(BVPL) - Từ năm 2011 đến năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều biện pháp chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tăng cường trách nhiệm đối với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa; đổi mới công tác điều tra của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát; thực hiện hiệu quả quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Tập trung thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án về cải cách tư pháp; đảm bảo các điều kiện về trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác. Tiếp sau đồng chí Hà Mạnh Trí, đồng chí Trần Quốc Vượng được Quốc hội bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đến năm 2010) và đồng chí Nguyễn Hòa Bình được Quốc hội bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2011 đến nay.
 

 

Các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao; triển khai nghiêm túc, hiệu quả cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh; kỷ cương và trách nhiệm", gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Toàn Ngành triển khai, tổ chức thi tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên tiêu biểu để biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong toàn Ngành lần thứ 2. Đã tuyển chọn được 563 Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi và 111 Kiểm sát viên tiêu biểu. 
 
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo toàn Ngành triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề quan trọng liên quan đến ngành Kiểm sát nhân dân (Các Nghị quyết số 522b, 522c, 522d, 522e ngày 16/8/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, trong đó có việc ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2011-2016. Viện kiểm sát các cấp cơ bản đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020; quan tâm thực hiện luân chuyển để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo gắn với thực hiện chiến lược cán bộ của toàn Ngành. Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai, thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ; thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm quy chế nghiệp vụ, quy chế về thông tin, báo cáo, quản lý công tác và các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; gắn công tác bồi dưỡng tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai chủ trương để các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ hướng mạnh về cơ sở. 
 
Toàn Ngành chú trọng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ về lý luận chính trị, an ninh, quốc phòng, kiến thức quản lý nhà nước, về quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ; đã sớm xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015 và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân”; nghiên cứu, đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn quyết định đổi tên, thành lập mới một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tổ chức bộ máy theo lĩnh vực chuyên sâu nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành (Thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng; đổi tên Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành Cục Điều tra, thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội) và tổ chức lớp “Bồi dưỡng kiến thức quản lý, chỉ đạo điều hành” cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đạt kết quả tốt. 
 
Trong năm 2014, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; trong đó đã xác định: “Tăng cường các biện pháp chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm”; đồng thời, ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt kết quả tốt hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm. Trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra được đề cao, hiệu quả được nâng lên rõ rệt; hoạt động công tố gắn chặt hơn với hoạt động điều tra, trách nhiệm công tố được tăng cường và thể hiện rõ hơn. Chất lượng công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ được nâng lên, tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự sau phải trả tự do, xử lý hành chính chỉ chiếm 1,82%. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đã sâu sát hơn trong thực hiện công vụ; số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra được nâng cao, nhiều trường hợp, Kiểm sát viên đã trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra,… do đó tỉ lệ hồ sơ Viện kiểm sát truy tố phải trả để điều tra bổ sung chỉ chiếm 2,4%.  
 
Toàn ngành Kiểm sát đã triển khai, thực hiện chủ trương “nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”. Kết quả cho thấy trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự có chuyển biến tích cực; Kiểm sát viên đã chủ động hơn trong việc tranh luận và đối đáp với luật sư, người bào chữa; quan điểm giải quyết các vụ án bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa; việc đề nghị áp dụng hình phạt nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, nhất là đối với các bị cáo về tội tham nhũng, kinh tế chức vụ đảm bảo thận trọng, chính xác, có căn cứ pháp luật được Hội đồng xét xử chấp nhận.
 
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được nâng lên. Chú trọng phát hiện, điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, chức vụ và các vụ án liên quan đến những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm và kiên quyết xử lý trách nhiệm của những cán bộ tư pháp đã để xây ra oan, sai; được dư luận đồng tình, ủng hộ. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp sâu sát và hiệu quả hơn; việc phát hiện, quản lý vi phạm được tăng cường và ngày càng chặt chẽ; số lượng, chất lượng các bản kháng nghị, kiến nghị tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ kháng nghị các loại án được Tòa án chấp nhận đạt cao. Các chỉ tiêu khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp đều đạt và vượt quy định của Ngành, qua đó góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp. 
 
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 37, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 63 của Quốc hội. Đã thực hiện đạt và vượt 04/04 chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 37 đề ra. Toàn Ngành đã tập trung nghiên cứu, xây dựng và thực hiện theo đúng tiến độ 08 đề án về cải cách tư pháp được giao. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đặc biệt là Thông báo số 92-TB/BCĐTW ngày 17/7/2014 về Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngành Kiểm sát đã kịp thời tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giải quyết án tham nhũng; tiến hành kiểm tra, rà soát, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án về tham nhũng, nhất là đối với các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, chỉ đạo. 
 
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và xét xử những vụ án về tham nhũng, kinh tế chức vụ do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 18 vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ. Công tác giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ có nhiều chuyển biến; tiến độ nhanh hơn; kết quả xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, được Đảng, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. 
 
Công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Kiểm sát ngày càng sâu sát, hiệu quả hơn: đã sớm ban hành các chỉ thị, kế hoạch để quán triệt thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ thị, kết luận và nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội; xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng thể chế; xây dựng Đảng, xây dựng Ngành; chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; đồng thời chỉ đạo toàn Ngành quyết liệt thực hiện 10 nhóm giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác.  
 
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp rà soát, giới thiệu nhân sự là lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương tham gia Cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; kịp thời kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm đúng quy định của Đảng, của Ngành.  
 
Ngành Kiểm sát tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ đầu mối thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự: Viện kiểm sát nhân dân tối cao hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước, các tổ chức quốc tế, cơ quan tư pháp các nước trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và xây dựng thể chế. Tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu, học tập về pháp luật tố tụng hình sự và kinh nghiệm đào tạo Kiểm sát viên; tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm... Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Thực hiện tốt các nhiệm vụ của thành viên Hiệp hội Công tố viên quốc tế. Triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án quốc tế. Ngành Kiểm sát đã nỗ lực triển khai, thực hiện đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm thống kê tội phạm, hệ thống thông tin quản lý án hình sự; xây dựng, thực hiện Đề án “Nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến hiện có, đồng thời, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống truyền hình trực tuyến đến Viện kiểm sát cấp huyện trong toàn quốc vào đầu năm 2015. Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục có những chuyển biến tích cực. 
 
Sau khi Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp (bổ sung, sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2013; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn thiện việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung). Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân. Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; bảo đảm kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của cơ quan Công tố/Kiểm sát của Nhà nước ta hơn 60 năm qua; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Hiến pháp và Luật. Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 khẳng định rõ hơn vị trí của Viện kiểm sát nhân dân là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; xác định rõ nội dung các khâu công tác và bổ sung quy định về các công tác phục vụ thực hiện chức năng của Viện kiểm sát nhân dân; mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm; phân định rõ các trường hợp Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị hoặc quyền kiến nghị; xác định rõ hơn nội dung nguyên tắc “tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành” và làm rõ “khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”; về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân, quy định có 04 cấp Kiểm sát (gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện); về Ủy ban kiểm sát, ngoài việc Ủy ban Kiểm sát được tổ chức ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự Quân khu và tương đương còn quy định Ủy ban Kiểm sát được thành lập thêm ở Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; về Kiểm sát viên và Kiểm tra viên, quy định có 04 ngạch (Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp); về Viện kiểm sát quân sự, đã phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân khu và tương đương trong việc điều động, luân chuyển, biệt phái Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức của Viện kiểm sát quân sự; về bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân quy định rõ trong trường hợp Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định; về cơ chế kiểm soát, giám sát đối với Viện kiểm sát nhân dân, quy định cơ chế kiểm soát trở lại của Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan Thi hành án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Ngoài ra, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 còn quy định về ngày truyền thống, phù hiệu của Viện kiểm sát nhân dân. 
 
Năm 2015 là năm cuối toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; là năm, ngành Kiểm sát nhân dân triển khai thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp và kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2015 là: “Thực hiện hiệu quả chủ trương cải cách tư pháp; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Đồng thời, chỉ thị toàn Ngành tiếp tục quán triệt chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở” và tập trung thực hiện và tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.
 
Lại Hợp Việt
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)