Ngay sau “Hội nghị tập huấn công tác văn phòng ngành KSND” vừa qua, tại TP. Hội An (Quảng Nam), VKSNDTC đã tổ chức “Hội nghị công tác thông tin tuyên truyền, báo chí của ngành KSND” do Tiến sĩ Trần Công Phàn, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, VKSQSTW, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VKSQS cấp quân khu.

 

Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị.
Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị.


Sau khi trình bày nội dung toàn văn Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành KSND, đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Chánh Văn phòng VKSNDTC công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND. Theo đó, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC làm Trưởng ban. Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát - Nguyễn Huy Miện làm Phó trưởng Ban thường trực. Các Phó Trưởng ban gồm đồng chí Nguyễn Việt Hùng - Chánh Văn phòng VKSNDTC và đồng chí Phạm Xuân Chiến - Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau khi Ban Cán sự Đảng VKSNDTC ban hành Kế hoạch số 04-KH/BCSĐ ngày 30/8/2012 về “Tăng cường việc thông tin, tuyên truyền để các đơn vị, cán bộ, đảng viên trong và ngoài ngành Kiểm sát hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về VKSND; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND”, các cơ quan báo chí của Ngành đã phối hợp với VKSND các địa phương và VKSQS các cấp, đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh, tư liệu trong nhiều lĩnh vực trên các ấn phẩm của Ngành. Đặc biệt, nội dung Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành KSND, các cơ quan báo chí của Ngành đã mở chuyên mục, có nhiều bài viết nghiên cứu về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế định VKSND trong Hiến pháp 1992. Nêu bật các kết quả, những bài học kinh nghiệm, đồng thời đăng tải ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, của cán bộ ngành KSND trong việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành KSND. Các cơ quan báo chí của Ngành đã mở nhiều chuyên mục, nhiều nội dung khác liên quan đến việc tổng kết thi hành và nghiên cứu xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 (sửa đổi), sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức VKSND, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002. Nhiều đề tài đề cập đến tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn áp dụng pháp luật. Tuyên truyền về nhận thức, thực tiễn áp dụng các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ngành như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hành chính, Luật Thi hành án, các văn bản pháp luật quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, Kiểm sát viên, các quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ của VKSNDTC ban hành. Tuyên truyền về các phong trào thi đua, hướng về cơ sở, phản ánh gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến. Chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...

Nhận thức được vai trò to lớn của công tác thông tin, tuyên truyền, đến nay đã có 40 đơn vị VKSND cấp tỉnh thành lập Tổ tuyên truyền với hàng trăm Cộng tác viên tham gia. 12 trang thông tin điện tử của các VKS cấp tỉnh đã đi vào hoạt động, 8 đơn vị đang xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Trương Minh Nhật, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: Công tác thông tin, tuyên truyền của ngành KSND có nội dung rất phong phú, phản ánh nhiều kinh nghiệm hay và sinh động. Để công tác thông tin, tuyên truyền của ngành KSND hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả hơn nữa, ngành Kiểm sát phải xem công tác thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ chung, từ Lãnh đạo đến cán bộ, Kiểm sát viên của các đơn vị đều phải góp sức nhằm làm cho cả hệ thống chính trị và nhân dân cộng tác với Ngành trong hoạt động thông tin, tuyên truyền.

Phát biểu với Hội nghị, Tiến sĩ, nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao chất lượng nội dung các ấn phẩm của ngành Kiểm sát... Ngoài phần nội dung, hình thức trình bày cũng được các trang tin điện tử của VKSND các tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều chuyên mục, nhiều tiện ích được thể hiện rất sinh động, phù hợp với xu thế của báo điện tử hiện nay.

Kết luận Hội nghị, Tiến sĩ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSNDTC khẳng định, Lãnh đạo và Ban cán sự Đảng VKSNDTC đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền, coi công tác thông tin, tuyên truyền là một nhiệm vụ thường xuyên bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ. Phải nhận thức được công tác thông tin, tuyên truyền không chỉ có ở các cơ quan báo chí của Ngành mà phải ở tất cả cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát.

Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, Viện trưởng VKSND các địa phương coi công tác thông tin tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Những đơn vị chưa xây dựng Trang thông tin điện tử, chưa thành lập Tổ tuyên truyền, trong thời gian tới cần phải nghiên cứu để thành lập.

Phó Viện trưởng Trần Công Phàn mong rằng, trong thời gian tới, ngành KSND tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan quản lý báo chí không chỉ đối với kỹ năng nghiệp vụ mà cả định hướng về công tác tuyên truyền. Đồng thời tin tưởng các cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát tích cực tham gia vào hoạt động thông tin, tuyên truyền để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Đức Bình

.