Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự. Báo Bảo vệ pháp luật điện tử đăng toàn văn để các đơn vị trong Ngành và bạn đọc cùng tham khảo.

 
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
- TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO -
BỘ CÔNG AN – BỘ TƯ PHÁP –
BỘ NGOẠI GIAO
Số:      /TTLT-VKSNDTC-TANDTC
-BCA-BTP-BNG
 
DỰ THẢO 9
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
 
 
 
 
Hà Nội, ngày … tháng …  năm 2013
 
 
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN VIỆC TIẾP NHẬN, CHUYỂN GIAO HỒ SƠ, 
VẬT CHỨNG CỦA VỤ ÁN ĐỂ YÊU CẦU NƯỚC NGOÀI
TIẾP TỤC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Căn cứ Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Điều 345, Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao thống nhất hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội như sau:
CHƯƠNG I
 QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn về điều kiện, nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đã trốn ra nước ngoài theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Tương trợ tư pháp.
Điều 2. Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội
Việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án theo yêu cầu của Thông tư liên tịch nàyphải có đủ các điều kiện sau:
1. Người bị yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, đã bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam điều tra, truy tố, xét xử nhưng đã trốn khỏi Việt Nam đến một nước mà người đó mang quốc tịch hoặc nước khác (sau đây gọi là nước mà người phạm tội đang có mặt).
2. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã yêu cầu nước mà người phạm tội đang có mặt dẫn độ về Việt Nam, nhưng cơ quan có thẩm quyền của nước đó từ chối việc dẫn độ.
Điều 3. Nguyên tắc chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án cho nước ngoài để yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự
          Việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau:
1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị của Việt Nam; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
          2. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ bí mật nhà nước;chế độ bảo mật thông tin, tài liệu, vật chứng của vụ án.
3. Không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội khác hoặc việc giải quyết vụ án khác tại Việt Nam.          
4. Tài liệu, vật chứng chuyển giao là những tài liệu, vật chứng không thể thiếu phục vụ cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Điều 4. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội
            1. Trường hợp giữa Việt Nam và nước được yêu cầu chưa là thành viên của  điều ước quốc tế tương trợ tư pháp về hình sự hoặc chưa có thỏa thuận về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội trên lãnh thổ nước này mà trốn sang nước kia, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại, kèm theo hồ sơ yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội (sau đây gọi là hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội”);
          2. Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ ngoại giao xem xét và đưa ra một trong các quyết định quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều này. Đối với trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến của Tòa án nhân dân 
tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn này không quá hai mươi ngày.
          3. Trường hợp quyết định đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Bộ Ngoại giao có Công hàm đề nghị nước được yêu cầu áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Việc gửi Công hàm được thực hiện thông qua cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước được yêu cầu hoặc cơ quan đại diện của nước được yêu cầu tại Việt Nam; đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết. Trong Công hàm cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có văn bản trả lời chính thức về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam.
          4. Trường hợp quyết định không đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Bộ Ngoại giao gửi trả hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội” cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nêu rõ lý do.
          5. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời chính thức của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao biết để chủ trì, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao thực hiện việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho nước ngoài.
          6. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại với những điều kiện kèm theo, Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp.
          Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp có ý kiến bằng văn bản về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với những điều kiện kèm theo của phía nước ngoài.
          Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với những điều kiện kèm theo. Trường hợp chấp nhận yêu cầu áp dụng nguyên tắc có đi có lại với những điều kiện kèm theo của phía nước ngoài, Bộ Ngoại giao thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định tại Khoản 5 Điều này.
           
CHƯƠNG II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TIẾP NHẬN, CHUYỂN GIAO HỒ SƠ, 
VẬT CHỨNG CỦA VỤ ÁN ĐỂ YÊU CẦU NƯỚC NGOÀI 
TIẾP TỤC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
MỤC 1. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TIẾP NHẬN, CHUYỂN GIAO HỒ SƠ, VẬT CHỨNG GIỮA CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CỦA VIỆT NAM
Điều 5. Lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội 
1. Khi yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền có yêu cầu (sau đây viết tắt là cơ quan yêu cầu) phải lập hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội”.
2. Hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội” gồm có:
a) Văn bản của cơ quan yêu cầu đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét việc chuyển hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội” cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;
b) Văn bản “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội” do cơ quan yêu cầu lập theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
c) Hồ sơ phạm tội của người bị yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự. Hồ sơ này có thể là sao y bản chính hồ sơ vụ án của người phạm tội trong trường hợp họ không có đồng phạm hoặc là hồ sơ do cơ quan yêu cầu tách, trích lập riêng đối với người đó theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.
d) Các tài liệu chứng minh đối tượng đang có mặt tại nước được yêu cầu;
đ) Văn bản từ chối dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trường hợp giữa Việt Nam và nước được yêu cầu đã có Hiệp định về dẫn độ và đối tượng bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp từ chối dẫn độ theo quy định của Hiệp định thì viện dẫn quy định đó thay cho văn bản từ chối 
dẫn độ.
e) Các tài liệu, vật chứng cần thiết khác có liên quan;
3. Hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội” phải được đánh số bút lục và có danh mục tài liệu, vật chứng kèm theo (nếu có) và được lập thành 3 bộ. Cơ quan yêu cầu có trách nhiệm dịch hồ sơ ra ngôn ngữ phù hợp theo quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp. Trường hợp cơ quan yêu cầu không xác định được ngôn ngữ của nước được yêu cầu hoặc ngôn ngữ khác mà nước được yêu cầu chấp nhận thì gửi văn bản đến Bộ Ngoại giao đề nghị xác định.
4. Chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động lập hồ sơ, dịch thuật, chuyển giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao do cơ quan yêu cầu chi trả từ ngân sách nhà nước.   
Điều 6. Xử lý trường hợp có đồng phạm đang bị điều tra, truy tố, xét xử trong nước
Trường hợp người bị yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự có đồng phạm đang bị điều tra, truy tố, xét xử ở trong nước thì căn cứ vào việc quyết định yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, cơ quan yêu cầu tách, hoặc trích lập riêng hồ sơ phạm tội của người đó trước khi lập hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự”. Việc tách, hoặc trích lập hồ sơ phạm tội của người bị yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự phải đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này.
Điều 7. Hình thức chuyển hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự” đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao
1. Cơ quan yêu cầu có trách nhiệm chuyển hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự” đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
2. Trường hợp chuyển trực tiếp thì việc giao, nhận phải được lập thành biên bản, nêu rõ các nội dung sau:
a) Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm giao, nhận hồ sơ;
b) Tên cơ quan yêu cầu; Họ, tên, chức vụ của người chuyển giao;
c) Tên cơ quan tiếp nhận; Họ, tên, chức vụ của người tiếp nhận;
d) Các tài liệu có trong hồ sơ theo danh mục tài liệu đã được liệt kê; Số lượng trang có trong hồ sơ đã được đánh bút lục;
đ) Chủng loại vật chứng và tình trạng vật chứng (vật chứng đi kèm hồ sơ hay đang thuộc trách nhiệm bảo quản của cơ quan nào) được nêu trong danh mục vật chứng.
3. Ngày Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội” được tính theo ngày ghi trong biên bản giao, nhận trong trường hợp chuyển trực tiếp hoặc ngày đến theo dấu của bưu điện, trong trường hợp hồ sơ chuyển theo đường bưu điện.
Điều 8. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi nhận được hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội”
1. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm:
a) Vào sổ thụ lý hồ sơ;
b) Kiểm tra tính đầy đủ và tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại cho cơ quan yêu cầu và nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ thiếu các tài liệu cần thiết thì yêu cầu bổ sung. Thời hạn bổ sung tài liệu không quá 10 ngày làm việc.
c) Xem xét, quyết định loại tài liệu, vật chứng chuyển giao cho nước ngoài theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch này. Trường hợp tài liệu, vật chứng đi kèm hồ sơ nhưng xét thấy không cần thiết chuyển giao cho nước ngoài thì trả lại cho cơ quan yêu cầu.
d) Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng để yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước được yêu cầu là thành viên.
Trường hợp giữa Việt Nam và nước được yêu cầu chưa có điều ước quốc tế về lĩnh vực này thì đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc đề nghị nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trên cơ sở nguyên tắc có đi, có lại theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch này.
đ) Thông báo cho cơ quan yêu cầu biết về việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho nước ngoài. Nội dung thông báo phải cụ thể về thời gian, địa điểm chuyển giao; loại tài liệu, vật chứng chuyển giao; loại tài liệu, vật chứng không chuyển giao, trả lại cho cơ quan yêu cầu.
2. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ được lập theo đúng quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này.
Điều 9. Việc tiếp nhận, chuyển giao vật chứng của vụ án giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam
1. Trường hợp vật chứng kèm theo hồ sơ vụ án:
a) Khi chuyển giao hồ sơ, cơ quan có trách nhiệm phải chuyển giao luôn cả vật chứng của vụ án.
b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm bảo quản vật chứng kèm theo trong thời gian quản lý hồ sơ.
2. Trường hợp vụ án có vật chứng đang được bảo quản tại kho vật chứng:
a) Cơ quan yêu cầu phải chụp ảnh hoặc ghi hình kèm theo mô tả vật chứng và đưa vào hồ sơ; Đồng thời cơ quan yêu cầu phải thông báo cho cơ quan bảo quản vật chứng biết.
b) Cơ quan đang bảo quản vật chứng  có trách nhiệm tiếp tục bảo quản vật chứng cho đến khi có Lệnh xuất vật chứng của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi có quyết định xử lí vật chứng theo quy định của pháp luật.  
 
MỤC 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN GIAO HỒ SƠ, VẬT CHỨNG CHO NƯỚC NGOÀI
Điều 10. Trách nhiệm chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho nước ngoài
1. Trường hợp việc chuyển giao được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước được yêu cầu đều là thành viên, thì Viện kiểm sát nhân dân
tối cao trực tiếp thực hiện việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo qui định của Điều ước quốc tế.
2. Trường hợp việc chuyển giao được thực hiện trên cơ sở áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho nước ngoài.
Điều 11. Thủ tục chuyển giao vật chứng cho nước ngoài
1. Nếu vật chứng cần chuyển giao cho nước ngoài kèm theo hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội” thì khi chuyển giao hồ sơ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển giao cả vật chứng đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
2. Nếu vật chứng cần chuyển giao được bảo quản tại kho vật chứng thì giải quyết theo thủ tục sau:
a) Chậm nhất là năm ngày làm việc trước ngày chuyển giao cho nước ngoài, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan yêu cầu biết về thời gian, địa điểm chuyển giao. Cơ quan yêu cầu có trách nhiệm trích xuất và vận chuyển vật chứng theo đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
b) Trường hợp chuyển qua kênh ngoại giao, khi liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để thống nhất về việc chuyển giao, Bộ Ngoại giao cần lưu ý thời gian dành cho việc trích xuất, vận chuyển vật chứng ít nhất là bảy ngày làm việc trước ngày chuyển giao. Trong thời hạn hai ngày kể từ khi có được sự thống nhất về việc chuyển giao với nước ngoài, Bộ Ngoại giao thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân dân tối cao biết để chủ trì, phối hợp việc chuyển giao.
Việc thông báo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho cơ quan yêu cầu để thực hiện trách nhiệm trích xuất và vận chuyển vật chứng được thực hiện theo qui định tại điểm a Khoản này.
3. Hình thức chuyển giao vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch này.
Điều 12. Hình thức chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho nước ngoài
1. Tùy theo từng trường hợp, việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có thể thực hiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
2. Trường hợp trực tiếp, việc chuyển giao phải được lập thành biên bản, thể hiện đầy đủ các tài liệu có trong hồ sơ, danh mục và tình trạng vật chứng được chuyển giao, có chữ ký của bên giao - là đại diện các cơ quan có liên quan của Việt Nam tại địa điểm bàn giao và bên nhận - là đại diện của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tại địa điểm bàn giao.
Điều 13. Chi phí chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho nước ngoài
Chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho nước ngoài do cơ quan thực hiện việc chuyển giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Bộ Ngoại giao, chi trả từ ngân sách nhà nước.
 
CHƯƠNG III 
 TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
          Điều 14. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
1. Tổ chức triển khai thực hiện các qui định có liên quan của Thông tư liên tịch này trong ngành Kiểm sát nhân dân.
2. Trực tiếp hoặc chủ trì, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao thực hiện việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của Thông tư liên tịch này; đề nghị phía nước ngoài chuyển trả hồ sơ, vật chứng cho Việt Nam trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
3. Thực hiện trách nhiệm theo dõi và thông báo kết quả việc thực hiện yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho cơ quan yêu cầu biết trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin từ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc từ Bộ Ngoại giao.
4. Hàng năm, cập nhật và gửi các điều ước và thỏa thuận quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự có hiệu lực mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia cho Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao.
Điều 15. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong ngành Tòa án về việc lập hồ sơ và thủ tục yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo quy định của Thông tư liên tịch này.
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc lập hồ sơ và các thủ tục cần thiết khác liên quan đến việc yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo qui định của Thông tư liên tịch này.
2. Tổ chức thực hiện việc bảo quản, trích xuất và vận chuyển vật chứng đến địa điểm và theo thời hạn nêu trong thông báo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
Hướng dẫn Cơ quan thi hành án dân sự các cấp tổ chức thực hiện việc bảo quản, trích xuất, bàn giao vật chứng của vụ án để chuyển giao cho nước ngoài theo quy định của Thông tư liên tịch này.
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Tổ chức thực hiện trong ngành Ngoại giao về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ liên quan đến việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án cho nước ngoài theo quy định của Thông tư liên tịch này.
          2. Xác định ngôn ngữ của nước đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo yêu cầu của Cơ quan lập hồ sơ “yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội”.
          3. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để biết kết quả thực hiện yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự của Việt Nam; đề nghị phía nước ngoài chuyển trả hồ sơ, vật chứng cho Việt Nam trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
4. Hàng năm, cập nhật danh sách tên các quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận về áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam liên quan đến yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội và thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp.
             Điều 19. Hiệu lực thi hành
          1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày… tháng …. năm….
          2. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới, đề nghị phản ánh kịp thời đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hoặc Bộ Ngoại giao để được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung./.
 
KT. CHÁNH ÁN 
TÒA AN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
 
 
 
 
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
 
KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
 
 
 
 
 
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
 
 
 
 
 
 
 
 
KT. BỘ TRƯỞNG 
BỘ NGOẠI GIAO 
THỨ TRƯỞNG
 
 
 
 
 
Nơi nhận:
- Ủy ban pháp luật của Quốc hội (để b/c);
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (để b/c);
- Công báo (để đăng);
- Lưu VKSNDTC, TANDTC, BCA, BTP. BNG.
 
PHỤ LỤC MẪU VĂN BẢN 
YÊU CẦU NƯỚC NGOÀI TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số:      /TTLT-VKSNDTC-TANDTC -BCA-BTP-BNG ngày …tháng……năm của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao 
– Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Ngoại giao).
 

TÊN CƠ QUAN TIẾN HÀNH 
TỐ TỤNG CÓ YÊU CẦU
Địa chỉ, thông tin liên lạc
Số: 
Trích yếu
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
 
…….., ngày…… tháng….. năm …….
 
YÊU CẦU TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
 
{Tên cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu}, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin gửi lời chào trân trọng đến {tên cơ quan đầu mối + tên nước được yêu cầu);
1. Căn cứ pháp lý
- Căn cứ Hiệp định tương trợ tư pháp về….. giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và {tên nước ký kết với Việt Nam}.
- Căn cứ Công ước quốc tế về….. (trong trường hợp Công ước có nội dung tương trợ về yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mà Việt Nam và nước ngoài cùng là thành viên).
- Căn cứ nguyên tắc có đi có lại (trong trường hợp Việt Nam và nước được yêu cầu chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự).
2. Tên cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam có yêu cầu {tên cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu} nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
3. Nội dung yêu cầu
Yêu cầu {tên cơ quan đầu mối, tên nước được yêu cầu) xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với: {Họ, tên đầy đủ của người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự}
Sinh ngày:
Quốc tịch:
Số hộ chiếu:
Địa chỉ:{tại nước được yêu cầu}
Là bị can, bị cáo trong vụ án {tên vụ án, số hiệu vụ án} do {tên cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu}, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang giải quyết:

 

4. Tóm tắt nội dung của vụ án liên quan đến yêu cầu, lý do yêu cầu:
 - Mô tả ngắn gọn nội dung vụ án, đặc biệt là các tình tiết, thông tin của vụ án liên quan đến hành vi phạm tội của người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Các thủ tục tố tụng đã áp dụng đối với người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam;
- Thông tin về việc người bị yêu cầu đã trốn khỏi Việt Nam và hiện đang có mặt tại nước được yêu cầu.
- Những yêu cầu của Việt Nam đối với nước được yêu cầu liên quan đến việc điều tra, xử lý người phạm tội như: yêu cầu lấy lời khai, thu thập chứng cứ, dẫn độ… (nếu có) và kết quả thực hiện các yêu cầu đó của nước được yêu cầu).
5. Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự
- Trích dẫn quy định (điều luật, điều khoản) về tội danh và hình phạt đối với hành vi phạm tội của người bị yêu cầu trong Bộ luật hình sự Việt Nam.
- Trích dẫn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (trích dẫn Điều 23 Bộ luật hình sự Việt Nam).
6. Về thời hạn thực hiện yêu cầu: (nêu cụ thể thời hạn mong muốn nhận được kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội).
7. Các tài liệu, vật chứng có liên quan gửi kèm theo yêu cầu: (Liệt kê danh sách các tài liệu, vật chứng gửi kèm theo).
9. Phần kết: {tên cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu}, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với sự phối hợp của {tên cơ quan đầu mối của nước được yêu cầu + tên nước được yêu cầu}!
 
 
THỦ TRƯỞNG
(hoặc) KT. THỦ TRƯỞNG 
PHÓ THỦ TRƯỞNG, 

(trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền)
(tên cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu)
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)