(BVPL) - Sau khi được thành lập, phải vừa lo xây dựng hệ thống tổ chức, vừa triển khai hoạt động phục vụ các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đề ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã coi trọng việc khai thác và vận dụng những kinh nghiệm của Viện công tố về đấu tranh chống tội phạm cũng như về xây dựng Ngành; tham khảo kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô cũ, từng bước xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân.

 

 

Năm 2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đăng cai tổ chức hai sự kiện hợp tác quốc tế rất quan trọng không những của ngành Kiểm sát nhân dân mà con có ý nghĩa trong quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đó là:


- Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào từ ngày 05 đến 08/5/2009 tại tỉnh Nghệ An với sự tham dự của 120 đại biểu của ngành Kiểm sát 2 nước Việt Nam và Lào cùng các đại biểu của các cơ quan tư pháp ở Trung ương và tỉnh Nghệ An. Việc tổ chức thành công Hội nghị này đã tiếp tục khẳng định việc thực hiện có hiệu quả các cam kết hợp tác hữu nghị đã được ghi nhận trong các Biên bản Thoả thuận hợp tác giữa Viện kiểm sát tối cao hai nước và tạo một diễn đàn nghiệp vụ để Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào có điều kiện, gặp gỡ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đánh giá khó khăn, thuận lợi trong công tác kiểm sát của mỗi tỉnh; tăng cường hợp tác hữu nghị và hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm khu ở vực vực biên giới hai nước. Tại Hội nghị, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và lào đã thống nhất định kỳ 2 năm một lần, Viện kiểm sát hai nước sẽ thay nhau luân phiên toor chức Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào. Đến nay đã tổ chức được 3 lần Hội nghị.


- Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 tại Hà Nội, từ ngày 23 đến 27/11/2009. Hội nghị có sự tham gia của 14 Đoàn đại biểu quốc tế đến từ Trung Quốc và các nước ASEAN với tổng số gần 100 đại biểu quốc tế. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu với hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của gần 150 đại biểu của ngành Kiểm sát nhân dân, khách mời và cơ quan báo chí trong nước. Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 tại Hà Nội với chủ đề “Tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”, Hội nghị đã bàn thảo và thống nhất những biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác trong việc thực hiện những yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa Cơ quan công tố các nước ASEAN và Trung Quốc để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực. Hội nghị tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng giữa các nước ASEAN và Trung Quốc có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần đảm bảo hoà bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực; khẳng định sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố, buôn bán người, buôn bán và vận chuyển ma tuý, buôn lậu qua biên giới, tham nhũng, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao và các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác. Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 đã ra Tuyên bố chung Hà Nội gồm 9 điểm mà cơ quan Kiểm sát, Công tố của các nước ASEAN và Trung Quốc đều quan tâm. Trong đó có việc xem xét hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự để tạo điều kiện cho việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia trong khu vực và tăng cường hơn nữa việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm giữa Lãnh đạo cấp cao của Cơ quan công tố các nước ASEAN và Trung Quốc theo cơ chế song phương hoặc đa phương; tiếp tục tăng cường hợp tác về đào tạo chuyên gia, Công tố viên giữa Cơ quan công tố các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua những chương trình hợp tác đào tạo song phương hoặc đa phương.


Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2015, có một sự kiện quan trong về hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân là: Ngày 16/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 522d/NQ-UBTVQH13 phê chuẩn việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trong đó có việc đổi tên Vụ Hợp tác quốc tế thành Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự.


Trong giai đoạn này các hoạt động về hợp tác quốc tế của Viện kiểm sát nhân dân như: Công tác lễ tân, đối ngoại; quan hệ song phương và quan hệ đa phương; tương trợ tư pháp về hình sự và thực hiện các dự án quốc tế đều được chú trọng và tăng cường.


Từ năm 2010 đến năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã liên hệ, tổ chức 81 Đoàn đi thăm, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài và đón 35 Đoàn vào của Viện kiểm sát, Viện Công tố và các cơ quan tư pháp của nước ngoài đến thăm và làm việc với Viện kiểm sát Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác giữa Viện kiểm sát Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước trên thế giới và trong khu vực.


Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức ký 11 Bản Thỏa thuận hợp tác với cơ quan Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước trên thế giới (với Viện Công tố bên cạnh Tòa án tối cao Vương quốc Căm-pu-chia, với Viện kiểm sát tối cao Hung-ga-ry, Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc, Viện Công tố tối cao Đan Mạch, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, Trường đại học Victoria của New Zealand, Viện kiểm sát tối cao Cu Ba, Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp, Tổng Viện kiểm sát Uzbekistan, Viện kiểm sát Liên bang Nga, Viện kiểm sát tối cao Cu Ba, Viện kiểm sát tối cao Mông Cổ và Viện kiểm sát tối cao Cu Ba).


Năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chính thức gia nhập Hiệp hội Công tố viên quốc tế và trở thành Thành viên chính thức của Hiệp hội. Trong năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động tham gia các hoạt động của Hiệp hội Công tố viên quốc tế như: Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông lần thứ 9 tại Sydney, Ôx-tơ-rây-lia và Hội nghị thường niên và Đại hội Đại biểu lần thứ 19 của Hiệp hội tại Dubai - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Từ năm 2009 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử các Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Viện kiểm sát và Viện Công tố thế giới tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần.


Sau khi Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực (01/7/2008), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai tập huấn Luật Trương trợ tư pháp cho các đơn vị trong toàn Ngành (năm 2009 và năm 2013), thành lập đơn vị chuyên trách làm công tác tương trợ tư pháp về hình sự trực thuộc Vụ Hợp tác quốc tế Viện kiểm sát nhân dân tối cao.


Năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quy chế phối hợp giữa Vụ Hợp tác quốc tế và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trong việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự; tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật tương trợ tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân. Năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành đàm phán và ký tắt 02 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với 2 nước (Cộng hòa In-đô-nê-xia và với Nam Phi). Năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành đàm phán thành công và ký tắt Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước Australia; hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng Hiệp định Mẫu về tương trợ tư pháp hình sự, báo cáo Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng Hiệp định. Năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành ký tắt Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Tây Ban Nha và Cộng hòa Pháp; đàm phán vòng 1 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Căm-pu-chia. Từ năm 2010 đến năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 303 hồ sơ và 651 công văn, yêu cầu tương trợ tư pháp từ nước ngoài chuyển đến; tiếp nhận, giải quyết 265 hồ sơ và 129 công văn của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp. Từ năm 2010 đến năm 2014, bằng nguồn kinh phí từ các dự án quốc tế, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức 157 cuộc hội thảo, hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho 16.500 lượt cán bộ, Kiểm sát viên của của các đơn vị trong toàn Ngành.


Trong năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chủ trương: Triển khai thực hiện tốt các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đã ký, đồng thời đổi mới và đẩy mạnh đàm phán, phấn đấu trong năm 2015 có thể ký kết được Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nhiều nước, nhất là các nước có đông Việt kiều và có quan hệ kinh tế quy mô lớn với Việt Nam. Đề xuất tổ chức ký các Hiệp định mới có sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò của cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự, trách nhiệm của thành viên Hiệp hội Công tố viên quốc tế; tăng cường hợp tác với các nước trong xây dựng pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tranh thủ các nguồn lực để xây dựng Ngành.
Có thể nói hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong 55 năm qua được tiến hành liên tục và có hiệu quả. Thành công đó trước hết là do chủ trưởng đúng đắn của các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan các thời kỳ, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của các Bộ, ngành ở Trung ương cùng với sự nỗ lực phấn đấu của những người làm công tác hợp tác quốc tế trong ngành Kiểm sát nhân dân và sự phối hợp có hiệu quả của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao./.


Lại Hợp Việt
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)