(BVPL) - Từ khi thành lập cho đến nay, mỗi bước tiến của ngành Kiểm sát đều ghi dấu ấn đậm nét của công tác hậu cần, một khâu công tác rất quan trọng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành Kiểm sát nhân.
 
Sau khi ngành Kiểm sát nhân dân được thành lập không lâu thì miền Bắc phải tập trung sức lực cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ và đấu tranh thống nhất nước nhà. Công tác hậu cần của ngành Kiểm sát nhân dân lúc này gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi VKS cấp tỉnh chỉ có một chiếc xe ô tô, thậm chí có nơi không được bố trí. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, hai miền Nam - Bắc được sum họp một nhà cả nước lại phải đương đầu với cuộc chiến bao vây cấm vận và chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Thời gian này, cả nước ta vẫn thực hiện cơ chế tập trung bao cấp nên kinh phí cho hoạt động kiểm sát cũng chủ yếu thực hiện theo cơ chế cấp phát. Đời sống của cán bộ, viên chức ngành Kiểm sát rất khó khăn, trụ sở làm việc chật chội, phương tiện làm việc cũng rất nghèo nàn lạc hậu.
 
Vụ Kế hoạch - Tài chính đón nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua
Vụ Kế hoạch - Tài chính đón nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua
 
Trong những năm đổi mới cho đến những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, chế độ tiền lương cho chức danh Kiểm sát viên (KSV) được Đảng và nhà nước quan tâm xác định có bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và phụ cấp chức vụ. Tuy nhiên, đời sống của anh em cán bộ Kiểm sát vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
 
Kinh phí xây dựng trụ sở làm việc thời gian này được ngân sách phân bổ rất eo hẹp, phương tiện, thiết bị làm việc của ngành Kiểm sát cũng được trích từ kinh phí quản lý hành chính trong nguồn ngân sách chi thường xuyên. Do vậy, nhìn chung, cơ sở vật chất và trang thiết bị của ngành Kiểm sát giai đoạn này vẫn thiếu thốn, lạc hâu, không đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm sát.
 
Dưới “ánh sáng” các Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp cùng với các chủ trương, chính sách khác của Đảng và nhà nước, công tác hậu cần của các cơ quan tư pháp nói chung và của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng có bước đột phá về đổi mới tư duy trong việc tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân.
 
Tuy nhiên, những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về  ưu tiên nguồn lực cho ngành Kiểm sát là những định hướng cơ bản. Việc triển khai vận dụng các quan điểm trên đây vào thực tiễn hoạt động Kiểm sát như thế nào thì đòi hỏi phải được nghiên cứu vận dụng một cách chủ động, đúng chính sách pháp luật. Vì vậy, việc vận dụng các quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước vào công tác tài chính của ngành Kiểm sát chính là phải nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát có những đặc điểm gì khác với các cơ quan hành chính nhà nước.
 
Quá trình nghiên cứu cho thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành, ngành Kiểm sát được Đảng, nhà nước và nhân dân giao nhiều trọng trách quan trọng mà các cơ quan hành chính khác không có. Ví dụ: Bộ luật TTHS quy định, khi khám nghiệm hiện trường thì KSV phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường; KSV phải có mặt tại phiên tòa để xét xử vụ án; khi cần thiết thì Viện kiểm sát (VKS) hỏi cung bị can, nhân chứng, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định; Cơ quan điều tra VKSNDTC tiến hành điều tra các tội về xâm phạm tư pháp…Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đây, đòi hỏi các KSV phải thường xuyên thay nhau trực trong những ngày thứ 7, Chủ nhật và các ngày lễ, sẵn sàng có mặt khi Cơ quan điều tra thông báo vụ án cần khám nghiệm hiện trường, KSV phải có mặt khi Tòa án mở phiên tòa và các KSV cần được trang bị các phương tiện làm việc như: ô tô, xe máy, máy ảnh, máy quay camera, máy tính…Đây chính là kinh phí đặc thù cho ngành Kiểm sát.
 
Khi xây dựng trụ sở làm việc của các VKS cũng phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Cho nên đòi hỏi trụ sở các VKS cần thiết kế các phòng chức năng như: phòng hỏi cung bị can, phòng tiếp công dân, phòng trực nghiệp vụ, kho vật chứng, kho lưu trữ hồ sơ vụ án, phòng tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, phòng họp Uỷ ban kiểm sát và họp liên ngành các cơ quan tư pháp để bàn về giải quyết án… Do vậy, việc thiết kế trụ sở các cơ quan VKS cũng khác rất nhiều so với trụ sở các cơ quan hành chính khác. Đây cũng chính là diện tích đặc thù của trụ sở cơ quan VKS các cấp.
 
Trên tinh thần đó, từ năm 2000 đến nay, công tác hậu cần ngành Kiểm sát đã bám vào các yêu cầu chính trị, yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các ngành có liên quan, nghiên cứu, xây dựng các đề án phát triển năng lực cho ngành Kiểm sát nhân dân. Lãnh đạo VKSNDTC đã nghe, cho ý kiến chỉ đạo và trình Chính phủ phê duyệt đề án như:
 
1. Dự án chi bồi dưỡng nghiệp vụ ngày 20/10/2002 và sau đó được nâng định mức chi bồi dưỡng nghiệp vụ, ban hành ngày 27/09/2007 (trực ca ngày là 20.000 đồng, ca đêm là 30.000 đồng).
 
2. Đề án đầu tư trang bị phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát nhân dân các cấp giai đoạn I, từ năm 2002 đến năm 2005 được Thủ tướng phê duyệt ngày 20/02/2002 với tổng kinh phí là 83.230 triệu đồng. Đề án này bao gồm 121 xe ô tô, xe máy 160 chiếc, máy photocopy 441 chiếc, máy tính để bàn 469 bộ (Trong đề án ban đầu VKSNDTC đề nghị cấp kinh phí cho giai đoạn 10 năm, nhưng Chính phủ chó ý kiến chỉ giới hạn trong 5 năm. Sau thời gian 5 năm, tiếp tục nghiên cứu đề xuất).
 
3. Đề án đầu tư phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn từ 2006 đến 2010 được Thủ tướng phê duyệt ngày 17/04/2006 với tổng kinh phí là 241.000 triệu đồng để mua: 90 xe ô tô; máy photocopy 919 chiếc, máy tính để bàn 3.656 chiếc; giá lưu trữ hồ sơ 8.490 chiếc; máy camera, máy ghi âm, máy ảnh, âm ly, ti vi được cấp cho VKS cấp tỉnh và cấp huyện, mỗi đơn vị khoảng từ 2 đến 5 chiếc.
 
4. Đề án đầu tư trang thiết bị phương tiện làm việc cho VKSND giai đoạn năm 2011 đến năm 2015 được Thủ tướng phê duyệt ngày 25/10/2011 với tổng mức kinh phí là 696.530 triệu đồng để mua: 357 xe ô tô. Trong đó mua cho VKS cấp huyện 278 chiếc, cho Cục điều tra VKSTC 8 chiếc và mua thay thế 71 chiếc. Mua 562 xe máy (nơi chưa có ô tô); máy photocopy 873 chiếc, máy tính để bàn 10.550 chiếc và máy tính xách tay 970 chiếc; máy chiếu 766 chiếc; tủ đựng hồ sơ 906 chiếc; máy camera 387 chiếc; máy ảnh 857 chiếc; máy ghi âm 599 chiếc…
 
5. Đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho VKSND giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 683/QĐ-TTg ngày 19/05/2015 với tổng mức là 673.433 triệu đồng. Số tiền này để mua xe ô tô cho các đơn vị VKS cấp huyện 427 chiếc. Còn lại được mua trang bị cho các đơn vị VKS cấp tỉnh, Cục điều tra, các cơ sở đào tạo, các VKS cấp cao và Văn phòng VKSNDTC. Trong điều kiện hạn chế chi cho đầu tư công hiện nay, việc Thủ tướng phê duyệt đề án mua ô tô cho ngành Kiểm sát nhân dân như trên là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước đối với công tác hậu cần của ngành Kiểm sát nhân dân.
 
Ngoài ra, nhà nước đã ban hành các chế độ bồi dưỡng đặc thù cho ngành Kiểm sát như: Chế độ bồi dưỡng phiên tòa theo Quyết định số 241/2006/QĐ-TTg ngày 25/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ; chế độ bồi dưỡng tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự theo Quyết định số 73/2007/QĐ-TTg; chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; chế độ bồi dưỡng tham gia thi hành án tử hình; chế độ bồi dưỡng làm công tác tiếp công dân…
 
Về chế độ tiền lương cũng được các cấp quan tâm xem xét. Đầu năm 2001, nhà nước đã ban hành chế độ bồi dưỡng cho KSV là 120.000đồng. Năm 2004, nhà nước ban hành bảng lương chuyên môn nghiệp vụ cho ngành Kiểm sát. Năm 2005, nhà nước ban hành chế độ phụ cấp nghề cho KSV thay cho chế độ bồi dưỡng. Đặc biệt, đến ngày 01/09/2009, các chức danh tư pháp ngành Kiểm sát được hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng và nhà nước đối với ngành Kiểm sát nhân dân.
 
Từ năm 2006, nhà nước đã áp dụng định mức phân bổ ngân sách ổn định trong 3 năm (2007 đến 2010) cho ngành Kiểm sát tăng 20% so với các đơn vị ngành dọc. Từ năm 2011, theo đề xuất của ngành Kiểm sát đổi mới phân bổ ngân sách trong việc tách tiền lương và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp ra khỏi định mức chi thường xuyên. Chính phủ đã nhất trí, định mức chi thường xuyên áp dụng đối với ngành Kiểm sát là 30 triệu đồng/biên chế/năm. Đây là định mức chi cao nhất từ trước đến nay.
 
Về xây dựng trụ sở ngành Kiểm sát nhân dân cũng được Đảng và nhà nước rất quan tâm. Theo đề xuất của ngành Kiểm sát, Thủ tướng đã có Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 27/08/2002 về đầu tư xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005 với 225 trụ sở. Riêng năm 2002, Chính phủ đã bố trí cho ngành Kiểm sát là 78 tỷ đồng. Các năm sau, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch- Đầu tư bố trí ngân sách bảo đảm đúng tiến độ xây dựng hoàn thành 225 trụ sở.
 
Đặc biệt, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 7869/TS/QLCS ngày 30/07/2003 chấp thuận về diện tích đặc thù đối với trụ sở của ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, so với quy chuẩn diện tích của các cơ quan hành chính, diện tích trụ sở các VKS được tăng 30% (diện tích đặc thù).
 
Ngày 17/04/2006, Thủ tướng có Quyết định số 620/QĐ-TTg phê duyệt đề  án  chống xuống cấp trụ sở làm việc của ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, hàng năm, VKSNDTC lập dự toán kinh phí chống xuống cấp để tập trung đầu tư sửa chữa, chống xuống cấp và được bố trí bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, đề án này đã góp phần quan trọng trong việc chống xuống cấp các trụ sở làm việc, đưa lại hiệu quả thiết thực.
 
Tính đến nay, có 274 đơn vị có trụ sở VKS cấp huyện đã được ổn định, chiếm 40%. Đối với trụ sở làm việc của VKS cấp tỉnh, có 48 trụ sở đã ổn định, chiếm 76.2%. Đối với trụ sở của VKSNDTC, trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới VKSNDTC tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) với tổng mức đầu tư gần 1900 tỷ đồng. Trụ sở Văn phòng VKSNDTC tại thành phố Hồ Chí Minh đã ổn định.
 
Vừa qua, theo đề xuất của Viện trưởng VKSNDTC, các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt Đề án đổi mới trang phục, chứng minh ngành Kiểm sát. Đây là bước đổi mới căn bản nhằm từng bước xây dựng hình ảnh của KSV, ĐTV và cán bộ ngành Kiểm sát đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Tóm lại, từ khi có chủ trương của Đảng và nhà nước về tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Kiểm sát nhân dân, theo đề xuất của VKSNDTC, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có nhiều cơ chế đặc thù, ưu tiên tăng cường kinh phí cho ngành Kiểm sát nhân dân. Từ năm 2000 đến nay, bình quân kinh phí hàng năm cấp cho ngành Kiểm sát tăng 15% so với năm trước. Đây là mức chi tương đối khá so với các cơ quan hành chính khác. Do đó, về cơ bản tiền lương, chi thường xuyên, chi bồi dưỡng đặc thù, trụ sở và phương tiện làm việc ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác Kiểm sát.
 
Tuy nhiên hiện nay, do tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, nên kinh phí  đầu tư xây dựng trụ sở cho ngành Kiểm sát vẫn còn hạn hẹp. Nhiều VKS, trụ sở đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng. Theo số liệu thống kê, hiện có tới 60% trụ sở VKS cấp huyện và gần 30% trụ sở VKS tỉnh cần đầu tư mới. Riêng các trụ sở của các cơ sở đào tạo của Ngành và trụ sở của ba cơ quan VKS cấp cao cần được đầu tư mới.
 
Từ đó có thể rút ra những bài học đối với công tác hậu cần của ngành Kiểm sát nhân dân:
 
Bài học thứ nhất là: Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố cơ bản, quyết định trong việc tăng cường năng lực cho ngành Kiểm sát nhân dân. Do vậy, trong bất cứ điều kiện nào, nếu có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng thì sẽ đưa đến sự thành công.
 
Bài học thứ hai là: Để cho các quan điểm, chính sách của Đảng và nhà nước được triển khai trong ngành Kiểm sát, những người làm công tác hậu cần không chỉ nắm vững các quan điểm chính sách của Đảng mà phải am hiểu sâu sắc những quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ mới do quy định của pháp luật làm phát sinh những nhu cầu thực tế về công tác hậu cần, biết vượt lên khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển của Ngành. Trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng các đề án nhằm tăng cường năng lực cho ngành Kiểm sát nhân dân. Ví dụ: Pháp luật hiện hành quy định VKS thực hành quyền công tố từ khi giải quyết tin báo tội phạm, Cơ quan điều tra VKS có thẩm quyền điều tra những tội phạm về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, thành lập các VKS cấp cao, Cục Kế hoạch -Tài chính…Vậy yêu cầu đặt ra ở đây là công tác hậu cần đảm bảo trong các trường hợp trên về phương tiện làm việc, trụ sở làm việc như thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
Bài học thứ ba là: Phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội… Quá trình nghiên cứu xây dựng các đề án về tăng cường năng lực cho ngành Kiểm sát phải có ý kiến tham gia của các cơ quan trên đây tạo sự đồng thuận cao.
 
Trải qua 55 năm phấn đấu trưởng thành, công tác hậu cần của ngành Kiểm sát đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của ngành Kiểm sát nhân dân. Mỗi bước tiến, mỗi chặng đường phát triển của ngành Kiểm sát đều in đậm dấu ấn không phai mờ của những thế hệ cán bộ làm công tác hậu cần. Chúng ta tự hào và hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác hậu cần ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới, phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà lãnh đạo Ngành đã tin tưởng giao phó.
 
TS. Dương Thanh Biểu
(Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC)