Mới đây tại Hà Nội, VKSNDTC đã tổ chức Hội thảo đề tài khoa học cấp bộ “Thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và giải pháp tổ chức thực hiện”. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Chủ nhiệm đề tài khoa học dự và chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC; Viện kiểm sát quân sự Trung ương cùng toàn thể cán bộ, Điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra VKSNDTC…
|
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Chủ nhiệm đề tài khoa học phát biểu tại hội thảo |
Báo cáo đề dẫn đề tài khoa học do đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC trình bày tại hội thảo nêu rõ, hội thảo được tổ chức nhằm nhận thức đầy đủ, thống nhất, toàn diện và chuyên sâu về thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC theo các luật mới về tư pháp, từ đó tổ chức triển khai thực hiện đúng đắn, đầy đủ thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC trong thực tiễn. Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC Nguyễn Tiến Sơn cho biết, trước khi các đạo luật mới được ban hành, đã có nhiều công trình, hội thảo khoa học nghiên cứu về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC và còn có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên đa số các ý kiến đều cho rằng cần thiết mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, với trọng tâm là hoạt động của Cơ quan điều tra phải hướng đến việc tăng cường trách nhiệm công tố, gắn với kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho hoạt động tư pháp ngày càng trong sạch, hiệu quả. Sau đó, thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC đã được khẳng định rõ trong Luật tổ chức VKSND năm 2014 (Điều 20), Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 163) và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (Điều 30). Theo đó, Cơ quan điều tra VKSNDTC có thẩm quyền “Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, VKSND, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”. Như vậy, thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC đã được mở rộng cả về tội danh và về đối tượng điều tra.
|
Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong chủ trì hội thảo |
Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận, tham luận làm rõ về các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 2015; về nâng cao chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Quân đội nhân dân; thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC đối với người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC theo Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015; thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015; kinh nghiệm tổ chức và hoạt động điều tra của Viện kiểm sát/Viện công tố một số nước trên thế giới và những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Chủ nhiệm đề tài khoa học nhấn mạnh, việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ về “Thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và những giải pháp tổ chức thực hiện” là dịp để nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC theo Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời đề ra các giải pháp triển khai thực hiện tốt thẩm quyền này trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt phải thực hiện ngay từ 01/01/2018 và định hướng trong nhiều năm tới, từ đó góp phần giúp cho hoạt động của Cơ quan điều tra VKSNDTC ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. Đối với các ý kiến tham luận, phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong đề nghị Ban tổ chức hội thảo ghi nhận toàn bộ các ý kiến này trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị để tổng hợp xây dựng và tiếp tục hoàn thiện đề tài khoa học cấp bộ về “Thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và những giải pháp tổ chức thực hiện”…
V.T