(BVPL) - Quy định về Tòa án nhân dân (TAND) được bố cục lại từ 11 điều của Hiến pháp 1992 thành 5 điều như dự thảo sửa đổi Hiến pháp.  Theo đó, dự thảo thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ và hệ thống tổ chức của TAND, về Chánh án TAND tối cao, về các nguyên tắc hoạt động, chế độ chịu trách nhiệm và báo cáo của TAND, về tính hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án

 


Tại Điều 107 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Khoản 1 cần ghi nhận đầy đủ, rõ ràng: “TAND gồm: TAND tối cao, TAND địa phương, Tòa án quân sự và các Tòa án khác theo luật định”. Cụm từ “Tòa án khác theo luật định” chỉ nên dùng cho cơ chế mở, nghĩa là sau khi thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, VKS và Cơ quan điều tra hoặc khi cần thiết phải thành lập Tòa án đặc biệt. Khoản 2: Về nhiệm vụ của Tòa án cần thể hiện ngắn gọn, nhưng đảm bảo tính khái quát cao, phù hợp với yêu cầu Hiến pháp là đạo luật gốc. Theo đó, nên quy định: “TAND nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tại Điều 108 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi: Khoản 1: Nói đến xét xử sơ thẩm là nói đến hoạt động xét xử ở cấp đầu tiên do TAND địa phương tiến hành có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân. Đề nghị bổ sung như sau: “Việc xét xử của TAND ở cấp sơ thẩm có Hội thẩm tham gia. Hội thẩm do Hội đồng nhân dân bầu ra, quản lý và phân công nhiệm vụ”. Việc bổ sung cụm từ “Hội thẩm do HĐND bầu ra, quản lý và phân công nhiệm vụ” không làm cho Hiến pháp quá chi tiết, lại nêu rõ nguyên tắc Hiến định là Hội thẩm chỉ tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, đồng thời đảm bảo được định hướng cho việc cụ thể hóa của Luật và Pháp lệnh sau này. Việc bổ sung cụm từ “ở cấp sơ thẩm” vào giữa khoản 1 Điều 108 của dự thảo và bỏ bớt cụm từ “trừ trường hợp do luật định” đặt ở cuối khoản 1 điều này, thể hiện rõ hơn nguyên tắc Hội thẩm tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm. Khoản 4: Đề nghị sửa đổi quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp về nguyên tắc xét xử theo hướng: “TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định như vậy để phù hợp với tình hình hoạt động thực tiễn của Tòa án hiện nay có những vụ án chứng cứ rõ ràng, đơn giản, cần được giải quyết, xét xử nhanh chóng, kịp thời và có thể chỉ do một Thẩm phán giải quyết, xét xử là được. Khoản 5 và khoản 6: Đề nghị bổ sung cụm từ “theo luật định” sau cụm từ “bảo đảm”. Khoản 7: Đề nghị nghiên cứu để đưa quy định về luật sư công trong Hiến pháp, nhằm bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế trong xã hội, đảm bảo thực hiện công bằng trong xã hội.

Tại Điều 109 dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Khoản 2: Đề nghị quy định thẩm quyền quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao và Tòa án cấp cao có giá trị chung thẩm. Điều đó có nghĩa rằng quyết định giám đốc thẩm cũng sẽ có nội dung giải quyết đối với những vụ án mà tài liệu, chứng cứ đã rõ ràng (đủ căn cứ pháp luật để ra phán quyết mà không cần thiết phải hủy để điều tra, xét xử lại), nội dung giải quyết giám đốc thẩm các vụ án đó sẽ có hiệu lực thi hành ngay nếu không bị Tòa án cấp trên hoặc Hội đồng Hiến pháp xem xét lại. Riêng đối với “Tòa án đặc biệt” thì không nên quy định TAND tối cao có chức năng giám đốc việc xét xử của Tòa án này, vì xét thấy cần thiết phải thành lập thì “Tòa án đặc biệt” sẽ có cơ chế hoạt động riêng do Quốc hội quy định, Hội đồng xét xử và thủ tục tố tụng cũng có thể có tính chất “đặc biệt” phù hợp với yêu cầu, mục đích của việc thành lập Tòa án này. Khoản 3: Đề nghị bổ sung “TAND tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật”, vì có tổng kết, hướng dẫn mới đảm bảo thống nhất trong việc nhận thức, vận dụng các quy định của pháp luật vào việc giải quyết các vụ án cụ thể. Hơn nữa, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp khi xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp cũng đã đề cập đến nội dung hướng dẫn thống nhất pháp luật là một trong những nhiệm vụ của TAND tối cao. Đề nghị bổ sung khoản 4: Quy định về thẩm quyền giải thích pháp luật là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bổ sung thêm một chủ thể là TAND tối cao được giải thích một số điều luật cụ thể thông qua việc xét xử các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm mà phát hiện điều luật đó chưa rõ ràng, cần giải thích để áp dụng pháp luật thống nhất. Cần quy định thẩm quyền của TAND tối cao trong việc phát triển án lệ. Theo đó, đối với những vấn đề chưa có quy định của pháp luật thì quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và Ủy ban Thẩm phán của các Tòa án cấp cao sẽ có giá trị bắt buộc đối với các Tòa án cấp dưới.

Tại Điều 110 dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Khoản 2: Về cơ chế giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của Tòa án cần xem xét, quy định cho phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 4 cấp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, cụ thể là: “Chánh án TAND địa phương có trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Như vậy sẽ phù hợp với Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra là: “Các TAND sơ thẩm khu vực, VKSND sơ thẩm khu vực và TAND cấp tỉnh, VKSND cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ cấp tỉnh và sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Khoản 3: Đề  nghị  bổ  sung  thêm  từ  “bãi  nhiệm”  sau  cụm  từ  “việc bầu”.

Tại Điều 111 dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Đề nghị bỏ từ “nhân dân” và thay từ “hữu quan” thành từ “liên quan”.
 

P.V (lược ghi)

.