(BVPL) - Trên cơ sở nghiên cứu các nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; trước hết, tôi bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí cao với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp 1992 và thể chế các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

 

 

Dự thảo làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó tiếp tục xác định rõ hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của VKSND là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (khoản 1 Điều 112). Đồng thời, VKSND, ngoài việc “Góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” như quy định của Hiến pháp 1992, Dự thảo còn bổ sung nhiệm vụ của VKSND là “Bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…” (khoản 3 Điều 112). Đây là một quy định mới, thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với ngành KSND không những chỉ làm tốt công tác thực hành quyền công tố mà phải tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật và các hoạt động khác theo luật định nhằm bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân và các lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và cá nhân. Đây là một cơ sở vững chắc để toàn ngành Kiểm sát thảo luận và đề ra những nhiệm vụ thật cụ thể trình Quốc hội về Luật Tổ chức VKSND và các bộ luật khác.

 

Tại Điều 113 của Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 138, 139, 140) có nêu: Viện trưởng VKSNDTC do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ của Viện trưởng VKSNDTC theo nhiệm kỳ Quốc hội. Về nội dung Dự thảo lần này đã quy định rõ, Viện trưởng VKSNDTC do Quốc hội bầu nhưng theo tôi cần bổ sung thêm một ý là “Viện trưởng VKSNDTC do Quốc hội bầu trong số Đại biểu Quốc hội” nhằm khẳng định rõ Viện trưởng VKSNDTC phải là một trong số những Đại biểu Quốc hội được nhân dân trực tiếp bầu ra. Viện trưởng VKSNDTC không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người Viện trưởng mà còn phải làm tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

Tương tự đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (khoản 1 Điều 110) và Tổng kiểm toán Nhà nước (khoản 2 Điều 122) cũng cần quy định rõ hai chức danh này cũng được bầu trong số Đại biểu Quốc hội và nhiệm kỳ của Chánh án, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng nên theo nhiệm kỳ của Quốc hội thay vì Dự thảo tại khoản 2 Điều 122 lại quy định “Nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán Nhà nước do luật định”, mà theo Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành, nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán Nhà nước lại là 7 năm nên không trùng với nhiệm kỳ Quốc hội sẽ gây nên nhiều bất cập.

Đối với nội dung thứ hai (khoản 1 Điều 113), tôi hoàn toàn nhất trí với quy định “Việc bổ nhiệm, nhiệm kỳ của Viện trưởng các VKS khác do luật định” có nghĩa là những chức danh này do Luật Tổ chức VKSND quy định.

Tại khoản 3 Điều 93 Dự thảo Hiến pháp quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước có ghi: Chủ tịch nước “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSNDTC; Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…”. Quy định như trên có nghĩa là Chủ tịch nước chỉ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sau khi được Quốc hội xét và ra Nghị quyết phê chuẩn đối với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo tôi, Dự thảo quy định Quốc hội họp thảo luận, xem xét phê chuẩn đối với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là không cần thiết, không thực tế và không kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xét xử của Thẩm phán. Quốc hội mỗi năm chỉ họp hai kỳ, trong khi đó, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc bãi nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là thường xuyên, nhiệm kỳ của Thẩm phán không trùng với nhiệm kỳ của Quốc hội… Do vậy, theo tôi nên quy định chỉ giao cho Chủ tịch nước xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là đầy đủ.      
 

Đắc Thái (ghi)

.