(BVPL) - Ngày 25/8/2014, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐCCTPTW) do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng BCĐCCTPTW làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng VKSNDTC về việc kiểm tra, khảo sát việc triển khai thực hiện Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 và những kết quả hoạt động tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2014.
|
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng BCĐCCTPTW phát biểu tại buổi làm việc. |
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐCCTPTW; Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an. Về phía VKSNDTC tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Văn Khánh. Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam…
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã trình bày báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020 và tình hình, kết quả hoạt động tư pháp 06 tháng đầu năm 2014 của VKSND. Theo đó, thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35-KH/CCTP của BCĐCCTPTW, Ban cán sự đảng VKSNDTC đã ban hành Kế hoạch số 08 ngày 9/5/2014 “Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020 trong ngành KSND”; chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời nội dung Kết luận số 92-KL/TW và kết quả tổng kết 8 năm thực hiện chiến lược CCTP; phương hướng, nhiệm vụ CCTP trong thời gian tới bằng các hình thức thích hợp. Nhìn chung, việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW trong ngành KSND đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, toàn diện, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp kiểm sát, cán bộ, Kiểm sát viên toàn Ngành về công tác tư pháp và CCTP. Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình, kế hoạch của BCĐCCTPTW, trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban cán sự đảng VKSNDTC đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ CCTP, kết quả được thể hiện trên các mặt như: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; công tác nghiên cứu, xây dựng các đề án, báo cáo về CCTP; công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của VKSND; công tác bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất cho VKSND; công tác hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền về tư pháp.
Về những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2014 được Ban cán sự đảng VKSNDTC xác định, đó là: Tăng cường hơn nữa và có các hình thức phù hợp để quán triệt sâu rộng đến đảng viên, cán bộ, công chức toàn Ngành về CCTP và Hiến pháp năm 2013, nghiên cứu sâu sắc các bài học kinh nghiệm rút ra qua 8 năm thực hiện Chiến lược CCTP, từ đó tạo nhận thức thống nhất để thực hiện tốt yêu cầu CCTP trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của BCĐCCTPTW; thực hiện tốt các đề án, báo cáo mà ngành Kiểm sát được giao nhiệm vụ nghiên cứu. Hoàn thiện Dự án Luật tổ chức VKSND sửa đổi, báo cáo trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2014; chuẩn bị xây dựng và triển khai Kế hoạch thi hành Luật tổ chức VKSND khi Luật được thông qua; tập trung xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng chương trình, kế hoạch. Hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63 của Quốc hội; thực hiện hiệu quả chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”, giảm và hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan xử lý nghiêm các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị...
Cũng tại buổi làm việc, Ban cán sự đảng VKSNDTC đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất, kiến nghị đối với Chủ tịch nước và BCĐCCTPTW; các thành viên đoàn công tác cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến để làm rõ những nội dung trong báo cáo, qua đó giúp ngành KSND thực hiện tốt các nhiệm vụ về tư pháp và CCTP thời gian tới. Thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo VKSNDTC, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC đã phát biểu tiếp thu ý kiến của các thành viên BCĐCCTPTW tại buổi làm việc, đồng thời mong rằng thời gian tới, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và BCĐCCTPTW để Ngành có thể hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cơ bản nhất trí với báo cáo của VKSNDTC, đồng thời cho rằng việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW trong ngành KSND đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, toàn diện trong toàn Ngành. Về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP trong thời gian gần đây, Chủ tịch nước đã đề cập đến 4 ưu điểm mà ngành Kiểm sát đã đạt được như trong việc xây dựng các đề án theo chương trình của BCĐCCTPTW; trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; trong hoạt động hợp tác quốc tế; trong công tác xây dựng Ngành, đặc biệt là việc quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh những ưu điểm, Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế mà ngành Kiểm sát cần lưu ý để thực tốt hơn trong thời gian tới.
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Đồng tình với các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác mà ngành Kiểm sát nêu lên trong thời gian tới, Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành Kiểm sát cần tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật được phân công chủ trì soạn thảo, được phân công phối hợp soạn thảo, trong đó cần chú ý đến những vấn đề mới phát sinh; tiếp tục thực hiện tốt các đề án, báo cáo mà ngành Kiểm sát được giao nhiệm vụ nghiên cứu; thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là trong đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tư pháp và CCTP …
Bài và ảnh: Văn Tình