Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Báo Bảo vệ pháp luật điện tử xin đăng toàn văn để các đơn vị trong Ngành cùng bạn đọc cùng tham khảo.

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
- TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO -
BỘ CÔNG AN – BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP
Số:      /TTLT-VKSNDTC-TANDTC
-BCA-BTP-BNG
 
DỰ THẢO 03.2013
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
 
 
 
 
Hà Nội, ngày … tháng …  năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc công khai trong hoạt động

điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

 

Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007 và năm 2013);

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định về công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phục vụ mục tiêu phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động tố tụng và hoạt động thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn thi hành một số điểm như sau:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc công khai thông tin trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

1. Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án, người có thẩm quyền thuộc cơ quan quản lý thi hành án; cơ quan thi hành án và người có thẩm quyền thuộc cơ quan thi hành án; bao gồm:

a) Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và những người tiến hành tố tụng thuộc cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

b) Viện kiểm sát nhân dân và những người tiến hành tố tụng thuộc Viện kiểm sát nhân dân;

c) Tòa án nhân dân và những người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân;

d) Cơ quan quản lý thi hành án, Cơ quan thi hành án và những người có thẩm quyền thuộc cơ quan quản lý thi hành án, cơ quan thi hành án;

đ) Các cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự và những người có thẩm quyền thuộc cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

2. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là việc cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án công bố, cung cấp thông tin về lệnh, quyết định, văn bản do các cơ quan, người có thẩm có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án ban hành hoặc công bố, cung cấp thông tin về hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án.

Điều 4. Mục đích công khai thông tin

Việc công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án nhằm mục đích:

1. Bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; 

2. Góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

3. Tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân nhận thức và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào các hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án;

4. Góp phần tăng cường sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phòng ngừa vi phạm, tham nhũng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

Điều 5. Nguyên tắc thực hiện công khai thông tin

Việc công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm thông tin được công khai đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về thi hành án;

 2. Bảo đảm an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh của các cơ quan, tổ chức và tôn trọng các quyền hoặc uy tín, bí mật đời tư của cá nhân theo qui định của pháp luật;

3. Bảo đảm không làm cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

4. Bảo đảm sự an toàn cho người bị hại, người làm chứng, người tố giác tội phạm.

Điều 6. Trách nhiệm thực hiện việc công khai thông tin

1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có trách nhiệm:

a) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc công khai thông tin thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án và hướng dẫn tại Thông tư này;

b) Giải quyết khiếu nại về việc không thực hiện công khai thông tin, công khai thông tin không đầy đủ hoặc trái pháp luật.

2. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc công khai thông tin phải bảo quản, lưu giữ thông tin đã được công khai theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Đối tượng được nhận thông tin

1. Người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hành chính; người phải thi hành án, người được thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án.

 Các chủ thể được quy định tại khoản 1 Điều này được giao các lệnh, quyết định, văn bản tố tụng, văn bản về thi hành án do cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án ban hành theo thẩm quyền; được tham gia thực hiện và được thông tin về kết quả thực hiện các lệnh, quyết định, văn bản nêu trên theo qui định của pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án.

2. Người đại diện hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự, người phải thi hành án; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; đại diện các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mà người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự, người phải thi hành án là thành viên; đại điện cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự, người phải thi hành án làm việc.

Các chủ thể được quy định tại khoản 2 Điều này có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cung cấp, thông báo các lệnh, quyết định, văn bản tố tụng, văn bản về thi hành án liên quan đến người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự, người phải thi hành án theo qui định của pháp luật về tố tụng, pháp luật về thi hành án.

3. Các tổ chức, cá nhân được tham gia chứng kiến việc tiến hành các hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về thi hành án.

Điều 8. Các thông tin phải công khai

1. Các lệnh, quyết định, văn bản do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án ban hành theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và pháp luật về thi hành án hình sự, thi hành án dân sự .

2. Thông tin về kết quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; kết quả hoạt động giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và hoạt động thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà pháp luật quy định phải được công khai.

Điều 9. Hình thức, thủ tục công khai thông tin

1. Việc công khai thông tin trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện theo các hình thức, thủ tục sau đây;

a) Giao, gửi hoặc thông báo bằng văn bản các lệnh, quyết định, văn bản tố tụng và văn bản về thi hành án cho các đối tượng được nhận thông tin nêu tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này; thủ tục công khai thông tin trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về thi hành án.

b) Thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có sự tham gia của người chứng kiến, sự tham gia của của đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hoặc thực hiện có sự tham gia, chứng kiến của nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về thi hành án.

Ví dụ 1: Khi thực hiện việc khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. 

Ví dụ 2Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp xét xử kín do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.

2. Trong trường hợp pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án không có quy định hình thức, thủ tục công khai thì thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án phải căn cứ vào tính chất của thông tin cần được công khai và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị mình để lựa chọn áp dụng thực hiện một hoặc một số hình thức công khai sau đây[1]:

a) Niêm yết công khai các lệnh, quyết định, văn bản tố tụng, văn bản về thi hành án tại nơi tiếp công dân ở trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án; thời hạn niêm yết là 15 ngày, kể từ ngày ban hành các lệnh, quyết định, văn bản tố tụng, văn bản về thi hành án.

b) Phát hành ấn phẩm để thông tin về kết quả hoạt động tố tụng, kết quả hoạt động thi hành án;

Ví dụViện kiểm sát phát hành tập Hệ thống hóa các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm; Tòa án nhân dân tối cao phát hành tập Hệ thống hóa các quyết định giám đốc thẩm; cơ quan thi hành án phát hành ấn phẩm để công khai kết quả hoạt động thi hành án hàng năm.

c) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện công khai thông tin

1. Khi thực hiện việc công khai thông tin, nghiêm cấm các hành vi sau đây:

a) Công bố thông tin sai lệch hoặc cố ý trì hoãn việc công bố thông tin;

b) Công khai thông tin làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác của các cơ quan, tổ chức, bí mật kinh doanh hoặc làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân;

c) Lợi dụng việc công khai thông tin trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để trục lợi hoặc gây khó khăn, trở ngại cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

d) Lợi dụng quyền yêu cầu công khai thông tin để gây rối hoặc để thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Điều 11. Thủ tục yêu cầu công khai thông tin

1. Yêu cầu công khai thông tin của các cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này phải được thực hiện bằng văn bản, văn bản yêu cầu công khai thông tin phải nêu rõ các nội dung sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu cung cấp thông tin; tên cơ quan, tổ chức, địa chỉ trụ sở, người đại diện của cơ quan tổ chức yêu cầu công khai thông tin;

b) Lý do của việc yêu cầu công khai thông tin;

c) Các thông tin yêu cầu được công khai;

d) Mục đích sử dụng thông tin yêu cầu cung cấp;

đ) Thời hạn đề nghị được nhận thông tin;

e) Cam đoan về việc sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật.

2. Văn bản yêu cầu công khai thông tin được gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và Cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân có yêu cầu công khai thông tin

1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân yêu cầu công khai thông tin có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu công khai về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

b) Được nhận thông tin đã yêu cầu công khai hoặc nhận văn bản trả lời về việc từ chối công khai thông tin;

c) Khiếu nại về việc không công khai thông tin, công khai thông tin không đầy đủ hoặc trái pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu công khai thông tin có các nghĩa vụ sau đây:

a) Gửi văn bản yêu cầu công khai thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này đến các cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin.

b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại về việc thực hiện yêu cầu công khai thông tin đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, người có trách nhiệm thực hiện công khai thông tin theo yêu cầu

1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án và Cơ quan thi hành án được yêu cầu công khai thông tin có các quyền sau đây:

a) Xác minh, làm rõ lý do của việc yêu cầu công khai thông tin;

b) Từ chối thực hiện yêu cầu công khai thông tin trong các trường hợp sau đây:

- Các thông tin thuộc an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh và bí mật đời tư của cá nhân theo quy định của pháp luật;

- Các thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các ấn phẩm đã được phát hành hoặc đã được niêm yết công khai;

- Thông tin không liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu công khai thông tin.

- Văn bản yêu cầu công khai thông tin không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 hoặc lý do, mục đích sử dụng thông tin trong văn bản yêu cầu công khai thông tin không phù hợp.

c) Yêu cầu người được nhận thông tin

 phải bảo đảm tính hợp pháp và tính chính xác khi sử dụng thông tin đó.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và Cơ quan thi hành án được yêu cầu công khai thông tin có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện việc cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu điện tử cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án.

Trường hợp pháp luật tố tụng, pháp luật về thi hành án không có quy định thì thời hạn thực hiện việc cung cấp thông tin tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp pháp.

b) Trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu công khai thông tin biết trong trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thông tin. Thời hạn trả lời tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp pháp.

CHƯƠNG II

CÔNG KHAI THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA,

TRUY TỐ, XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

Điều 14. Các thông tin về hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự được công khai và trách nhiệm thực hiện công khai thông tin

1. Các thông tin về hoạt động khởi tố, điều tra được công khai:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định phân công Điều tra viên điều tra vụ án hình sự;

c) Quyết định thay đổi (bổ sung) Điều tra viên điều tra vụ án hình sự;

d) Quyết định khởi tố bị can; Quyết định thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố bị can;

đ) Quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn; Quyết định gia hạn thời gian áp dụng biện pháp ngăn chặn; Quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn;

e) Quyết định trưng cầu giám định; Quyết định trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại;

 g) Quyết định xử lý vật chứng;

h) Quyết định tạm đình chỉ, Quyết định đình chỉ điều tra bị can;

i) Quyết định tạm đình chỉ, Quyết định đình chỉ vụ án hình sự;

k) Quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can;

l) Kết luận điều tra;

m) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền.

2. Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền  điều tra vụ án hình sự có trách nhiệm công khai các thông tin định tại khoản 1 Điều này.

Điều 15. Các thông tin về hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự được công khai và trách nhiệm thực hiện công khai thông tin

1. Các thông tin về hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự được công khai:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự của Viện kiểm sát trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hoặc trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

b) Quyết định phân công Kiểm sát viên THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự; Quyết định thay đổi Kiểm sát viên THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự;

c) Quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can theo quy định tại khoản 4 Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

d) Quyết định khởi tố bị can theo quy định tại khoản 5 Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003; Quyết định thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố bị can theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

đ) Quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ Quyết định thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

đ) Quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh, quyết định áp dụng, gia hạn áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn;

e) Quyết định gia hạn điều tra;

g) Quyết định chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền;

h) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại;

i) Quyết định phục hồi điều tra, quyết định xử lý vật chứng;

k) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về các quyết định hoặc hành vi tố tụng của Viện kiểm sát hoặc của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thuộc thẩm quyền;

l) Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; Quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

m) Quyết định rút, thay đổi, đình chỉ hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới;

p) Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự có trách nhiệm thực hiện công khai thông tin quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 16. Các thông tin về hoạt động quyết định việc truy tố được công khai và trách nhiệm thực hiện công khai thông tin

1. Các thông tin về hoạt động truy tố được công khai:

a) Quyết định gia hạn thời hạn quyết định truy tố;

b) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong gia đoạn truy tố;

c) Yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can;

d) Quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung;

đ) Quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền;

e) Quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;

g) Quyết định tạm đình chỉ, định đình điều tra bị can, vụ án.

2. Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố có trách nhiệm thực hiện công khai thông tin quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 17. Các thông tin về hoạt động xét xử vụ án hình sự được công khai và trách nhiệm thực hiện công khai thông tin

1. Các thông tin về hoạt động xét xử vụ án hình sự được công khai:

a) Quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án hình sự;

b) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự;

c) Quyết định chuyển vụ án cho Tòa án khác có thẩm quyền xét xử;

d) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

đ) Quyết định đưa vụ án ra xét xử;

e) Quyết định hoãn phiên tòa;

g) Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

h) Bản án, quyết định về việc giải quyết vụ án;

i) Quyết định, văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định hoặc hành vi tố tụng của Tòa án hoặc của những người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án trong giai đoạn xét xử vụ án thuộc thẩm quyền;

k) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

l) Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự của Tòa án.

2. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự có trách nhiệm công khai các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 18. Các thông tin về hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự được công khai và trách nhiệm thực hiện công khai thông tin

1. Các thông tin về hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự được công khai

a) Quyết định phân công Kiểm sát viên và Quyết định thay đổi Kiểm sát viên THQCT và KSXX vụ án hình sự;

b) Quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án;

c) Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án;

d) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định, hành vi tố tụng của Viện kiểm sát và Kiểm sát viên trong giai đoạn xét xử thuộc thẩm quyền.

đ) Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự của Viện kiểm sát .

2. Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự có trách nhiệm thực hiện công khai thông tin quy định tại khoản 1 Điều này.

CHƯƠNG III

         CÔNG KHAI THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG

                              DÂN SỰ, TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Điều 19. Các thông tin về hoạt động giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính được công khai và trách nhiệm thực hiện công khai thông tin

1. Các thông tin về hoạt động giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính được công khai:

a) Thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính; trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự;

b) Thông báo về việc thụ lý vụ việc dân sự, vụ án hành chính;

b) Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính cho Toà án khác có thẩm quyền giải quyết;

c) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính;

đ) Quyết định đưa vụ án dân sự, vụ án hành chính ra xét xử; Quyết định đưa việc dân sự ra giải quyết;

e) Quyết định hoãn phiên tòa hoặc phiên họp;

g) Bản án, quyết định của Tòa án về việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính;

h) Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, trong đó có nội dung tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

i) Văn bản, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định hoặc hành vi tố tụng của Tòa án và của những người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án;

k) Quyết định về việc xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính có trách nhiệm thực hiện công khai các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 20. Các thông tin về hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, vụ án hành chính được công khai và trách nhiệm công khai thông tin

1. Các thông tin về hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính được công khai:

a) Quyết định phân công Kiểm sát viên hoặc thay đổi việc phân công Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính;

b) Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính;

c) Công văn yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính trong trường hợp Viện kiểm sát xem xét kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đó;

d) Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính; trong đó có nội dung tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

đ) Kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

e) Quyết định, văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định hoặc hành vi tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát;

2. Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính có trách nhiệm công khai các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này.

CHƯƠNG IV

CÔNG KHAI THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN

MỤC I

CÔNG KHAI THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG

THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Điều 21. Công khai thông tin về hoạt động thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Tòa án

1. Tòa án có trách nhiệm thực hiện việc công khai thông tin về hoạt động thi hành án hình sự sau đây:

a) Quyết định thi hành án hình sự; Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Quyết định hủy bản án hoặc quyết định thi hành án; Quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp tư pháp;

c) Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù; Thông báo về việc hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù; Quyết định hoãn thi hành án tử hình; hoãn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

d) Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc chấp hành án phạt tù;

đ) Quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành án; kéo dài thời hạn trục xuất; rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo.

e) Quyết định chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, giáo dục tại xã phường, thị trấn đối với người chưa thành niên;

g) Quyết định xoá án tích;

h) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

2. Hình thức và thủ tục Tòa án thực hiện việc công khai thông tin về hoạt động thi hành án hình sự

a) Tòa án, người có thẩm quyền thuộc Tòa án thực hiện việc giao hoặc tống đạt các quyết định về thi hành án hình sự do cơ quan mình ban hành cho người phải thi hành, người được thi hành án, các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có quyền được nhận, được thông báo bảo đảm đúng đối tượng, thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự.

b) Công khai trên trang thông tin điện tử (nếu có) của Tòa án hoặc niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án các quyết định tố tụng nêu tại khoản 1 Điều này.

c) Cung cấp cho đại diện gia đình, người đại diện hợp pháp của người bị kết án, đại diện cơ quan, tổ chức nơi những người này học tập, làm việc hoặc đại diện các tổ chức, đoàn thể mà những người này là thành viên các quyết định về thi hành án hình sự  do cơ quan mình ban hành được nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 22. Công khai thông tin về hoạt động thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự, các cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự

Cơ quan thi hành án hình sự, các cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự có trách nhiệm thực hiện công khai các thông tin sau đây:

1. Văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định hoãn, tạm đình chỉ việc chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

2. Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt; Giấy chứng nhận đặc xá;

3. Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền;

4. Quyết định kiểm tra, thu giữ, xử lý đồ vật, tài liệu thuộc danh mục cấm;

5. Quyết định áp giải người phải thi hành án để thi hành án hình sự;

6. Quyết định truy nã đối với người phải thi hành án hình sự bỏ trốn;

7. Kết quả thi đua trong chấp hành án phạt tù;

8. Ngày chấp hành xong án phạt tù.

Điều 23. Công khai thông tin về hoạt động kiểm sát việc thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát

Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hiện công khai các thông tin sau đây:

1. Văn bản đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án hình sự;

2. Văn bản kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Toà án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự trong việc thi hành án hình sự và cá nhân có liên quan trong quá trình kiểm sát việc thi hành án hình sự, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án hình sự;

3. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với Quyết định miễn hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù;

4. Quyết định trả tự do cho người bị giam giữ không có căn cứ và trái pháp luật;

5. Các quyết định ban hành theo thẩm quyền khi phát hiện, xử lý vi phạm trong quá trình kiểm sát việc thi hành án hình sự.

6. Quyết định giải quyết giải quyết khiếu nại, tố cáo quá trình thực hiện chức năng kiểm sát thi hành án hình sự theo thẩm quyền.

MỤC II

CÔNG KHAI THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG

THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 24. Công khai thông tin về hoạt động thi hành án dân sự thuộc trách nhiệm của Tòa án

1. Tòa án có trách nhiệm thực hiện việc công khai các thông tin sau đây:

a) Văn bản giải thích bản án, quyết định giải quyết vụ viêc dân sự, vụ án hành chính;

b) Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án;

c) Quyết định tạm đình chỉ thi hành án trong trường hợp Chánh án Tòa án kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

2. Hình thức và thủ tục thực hiện việc công khai thông tin của Tòa án

a. Thực hiện việc giao quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án do cơ quan mình ban hành, cho các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có quyền được nhận đúng đối tượng, thời hạn theo quy định của pháp luật;

b. Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan hoặc niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan mình các văn bản, quyết định quy định tại khoản 1 Điều trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành;

c. Cung cấp cho đương sự, đại diện gia đình, người đại diện hợp pháp của đương sự các văn bản, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này khi những người này có yêu cầu.

Điều 25. Công khai thông tin về hoạt động thi hành án dân sự thuộc trách nhiệm của Cơ quan thi hành án dân sự

Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thực hiện công khai các thông tin sau đây:

1. Thông báo tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án.

2. Quyết định thi hành án; quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định về thi hành án.

3.  Kết quả xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

4. Quyết định ủy thác thi hành án.

5. Quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án

6. Giấy xác nhận kết quả thi hành án,

7. Văn bản trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát;

8. Văn bản, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án,

9. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

10. Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;

11. Văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;

12. Kết quả thi hành án dân sự hàng năm.

Điều 26. Công khai thông tin về hoạt động kiểm sát việc thi hành án dân sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát

Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hiện việc công khai các thông tin sau đây:

1. Thông tin về quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát đã kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (quyết định độc lập hoặc ghi trong nội dung của quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Viện kiểm sát);

2. Văn bản kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới

3. Văn bản yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân được ban hành trong quá trình kiểm sát;

4. Các quyết định ban hành theo thẩm quyền khi phát hiện, xử lý vi phạm trong quá trình kiểm sát việc thi hành án.

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27 . Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày …./…./2013.

Điều 28. Việc giải thích hoặc bổ sung thông tư

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc chưa được hướng dẫn cần phải giải thích, hướng dẫn bổ sung, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòg, Bộ Tư pháp để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

 

 

 

KT. VIỆN TRƯỞNG

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC

 

KT. CHÁNH ÁN

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ CHÁNH ÁN THƯỜNG TRỰC

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

THỨ TRƯỞNG

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

THỨ TRƯỞNG

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

Nơi nhận:

- Văn phòng Quốc hội;

- Ủy ban pháp luật của Quốc hội;

- Ủy ban tư pháp của Quốc hội;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Bộ Công an;

- Bộ Quốc phòng;

- Bộ Tư pháp;

- Lưu: VT, VKHKS.

 

 

DỰ THẢO THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN VIỆC TIẾP NHẬN, CHUYỂN GIAO HỒ SƠ, VẬT CHỨNG CỦA VỤ ÁN ĐỂ YÊU CẦU NƯỚC NGOÀI TIẾP TỤC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

.