(BVPL) - Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp năm 1980, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, thực hiện các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, các văn bản pháp luật khác liên quan; từ năm 1986 đến năm 2001, toàn Ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước. Đồng chí Trần Quyết đã được Đảng, Nhà nước cử sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, công cuộc đổi mới trên đất nước ta được triển khai mạnh mẽ. Các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã tập trung bàn và quyết định những chủ trương, bước đi quan trọng của sự nghiệp đổi mới. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI (tháng 3/1989) đã quyết định 12 chủ trương, chính sách lớn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, trong đó nhấn mạnh những vấn đề hàng đầu là điều chỉnh cơ chế kinh tế trong thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình kinh tế, thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi năng lực sản xuất, kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh, nhấn mạnh yếu tố thị trường, coi thị trường vừa là một căn cứ, vừa là một yếu tố để kế hoạch hóa...
Quốc hội khóa VIII đã tập trung xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý kinh tế - xã hội có hiệu quả hơn. Cùng với sự phát triển của đất nước, Nhà nước đã ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988, hoàn thiện các văn bản pháp luật phục vụ cho công tác đấu tranh chống và phòng ngừa vi phạm và tội phạm. Các cơ quan tư pháp được củng cố và kiện toàn phù hợp với tình hình mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và quá trình mở cửa, hội nhập trong quan hệ quốc tế.
Ngày 15/4/1992, Quốc hội khoá VIII kỳ họp thứ 11 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Hiến pháp đã thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng và khẳng định tại Điều 137: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm do luật định”.
Thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 tiếp tục ghi nhận chế định Viện kiểm sát nhân dân là một trong các cơ quan trong bộ máy nhà nước, có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng bằng những công tác: kiểm sát chung, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát thi hành án, kiểm sát giam giữ - cải tạo, điều tra tội phạm trong những trường hợp do pháp luật quy định.
So với Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 có hai điểm mới cơ bản khi quy định về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân:
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo trước hội đồng nhân dân về tình hình thi hành pháp luật ở địa phương và trả lời chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân;
- Ủy ban kiểm sát không còn là cơ quan tư vấn cho Viện trưởng nữa, mà có quyền thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
Trước tình hình hoạt động tư pháp còn nhiều tồn tại, nhất là việc bắt, giam, giữ oan, sai rất nghiêm trọng, công tác giải quyết án trì trệ, tồn đọng, Đảng ta đã có những chủ trương quan trọng, kịp thời về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Từ Nghị quyết Trung ương 8 khoá VII, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 khoá VIII, đều nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng hoạt động của Viện kiểm sát theo chức năng quy định trong Hiến pháp, tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đáng chú ý là Chỉ thị số 53-CT/TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000 đã đề cao trách nhiệm pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân đối với công tác bắt, giam, giữ: “Việc bắt giam phải được xem xét, phê chuẩn đối với từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể; đối với trường hợp bắt giam cũng được hoặc không bắt, giam cũng được thì không bắt giam. Sai sót trong việc bắt giam, giữ ở địa phương nào thì trước hết Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương đó chịu trách nhiệm”.
Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng tại các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX và các nghị quyết khác của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, ngành Kiểm sát nhân dân đã có sự đổi mới nhận thức về tổ chức bộ máy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân vẫn được giữ nguyên ở ba cấp nhưng bộ máy làm việc và cán bộ ở từng cấp kiểm sát ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Công tác kiểm sát chung có nhiều đổi mới về phương thức kiểm sát như yêu cầu tự kiểm tra, cấp trên kiểm tra, thanh tra và chuyển kết quả cho Viện kiểm sát, nếu thấy không đạt yêu cầu thì mới trực tiếp kiểm sát hoặc chỉ trực tiếp kiểm sát hành vi sau khi đã xác định có vi phạm pháp luật. Toàn ngành Kiểm sát đã tập trung vào kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, tập trung kiểm sát các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như đất đai, ngân hàng, xuất nhập khẩu. Đã yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, yêu cầu khởi tố và trực tiếp khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự. Ban hành nhiều kiến nghị rất xác đáng với các bộ, ngành, với Chính phủ trong việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, đưa hoạt động quản lý kinh tế - xã hội vào nền nếp. Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ đối với hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm, trong đó có cả văn bản của các bộ, ngành ở Trung ương, góp phần củng cố pháp chế trong xây dựng và thực hiện pháp luật.
Trong việc thực hiện chức năng công tố, Viện kiểm sát các cấp đã tập trung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm lợi dụng cơ chế đổi mới kinh tế để xâm phạm tài sản của Nhà nước, các tội phạm nguy hiểm như ma túy, giết người, cướp tài sản và các tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Đồng thời tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm cho việc bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án tuân thủ pháp luật.
Từ năm 1987 đến năm 2001 cũng là giai đoạn Viện kiểm sát quân sự phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong quá trình đổi mới đất nước; đây là giai đoạn có vị trí rất đặc biệt, chứng kiến những thay đổi vượt bậc của ngành Kiểm sát quân sự. Ngày 12/12/1987, Đảng ủy quân sự Trung ương đã ban hành Quy chế 365/ĐUQSTW về sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp đối với Viện kiểm sát quân sự và Tòa án quân sự. Sau khi Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự được ban hành, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương có Nghị quyết số 325/ĐUQSTW ngày 03/11/1987 về việc chuyển giao chức năng và tổ chức của hệ thống cơ quan làm công tác điều tra hình sự, các trại giam quân sự cho Viện kiểm sát quân sự Trung ương đảm nhiệm. Ngày 13/10/1987, Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên bộ số 1572/TT hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự. Ngày 06/11/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc có Quyết định số 1678/QP về tổ chức hệ thống cơ quan Viện kiểm sát quân sự trong Quân đội. Ngày 04/12/1987, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 345/QĐ-K3 về việc thành lập các Viện kiểm sát quân sự cấp thứ 3 trực thuộc các Viện kiểm sát quân sự ở các Quân khu và Tổng cục kỹ thuật. Hệ thống tổ chức Viện kiểm sát quân sự được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng ở cả 3 cấp để đáp ứng với yêu cầu mới về xét xử 2 cấp theo quy định của pháp luật; đồng thời phù hợp với tình hình nhiệm vụ trong quân đội cũng như chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng và việc điều chỉnh địa giới hành chính của một số tỉnh. Giai đoạn (1989-1992), tổ chức hệ thống Viện kiểm sát quân sự trong Quân đội vẫn theo 3 cấp, gồm 85 Viện: Viện kiểm sát quân sự Trung ương (cấp thứ nhất; 18 Viện cấp thứ 2 và 66 Viện cấp thứ 3) được tổ chức và hoạt động theo Pháp lệnh Viện kiểm sát quân sự năm 1993.
Nhân dịp kỷ niệm 35 ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân (1995), đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Trong mấy chục năm qua, viện kiểm sát nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, góp phần xứng đáng vào việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố chính quyền cách mạng, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân... Theo các chặng đường lịch sử của dân tộc, ngành Kiểm sát nhân dân đã từng bước trưởng thành. Công tác kiểm sát ở mỗi thời kỳ cách mạng đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước”.
LẠI HỢP VIỆT
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)