(BVPL) - Hội nghị toàn quốc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003” của ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức trong hai ngày 6 và 7/12/2012 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Có thể khẳng định, trong 52 năm từ khi thành lập ngành KSND đây là lần đầu tiên Hội nghị có sự tham gia của 3 cấp kiểm sát và Hội nghị chính là nơi tập trung, phát huy trí tuệ toàn Ngành.
Các đại biểu làm Lễ chào cờ tại Quảng trường và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong không khí se lạnh của Hà Nội vào những ngày cuối năm, đúng 7 giờ sáng ngày 6/12, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, tập thể Lãnh đạo VKSNDTC cùng hàng ngàn đại biểu ngành KSND trong trang phục mới đã có mặt để tham dự Lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với nhiều đại biểu, đây có lẽ là sự kiện không thể nào quên trong cuộc đời làm người cán bộ Kiểm sát của họ bởi nhiều lẽ, có rất nhiều đại biểu đây là lần đầu tiên họ được ra Hà Nội, được vinh dự vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi tham dự một Hội nghị có quy mô được coi là lớn nhất ngành Kiểm sát từ trước đến nay. Và theo như lời của đồng chí Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình thì: “Tại Hội nghị này, chúng ta báo cáo nhân dân cả nước diện mạo mới của ngành KSND. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng Ngành. Là điều kiện thuận lợi để VKSND từng bước phát triển chính quy, hiện đại; đề cao kỷ cương, kỷ luật; tạo sự tôn nghiêm khi thực thi công vụ. Trong trang phục mới, chúng ta trịnh trọng tổ chức Lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử; kính cẩn nghiêng mình viếng Bác và thầm hứa với Bác sẽ thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người - “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị vinh dự được đón đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Tới dự Hội nghị còn có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí là thành viên Ban Soạn thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là 02 Dự án Luật); đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương. Tham dự Hội nghị, về phía VKSNDTC gồm có: đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC chủ trì Hội nghị; đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Trần Phước Tới, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo VKSNDTC qua các thời kỳ. Tham dự Hội nghị có các đại biểu là Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSNDTC; Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện trưởng VKSND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố; Phó Viện trưởng VKS quân sự Trung ương; Viện trưởng VKS Quân sự cấp quân khu và khu vực.
Tại Hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã có bài phát biểu khai mạc nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị lần này. Theo đồng chí Viện trưởng thì việc xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) và Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) có tầm ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc đến đời sống xã hội, đến kỷ cương phép nước, đến quyền lợi công dân, đến nền tư pháp mạnh vì công lý. Và để thực hiện các Dự án Luật, cần phải tổng kết, đánh giá toàn diện thực tiễn thi hành Luật 10 năm qua. Trên cơ sở đó, đề xuất nội dung, phương hướng sửa đổi, các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định của Luật cũng như trong thực tiễn thi hành. Bài phát biểu của đồng chí Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình còn thể hiện, đây là lần đầu tiên, VKSNDTC tổ chức Hội nghị có sự tham gia của Viện trưởng 3 cấp kiểm sát. Theo tinh thần “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, đây là dịp để có thể tập hợp được đầy đủ ý kiến của cả VKS cấp huyện, nơi giải quyết 91% tổng số án hình sự mỗi năm và của cả VKSNDTC, nơi giải quyết các loại án có tính chất, quy mô đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cũng nhấn mạnh, tổng kết thi hành hai bộ luật là công việc hết sức quan trọng, gắn chặt với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Ngành, do đó các đại biểu cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, bằng tất cả kiến thức, kinh nghiệm của mình để tham gia thảo luận, đề xuất, kiến nghị những nội dung trăn trở, tâm niệm qua thực tiễn để làm sao Hội nghị có thể thu nạp nhiều nhất ý kiến của các đại biểu từ mọi miền, mọi cấp với những nội dung vừa toàn diện, vừa trọng tâm, trọng điểm.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã có bài phát biểu nhấn mạnh: Việc tổ chức “Hội nghị toàn quốc tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Bộ luật TTHS năm 2003” là một sáng kiến có ý nghĩa, thể hiện sự nhạy bén và trách nhiệm cao của ngành Kiểm sát, tạo điều kiện để các đại biểu có điều kiện thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của VKSND và thủ tục tố tụng hình sự. Đồng chí Uông Chu Lưu cũng nêu lên một số vấn đề đề nghị các đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội nghị như: việc tiến hành tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các đạo luật cần phải bám sát và nhận thức đầy đủ, đúng đắn các quan điểm, tư tưởng đã nêu trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nhất là những chủ trương về cải cách tư pháp; cần trên cơ sở thực tiễn tổ chức, hoạt động của ngành Kiểm sát để đánh giá, phân tích các quy định của Luật, làm rõ các vấn đề thuận lợi, khó khăn, đề xuất các giải pháp khắc phục, hoàn thiện; chú ý đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống VKS 4 cấp, vấn đề về Cơ quan điều tra VKSNDTC; đối với việc xây dựng Bộ luật (sửa đổi) cần tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung cần quy định để bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp.
Sau ý kiến phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị. Chủ tịch nước khẳng định, Luật tổ chức VKSND và Bộ luật TTHS là hai đạo luật có vị trí rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và VKSND nói riêng; đến việc bắt, giam, tha, phán xét một con người mà ngành KSND được Quốc hội giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng. Vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với quá trình xây dựng các đạo luật này là phải tổng kết đầy đủ, sâu sắc, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn, làm rõ những ưu điểm, hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất kế thừa những quy định đang phát huy tác dụng tích cực, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời xác định những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và các điều kiện cụ thể ở nước ta về mọi mặt. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nhấn mạnh 5 nội dung để quán triệt thực hiện nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng các đạo luật như: việc tổng kết thực tiễn thi hành 02 đạo luật phải được tiến hành công phu, nghiêm túc, có chất lượng; việc nghiên cứu, sửa đổi phải quán triệt đầy đủ, đúng đắn quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; tổ chức và hoạt động của VKSND theo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) phải đáp ứng mục tiêu chung của việc đổi mới các cơ quan tư pháp; sửa đổi Bộ luật TTHS phải tạo lập hệ thống các thủ tục dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn; cần xây dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tinh thông về pháp luật, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ.
Nội dung Hai Dự án Luật quan trọng được trình bày tại Hội nghị
Sáng ngày 6/12, các đại biểu đã được nghe đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật TTHS, đề xuất sửa đổi, bổ sung. Báo cáo đã đánh giá tình hình thi hành Bộ luật TTHS năm 2003: bối cảnh ra đời và tình hình triển khai thi hành Bộ luật TTHS, những ưu điểm và hạn chế; nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 đồng thời nêu lên những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tiếp đó, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND, đề xuất sửa đổi và gợi ý thảo luận. Báo cáo tóm tắt tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND cũng đã nêu lên những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (được sửa đổi năm 2011) và Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, đồng thời kiến nghị những nội dung cơ bản của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC cũng đã nêu lên những nội dung trọng tâm để các đại biểu tập trung thảo luận đối với Bộ luật TTHS (sửa đổi) gồm 15 vấn đề gồm các nguyên tắc cơ bản của TTHS; về Cơ quan điều tra; về VKS; về Tòa án; về Thi hành án; về vấn đề phân định thẩm quyền của Thủ trưởng các cơ quan THTT và việc tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, KSV, Thẩm phán; về các chế định bổ trợ tư pháp; về biện pháp ngăn chặn; về thời hạn tố tụng; về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTHS; về hợp tác quốc tế trong TTHS; về quan hệ giữa VKS các cấp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; về một số vấn đề mới; về khung kết cấu của Bộ luật TTHS; những vấn đề khác của Bộ luật TTHS có vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.
Đối với Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã nêu 10 vấn đề gợi ý thảo luận gồm: việc tổng kết, nhận xét, đánh giá về thực tiễn thi hành Luật và các Pháp lệnh; công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát; mối quan hệ giữa nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành với yêu cầu bảo đảm và tăng cường sự độc lập của Kiểm sát viên trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ...; quy định cơ cấu tổ chức của VKSND khu vực; những vấn đề về chế độ chính sách, công tác cán bộ của VKSND...
Thảo luận tại tổ: Dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm
Sau phiên khai mạc, Hội nghị đã chia thành 10 tổ để thảo luận dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo VKSNDTC và Ủy viên Ủy ban kiểm sát VKSNDTC. Các đại biểu tại các tổ đã thảo luận để đánh giá thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức VKS quân sự năm 2002 và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật; đánh giá thực tiễn thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật. Kết quả, sau một ngày tiến hành thảo luận, sáng ngày 7/12, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC đã tổng hợp kết quả thảo luận tại 10 tổ về tổng kết thực tiễn thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003. Qua thảo luận, đã có trên 100 ý kiến phát biể. Về cơ bản, các ý kiến tán thành với nội dung của Dự thảo báo cáo và đánh giá dự thảo được chuẩn bị khá công phu, chất lượng đồng thời cũng góp thêm nhiều ý kiến về từng nội dung cụ thể. Về tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật TTHS, đa số các ý kiến tán thành với nội dung tổng kết của Báo cáo. Về vấn đề xác định mô hình TTHS nước ta trong thời gian tới, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục khẳng định mô hình TTHS nền tảng là thẩm vấn như hiện nay đồng thời đề xuất tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình TTHS tranh tụng; về sửa đổi hệ thống các nguyên tắc cơ bản của TTHS, đa số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc miễn tố; một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, quy định rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội. Ngoài ra, các ý kiến còn đề cập đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, về vấn đề mở rộng diện những người THTT, về vấn đề phân định thẩm quyền của Thủ trưởng các cơ quan THTT và việc tăng quyền cho Điều tra viên, KSV, Thẩm phán; về hoàn thiện chế định những người tham gia tố tụng và một số thiết chế bổ trợ tư pháp; về hoàn thiện thời hạn tố tụng, biện pháp ngăn chặn; về chế định thi hành án và một số thủ tục đặc biệt.
Đối với Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại 10 tổ về tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND và đề xuất sửa đổi, bổ sung do đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC trình bày cho thấy, có trên 80 ý kiến phát biểu và các ý kiến đều bám sát vào nội dung của dự thảo Báo cáo tổng kết và những vấn đề gợi ý thảo luận. Đa số ý kiến nhất trí với kết cấu, bố cục và nội dung của dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá dự thảo Báo cáo tổng kết đã nêu được những kết quả nổi bật, những hạn chế, bất cập qua thực tiễn thi hành Luật và 02 Pháp lệnh, đồng thời cho rằng các ý kiến đều đánh giá, việc thi hành Luật và 02 Pháp lệnh đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VKSND trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; đóng góp vào việc bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, nội dung phát biểu tập trung vào các vấn đề như cần tiếp tục quy định Viện kiểm sát có 02 chức năng: thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đa số ý kiến đề nghị, cần quy định rõ hơn phạm vi, đối tượng, nội dung, phương thức thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, đặc biệt trong lĩnh vực hình sự để thể chế hóa chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra” và “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”. Nhiều ý kiến đồng tình với hướng đề xuất bổ sung quy định “Viện kiểm sát nhân dân thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”; Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn một số nhiệm vụ, quyền hạn khác của Viện kiểm sát… Về cách thức thể hiện các chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), đa số ý kiến cho rằng, Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) cần quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung của mỗi chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ này trong các luật về tố tụng tư pháp (Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính…); mặt khác, các quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong Luật tổ chức VKSND cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của các luật tố tụng, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất hiện nay. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND, đa số ý kiến cho rằng, cần tiếp tục ghi nhận nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành. Ngoài ra, các ý kiến còn tập trung vào một số nội dung khác như: Về tổ chức bộ máy của VKSND; về UBKS; về cơ cấu, bộ máy của VKS các cấp; Về Cơ quan điều tra và thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát; Về các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát và cơ cấu Kiểm sát viên ở mỗi cấp VKS; Về chế độ bảo đảm hoạt động của VKS; Về khung kết cấu, bố cục của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
Viện trưởng VKSNDTC kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, với khối lượng công việc lớn và những nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội nghị nhưng qua hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, có thể khẳng định Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC khẳng định lại một lần nữa niềm vinh dự của toàn Ngành khi được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, cách tổ chức Hội nghị lần này có nhiều điểm mới, khoa học, được nhiều đại biểu tham dự đánh giá cao nên Hội nghị đã diễn ra một cách có chất lượng, hiệu quả, hoàn thành những nội dung chính theo yêu cầu đề ra. Các ý kiến của các đại biểu cơ bản đều thống nhất với các dự thảo báo cáo về 02 Dự án Luật đưa ra tại Hội nghị đồng thời cho rằng việc xây dựng Luật tổ chức VKSND và Bộ luật TTHS (sửa đổi) là những công việc vô cùng quan trọng và mang ý nghĩa to lớn, qua đó giúp cho ngành Kiểm sát và các cơ quan tố tụng thực thi, hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Các ý kiến thảo luận của các đại biểu đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm, theo gợi ý định hướng thảo luận và thể hiện trách nhiệm cao. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, đối với toàn ngành Kiểm sát, việc được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo 02 Dự án Luật là một trọng trách và vinh dự lớn. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung 02 Dự án Luật không chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng ngành Kiểm sát mà cần đặt lợi ích của đất nước, của quốc gia lên trên hết. Theo đồng chí Viện trưởng thì sự thành công của Hội nghị mới chỉ là giai đoạn bắt đầu của cả một quá trình xây dựng, hoàn thiện 02 Dự án Luật, chính vì vậy, Ban Soạn thảo rất mong các đại biểu sẽ vẫn tiếp tục tham gia, đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để việc xây dựng, hoàn thiện 02 Dự án Luật thực sự hiệu quả, đạt chất lượng để trình Quốc hội đúng tiến độ và đảm bảo các yêu cầu đề ra vì sự phát triển nói chung của đất nước và của ngành Kiểm sát.
Văn Tình