(BVPL) - Thắng lợi vĩ đại của cách mạng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đất nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976 xác định rõ bản chất và nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản, có sứ mệnh lịch sử là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội; đồng thời vạch ra đường lối xây dựng nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Nhà nước quản lý nền kinh tế theo nguyên tắc kế hoạch hoá tập trung với hai thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể.

 

 

Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội thông qua, xác định đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, chính thức ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội (Điều 4), quy định nguyên tắc: “Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Điều 12). Đối với Viện kiểm sát nhân dân, cùng với việc tiếp tục xác định chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Hiến pháp năm 1980 đã quy định rõ chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 138). Đồng thời, tiếp tục khẳng định các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và các nguyên tắc độc lập và nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.


Cụ thể hóa Hiến pháp năm 1980, để phù hợp với tình hình mới và yêu cầu của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, kế thừa Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 đã làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân như sau: Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 1). Theo Điều 3 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng bằng những công tác cụ thể sau:


- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính, kinh tế, xã hội.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan công an và các cơ quan điều tra khác.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của Tòa án nhân dân.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành các bản án và quyết định của tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật;.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam, giữ và cải tạo.


Đối với công tác kiểm sát chung, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 qui định rõ hơn các căn cứ pháp lý để tiến hành kiểm sát là tính phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, các nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư của Hội đồng Bộ trưởng. Đồng thời, Luật mới đã cụ thể hóa hơn các quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát chung (Điều 6 và Điều 7).


So với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát điều tra và mối quan hệ của Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 cũng được quy định cụ thể hơn. Từ thực tiễn công tác kiểm sát và tham khảo kinh nghiệm hoạt động của Viện kiểm sát một số nước xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ trương các Viện kiểm sát kiểm sát điều tra là chủ yếu, nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra và việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ, hợp pháp. Viện kiểm sát chỉ trực tiếp khởi tố, tiến hành điều tra trong trường hợp thấy thật cần thiết.


Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 đã bổ sung một số quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát xét xử dân sự như: tham gia các cuộc họp trù bị phiên tòa của Tòa án nhân dân cùng cấp; yêu cầu tòa án chuyển hồ sơ vụ án để thực hiện công tác kiểm sát xét xử; kiểm sát việc tuân theo pháp luật dân sự trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó khởi tố những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân (Điều 13).


Để đáp ứng tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 đã tách quy định về công tác kiểm sát việc chấp hành án ra khỏi công tác kiểm sát xét xử và bổ sung, cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của viện kiểm sát với các ngành hữu quan trong công tác kiểm sát việc chấp hành án; bổ sung các quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của viện kiểm sát với các ngành hữu quan trong công tác kiểm sát giam giữ, cải tạo.


So với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 đã quy định rõ thời hạn và trách nhiệm các cơ quan, đơn vị hữu quan trong việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của viện kiểm sát nhân dân (các Điều 8, 11, 17 và 20); đồng thời, quy định cụ thể, đầy đủ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của Viện kiểm sát với các ngành hữu quan. 


Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng năm 1982 đã cụ thể hoá đường lối chung và xác định các mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm 80 của thế kỷ XX nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác kiểm sát thời kỳ này được tiến hành trong bối cảnh nhiều vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng chưa được thể chế hoá thành pháp luật; sự hiểu biết về pháp luật của cán bộ và nhân dân còn thấp, việc chấp hành còn nhiều thiếu sót, chưa nghiêm chỉnh và thống nhất. Cùng với các cơ quan tư pháp khác, hằng năm, ngành Kiểm sát lấy chủ trương, nghị quyết, chích sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội làm căn cứ để ra chủ trương, nhiệm vụ và trọng tâm công tác cụ thể. Với sức cố gắng cao nhất, toàn ngành kiểm sát đã chủ động, tích cực hơn trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, góp phần thích đáng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chú trọng phục vụ việc thực hiện kế hoạch nhà nước mà trọng tâm là nông nghiệp, lương thực, giao thông, vận tải, thương nghiệp...; đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội, khôi phục và giữ gìn kỷ cương xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ an ninh, trật tự và củng cố quốc phòng, kịp thời và kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử loại trọng tội, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Đẩy mạnh xây dựng ngành kiểm sát về các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên.


Từ năm 1976 đến năm 1986 cũng là giai đoạn Viện kiểm sát quân sự được kiện toàn và phát triển hệ thống tổ chức bộ máy trên phạm vi toàn quân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1976, Viện kiểm sát quân sự tiến hành củng cố tổ chức, biên chế, xây dựng ngành vững mạnh toàn diện nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong thời gian này Đảng, Nhà nước bổ nhiệm đồng chí Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiêm Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương thay đồng chí Nguyễn Văn Nam. Sau khi có Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, ngày 21/12/1985, Hội đồng Nhà nước họp thông qua Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự và ngày 03/01/1986. Đây là Pháp lệnh đầu tiên quy định một cách chi tiết và chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các Viện kiểm sát quân sự, Pháp lệnh là cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của các Viện kiểm sát quân sự và tạo ra bước phát triển mới trong công tác xây dựng Ngành. Pháp lệnh quy định hệ thống Viện kiểm sát quân sự được tổ chức thành 3 cấp: Viện kiểm sát quân sự Trung ương; các Viện kiểm sát quân sự Quân khu, Quân chủng, Tổng cục và cấp tương đương; Viện kiểm sát quân sự Quân đoàn, tỉnh và khu vực, hoạt động theo chế độ tập trung thống nhất. 


Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, thời kỳ này, ngành Kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có nhiệm vụ chung là bảo vệ một nền pháp chế thống nhất. Nhưng do nhiệm vụ của cách mạng ở hai miền còn khác nhau nên công tác kiểm sát và hoạt động công tố ở mỗi miền cũng có những đặc điểm riêng. Viện kiểm sát các tỉnh phía Bắc tập trung làm tốt ba nhiệm vụ là bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế - xã hội chủ nghĩa; bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân; bảo vệ trật tự xã hội và an ninh chính trị. Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam đã cùng với các ngành chuyên chính, trấn áp kịp thời, mạnh mẽ bọn phản cách mạng, bọn gián điệp Mỹ - ngụy cài lại, bọn phản động trong các tôn giáo và tư sản mại bản câu kết với đế quốc; trừng trị nghiêm khắc bọn cầm đầu các tổ chức vũ trang gây bạo loạn, bọn xúi giục, lừa đảo người trốn đi nước ngoài. Tập trung vào việc đấu tranh xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản phản động đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường, chống các tệ nạn do xã hội cũ để lại. Tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng./.


LẠI HỢP VIỆT
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)