(BVPL) - “Ông thầu khoán biệt động Mai Hồng Quế và gia đình có sự hy sinh tuyệt đối cho cách mạng giải phóng dân tộc nói chung, góp phần vào sự thành công của cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 nói riêng. Hậu duệ của ông, Trần Kiến Xương là một trong những người con ưu tú và đặc biệt xuất sắc vì ngoài công việc thường ngày, thì những lúc rãnh rỗi là anh lại dành thời gian, công sức, tiền của để tìm hiểu, sưu tầm, phục dựng những gì mà cha anh, ông thầu khoán Mai Hồng Quế và đồng đội đã làm. Một trong những đóng góp không nhỏ của Trần Kiến Xương là góp phần gìn giữ, phục dựng 03 căn hầm bí mật tại địa chỉ 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3, TP. HCM. căn hầm này đã chính thức được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và trở thành điểm đến, điểm tham quan hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế” - Đây là những lời nhận xét của Đại tá Nguyễn Huy Toàn - Nhà nghiên cứu tư tưởng Văn hoá quân sự - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam về vai trò của gia đình anh hùng Mai Hồng Quế.
 
Trần Kiến Xương và gia đình trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của đồng chí Trần Văn Lai nguyên cán bộ Đội biệt động 159 Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia định
Trần Kiến Xương và gia đình trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của đồng chí Trần Văn Lai nguyên cán bộ Đội biệt động 159 Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia định
 
Theo như Đại tá Nguyễn Huy Toàn, cái khiếm khuyết “của chúng ta" là sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước thì lực lượng Biệt động Sài Gòn bị giải tán, không còn đơn vị để giữ gìn truyền thống, không có sách vở nào ghi chép lại cụ thể tên, tuổi của những chiến sĩ biệt động năm xưa. Vô hình chung những chiến sĩ quả cảm ấy không được bảo vệ và lưu danh trong thời chiến cũng như trong thời bình.
 
Trần Kiến Xương - là con trai thứ của anh hùng Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai hay Năm U.SOM) đã vô cùng yêu quý và trân trọng những gì mà các cụ thân sinh ra anh và các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã làm trong quá khứ. Vì thế, để bảo vệ và giữ gìn những gì mà các bậc tiền bối đã làm, Trần Kiến Xương đã phải bỏ rất nhiều công sức, tiền của để truy tìm và chuộc lại các căn nhà có chứng tích hầm hố, là hộp thơ bí mật, những di vật một thời làm nên lịch sử của lực lượng biệt động Sài Gòn. Đại tá Nguyễn Huy Toàn trân trọng và đánh giá rất cao những gì Trần Kiến Xương đã làm. Và theo như đại tá, Trần Kiến Xương đã nối tiếp được tinh thần yêu nước và sự hy sinh vô cùng lớn lao của cha, mẹ mình. 
 
Nếu như trước đây, nhà thầu khoán phải mất hơn 3 năm mới đào xong căn hầm bí mật tại 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3 và vận chuyển vũ khí về đó tập kết xuống hầm chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công thì ngày nay hậu duệ của ông là Trần Kiến Xương phải mất hàng chục năm mới có thể sưu tầm lại phần nào những tài liệu, vật dụng, vũ khí còn sót lại của cha ông, của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn - Gia Định để trưng bày. Nếu ông Mai Hồng Quế bán hết tài sản của mình và gia đình như nhà cửa, xe ôtô, tiền, vàng để chuyển cho cách mạng đặt mua vũ khí, quân trang quân dụng và làm hầm bí mật phục vụ cuộc chiến thì Trần Kiến Xương cũng đã bỏ ra rất nhiều tiền của để chuộc lại những tài sản đó, rồi lại hiến tặng cho Nhà nước với mục đích góp phần giữ gìn và giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay về truyền thống cách mạng hào hùng của cha ông. Nếu như trước kia ông Mai Hồng Quế đặt tính mạng của tất cả những người thân trong gia đình như vợ, con… của ông trước cái chết có thể đến bất cứ lúc nào khi ông đang hoạt động trong lòng địch trực diện với kẻ thù, còn gia đình thì đang sống trên căn nhà mà bên dưới là gần 3 tấn vũ khí và xung quanh là sự kiểm tra, lùng sục gắt gao của địch thì ngày nay mẹ và vợ con Trần Kiến Xương cũng hiểu và ủng hộ hết khả năng về mặt tinh thần, vật chất để anh thực hiện ước muốn của mình là phục dựng lại toàn bộ hoạt động của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa. Theo nhà nghiên cứu tư tưởng - Văn hoá quân sự Đại tá Nguyễn Huy Toàn thì những gì nhà thầu khoán Mai Hồng Quế cùng hai người vợ Liệt sĩ Phạm Thị Chinh (tức Phạm Thị Phan Chính), Đặng Thị Thiệp (tức Đặng Thị Tuyết Mai) cùng với vợ chồng Trần Kiến Xương, Đoàn Dương Thái Anh đã và đang làm không phải ai cũng làm được.
 
Từ ngày còn rất trẻ, Trần Kiến Xương đã cố gắng tìm mua và phục dựng lại căn hầm bí mật của gia đình mà hiện nay là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia
Từ ngày còn rất trẻ, Trần Kiến Xương đã cố gắng tìm mua và phục dựng lại căn hầm bí mật của gia đình mà hiện nay là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia
 
Trần Kiến Xương hiện là Chánh Văn phòng VKSND TP.HCM. Mặc dù khá bận rộn với công việc thường nhật nhưng dù bận thế nào đi chăng nữa, thì anh cũng luôn sắp xếp để dành thời gian ngoài giờ và ngày nghỉ ít ỏi của mình để tìm hiểu và đi tìm những gì liên quan đến công việc của cha mình và đồng đội của ông năm xưa. Trần Kiến Xương cho biết, anh không ngại khó, không ngại tốn kém, cái anh sợ là không tìm được và không chuộc lại được những hiện vật, những di vật mà thôi. Anh tâm niệm “Mình có điều kiện thì phải làm, còn sống thì còn tìm lại, xây dựng lại những gì cha, chú mình đã vì nó mà đổ bao xương máu, không thể vì chiến tranh kết thúc mà quên đi lịch sử”. Với lý tưởng sống tuyệt vời và niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Trần Kiến Xương đã thêm một lần nữa tạc vào lịch sử sự hy sinh cao cả của những người con đất Việt. Ngôi nhà nhỏ, rộng chưa đầy 50m2 nhưng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia là một minh chứng rõ nét cho những hy sinh thầm lặng đó. 
 
Trong suốt hơn 20 năm qua, Trần Kiến Xương cùng gia đình đã lặn lội tìm kiếm và mua lại được nhiều căn nhà di tích, nhiều hiện vật như xe ôtô, xe máy của Mai Hồng Quế sử dụng làm phương tiện đi lại, vận chuyển vũ khí, đưa đón cán bộ vào công tác tại chiến trường nội thành Sài Gòn - Gia Định. Trong số những chứng tích đó phải kể đến là 02 chiếc xe ôtô Hino-pickup EC-6045 và Citroen NCE-345 mà ông Mai Hồng Quế thường xuyên sử dụng ra vào Dinh Độc Lập, các cơ quan đầu não của địch và đã tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968. Điều mà không phải ai cũng có thể làm được là Trần Kiến Xương đã phải lăn lộn ngày đêm để tìm mua lại và hiến tặng 02 chiếc xe lịch sử trên cho Bảo tàng binh chủng Đặc công và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tại Hà Nội. Ngoài ra rất nhiều hiện vật, tài liệu, giấy tờ liên quan đến Biệt động Sài Gòn nói chung và cha mình nói riêng, các tài liệu lưu trữ của Chính quyền Sài Gòn cũ cũng được Trần Kiến Xương tìm kiếm và lưu giữ trên 20 năm nay.
 
Hoa Việt
 
Đúng như Nhà nghiên cứu tư tưởng Văn hoá quân sự - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Đại tá Nguyễn Huy Toàn nhận xét, sự hy sinh của đại gia đình nhà thầu khoán Mai Hồng Quế là sự hy sinh tuyệt đối. Đất nước ngợi ca sự hy sinh của các đồng chí và hãnh diện vì họ và hậu duệ của họ đã viết tiếp bản hùng ca oai hùng của dân tộc, của đất nước.