảo lãnh đạo các Vụ, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát Hà Nội; lãnh đạo VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra Bắc và VKS quân sự Trung ương.
|
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai – Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị |
Trong 20 năm đổi mới, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có 67 tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước, nước ngoài và đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm trong hoạt động tín dụng, ngân hàng trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, xâm hại nghiêm trọng đến các quan hệ xã hội, chính sách kinh tế tài chính đất nước.
Từ năm 2007 – 2011, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố 187 vụ án với 430 bị can liên quan đến hoạt động ngân hàng và tổ chức tín dụng với tổng số thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong năm 2010 đến tháng 10 năm 2011 đã phát hiện 69 vụ, thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng và trên 3000 lượng vàng, cơ quan chức năng đã thu hồi được gần 2000 tỷ đồng và việc phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố cáo chứ không phải do công tác thanh tra, kiểm toán trong nội bộ của hệ thống ngân hàng.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các vụ, việc vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thu hồi tài sản của nhà nước, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế và chủ yếu vẫn là giải quyết hậu quả đã xảy ra.
Vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh kinh tế đối với hệ thống ngân hàng và nền tài chính quốc gia càng trở lên bức thiết hơn bao giờ hết.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Hoàng Nghĩa Mai cho biết: Hoạt động Tín dụng - Ngân hàng vừa là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội và ổn định an ninh quốc phòng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhưng tình hình tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thời gian qua đã đặt ra nhiều vấn đề mà ngành Kiểm sát cần nghiên cứu, tìm ra giải pháp tham mưu cho Đảng, Nhà nước quản lý ngành Ngân hàng phát triển lành mạnh, trang bị các kiến thức đấu tranh phòng chống loại tội phạm này cho lực lượng Kiểm sát viên các cấp.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai đề nghị các đại biểu nghiên cứu thảo luận giải pháp nâng cao việc phối hợp giữa VKSND cấp trên và cấp dưới trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, ủy quyền cho VKSND cấp dưới đối với việc kiểm sát xét xử sơ thẩm.
Trên thực tế, mỗi năm VKSNDTC đã ủy quyền cho VKSND các tỉnh, thành phố thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra xét xử sơ thẩm hàng trăm vụ, nhưng việc giải quyết án của VKSND cấp dưới thường giải quyết không triệt để, việc chuyển trả hồ sơ điều tra bổ xung còn nhiều. Có vụ, ban đầu VKSND cấp trên đặt ra nhiều vấn đề rất lớn, nhưng quá trình giải quyết vụ việc lại rất nhỏ, hoặc chuyển sang xử lý hành chính...
Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu cho ý kiến thảo luận về kỹ năng giải quyết, phân định rõ tội danh trong các vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và các tranh chấp các hợp đồng kinh tế. Làn danh các loại tội phạm này và các quan hệ hợp đồng kinh tế rất mỏng manh...
Xuất phát từ những yêu cầu trên, trong Hội nghị này, thay mặt Ban tổ chức tôi muốn các đại biểu tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến, nêu ra những khó khăn vướng mắc và những nguyên của tình trạng trên.
Đồng thời nêu ra những giải pháp có tính khả thi, hiệu quả để Ban tổ chức tiếp thu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xây dựng các văn bản hướng dẫn, thống nhất về nhận thức để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến lĩnh vực Tín dụng - Ngân hàng và các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đề ra.
Quang Chiến