(BVPL) - Đồng chí Trần Lê (tên khai sinh là Lê Tuệ, bí danh Năm Hoà), sinh ngày 05/02/1921 tại xã Tam An, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nông dân có 8 người con, đồng chí được cha mẹ cho ăn học hết bậc tiểu học. Với ý chí tự lực, đồng chí đã quyết tâm rời gia đình, đi xa, kiếm việc làm. Năm 1937, tức là khi mới 16 tuổi, đồng chí đi làm công cho một viên đại lý rượu, cách xa nhà 40 km. Vốn ham học hỏi, đồng chí đã tự học thêm tiếng Pháp, đọc sách báo, tài liệu để tìm hiểu thêm tình hình đất nước và cuộc sống của người dân. Sớm giác ngộ cách mạng và với lòng yêu nước, năm 1938, đồng chí đã tham gia hoạt động trong tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ, hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. 
 
 
Trong thời gian từ 1951 đến 1952, đồng chí Trần Lê làm Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và từ 1953 đến tháng 7 năm 1954 phụ trách Trường Đảng Khu 5. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cán bộ chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc, đồng chí được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam làm Bí thư Ban Cán sự Đảng cực Nam Trung bộ (khi đó gồm ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng). Đồng chí Trần Lê đã giữ vững lập trường của Đảng, đi vào các xóm lao động gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng phong trào, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên. Cuối năm 1958, với tư cách là Bí thư Ban Cán sự Đảng cực Nam trung bộ, đồng chí tham gia cuộc họp của Liên Khu uỷ tại huyện Giằng (Quảng Nam) để tham gia ý kiến chính thức vào bản “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn đề xuất. Sau cuộc họp này, đồng chí Trần Lê cùng với một số đồng chí khác ra Bắc báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II. Sau khi có Nghị quyết 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng đấu tranh cho cách mạng miền Nam, đồng chí Trần Lê lại vào Nam, trực tiếp đem Nghị quyết 15 vào cho đồng bào, chiến sỹ miền cực Nam Trung Bộ. Tháng 7 năm 1961, Khu 6 được thành lập trên cơ sở các tỉnh Đắc Lắc, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng; đồng chí Trần Lê được cử làm Bí thư Khu uỷ Khu 6. Trong thời gian nếm mật nằm gai cùng đồng chí, đồng đội ở Khu 6, tên tuổi của đồng chí gắn liền với những chiến công của đồng chí, đồng bào vùng cực Nam Trung Bộ như chiến dịch Đông Xuân 1964-1965 với trọng điểm ở Phước Long; kế hoạch Đông Xuân 1974-1975 với trọng điểm ở Hoài Đức và Tánh Linh và gắn với chiến dịch giải phóng Khu 6 để góp phần vào việc giải phóng hoàn toàn miền Nam tháng 30/4/1975.
 
Đầu năm 1976, Khu 6 được giải thể, tỉnh Lâm Đồng mới được hình thành; đồng chí Trần Lê được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng mới. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV vào tháng 12 năm 1976, đồng chí Trần Lê được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 5 năm 1980, đồng chí được cử làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đến tháng 4 năm 1981, đồng chí là Đại biểu Quốc hội khoá VII và được bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V ( tháng 3 năm 1982), đồng chí được bầu lại làm Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí đảm nhận trọng trách là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho đến tháng 3 năm 1987.  
 
Trong những năm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Trần Lê đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành Kiểm sát nhân dân. Ngay sau khi đảm nhận trọng trách, với những kinh nghiệm có được từ hơn 36 năm làm công tác chính trị, kế thừa những kinh nghiệm quí báu của các đồng chí lãnh đạo Ngành đi trước, đồng chí rất quan tâm đến việc xây dựng cơ sở lý luận cho Ngành, trong đó có các vấn đề như: Nhận thức và nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nội dung, tính chất của công tác kiểm sát. Tháng 7 năm 1981, ngay sau khi đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Trần Lê đã chủ trì Hội nghị tập huấn Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 tại Nha Trang. Đây là Hội nghị được đánh giá là đổi mới. Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như công tác cán bộ, công tác xây dựng Ngành, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát; đổi mới biện pháp và phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành.v.v. Đồng chí Trần Lê rất quan tâm đến việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, đúc rút các vấn đề lý luận từ thực tiễn; đã chỉ đạo việc xây dựng Báo cáo tổng kết 25 năm hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ bản báo cáo tổng kết này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị như: nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Ngành; quán triệt tính Đảng, tính giai cấp và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác kiểm sát; làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trên cơ sở chức năng và nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành; làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ theo những tiêu chuẩn của Đảng và Nhà nước đề ra, nêu cao lương tâm và trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát, gắn nhiệm vụ chuyên môn với công tác chính trị; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác của toàn Ngành cũng như đối với Viện kiểm sát mỗi cấp; củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội; mở rộng hợp tác quốc tế... Đồng chí Trần Lê cũng là người đề xuất với Ban Bí thư về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm sát. Trên cơ sở đề nghị này, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 57/CT-TW ngày 30/1/1985 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các ngành Kiểm sát, Toà án, Tư pháp. Thời kỳ đồng chí Trần Lê làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thành lập và tăng cường cán bộ cho Viện khoa học kiểm sát; chỉ đạo biên soạn cuốn sổ tay Kiểm sát viên và dịch các tài liệu thông tin khoa học của Viện kiểm sát các nước anh em; chuẩn bị điều kiện cho việc nâng tập san Kiểm sát thành Tạp chí Kiểm sát...
 
Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng chí Trần Lê đã quan tâm đến việc kế hoạch hoá công tác kiểm sát để bảo đảm tính thống nhất, tính kế hoạch trong hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm vai trò lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với toàn ngành Kiểm sát nhân dân trên phạm vi cả nước. Đồng chí từng bước quan tâm chỉ đạo đổi mới biện pháp, phương thức hoạt động của Ngành cũng như hoạt động quản lý, thể hiện qua việc chỉ đạo hoàn thiện Điều lệ công tác của mỗi cấp Kiểm sát; xây dựng qui chế hoạt động của từng công tác kiểm sát; xây dựng chế độ sinh hoạt thường kỳ của Viện trưởng với Kiểm sát viên cùng cấp; xây dựng chế độ báo cáo, thống kê liên ngành, chế độ kiểm tra nghiệp vụ; tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành, thành lập Ban Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
 
 Đồng chí Trần Lê rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát. Điều đồng chí Trần Lê quan tâm là trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Viện kiểm sát các cấp, cụ thể là người cán bộ lãnh đạo phải nhận thức được đầy đủ trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho, phải thường xuyên nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đồng chí đã chỉ đạo xác định Kiểm sát viên là lực lượng nòng cốt, chủ yếu của hoạt động kiểm sát và xây dựng các tiêu chuẩn của Kiểm sát viên phải theo hướng nâng cao trình độ, năng lực của người cán bộ Kiểm sát; cũng cần thiết nhấn mạnh việc nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ cán bộ Kiểm sát nói chung và Kiểm sát viên nói riêng. Đồng chí thường xuyên quán triệt mọi người phải luôn luôn “cầm nắm chức năng, lương tâm trách nhiệm”. Ngay cả thời gian khi đã nghỉ hưu, mỗi khi có dịp trở lại thăm Ngành, đồng chí vẫn nhắc nhở cán bộ Kiểm sát phải “giữ gìn được đạo đức phẩm chất cho tốt”, “phải nắm vững chức năng, thực hiện đúng nhiệm vụ sao cho ngày càng có hiệu quả cao hơn... Muốn vậy anh chị em ta phải quan tâm nâng cao trình độ, kiến thức, rèn luyện tay nghề, giữ gìn đạo đức phẩm chất cách mạng”.
 
Bên cạnh tính nguyên tắc, tính chiến lược trong công tác lãnh đạo của mình, đồng chí Trần Lê còn là người rất sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong công việc, thể hiện qua việc đồng chí xây dựng chủ trương và triển khai xây dựng các điển hình tiên tiến trong việc tuân theo pháp luật ở cơ sở; chú trọng công tác thi đua trong Ngành (thành lập Hội đồng thi đua ngành Kiểm sát nhân dân vào tháng 11 năm 1983). Là người lãnh đạo cao nhất của Ngành, đồng chí Trần Lê còn là tấm gương cho cán bộ ngành Kiểm sát về phẩm chất đạo đức và tác phong làm việc; là tấm gương sáng về dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý; giữ vững nguyên tắc pháp chế trong các lĩnh vực khác nhau của hoạt động quản lý Nhà nước, ngay cả trong lĩnh vực xây dựng luật; nhạy bén về chính trị nhưng sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng, đồng chí rất thận trọng, khách quan, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng, của tập thể, của cơ quan tham mưu; tư duy sâu sắc, luôn đi sâu vào bản chất sự việc, chín chắn, cẩn thận, có trách nhiệm với công việc của mình. Đồng chí Trần Lê là người có cuộc sống thanh bạch, giản dị, liêm khiết, chỉ dùng những gì mà theo chế độ Nhà nước quy định cho đồng chí được hưởng, luôn giữ chuẩn mực trong cuộc sống riêng tư. Có những câu chuyện được mọi người nhớ mãi. Trong một lần về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, sau khi làm việc với tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí đã đi từng Phòng thăm hỏi từng cán bộ, Kiểm sát viên của cơ quan với thái độ ân cần và chân thành. Đồng chí nói: “Thái Bình là một địa phương có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong các hợp tác xã nông nghiệp; Thái Bình vinh dự được Bác Hồ về thăm và căn dặn phải xây dựng Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt, vì vậy cán bộ Viện kiểm sát Thái Bình phải phấn đấu xây dựng Viện kiểm sát Thái Bình trở thành một Viện kiểm sát gương mẫu về mọi mặt”. 
Đồng chí Trần Lê luôn là tấm gương về lòng thủy chung, tình nghĩa với đồng bào, đồng chí, đồng đội. Thời kỳ đang công tác, trong hoàn cảnh khó khăn, đồng chí nhiều lần nhường cơm xẻ áo cho đồng chí đồng đội, nhường chế độ đi nước ngoài chữa bệnh cho đồng chí khác. Khi đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu nhưng đồng chí vẫn thỉnh thoảng trở về thăm lại Khu 6 xưa, thăm lại những người đã một thời đồng cam cộng khổ với mình, thăm lại ngành Kiểm sát, nhắc nhở mọi người chú ý giữ đoàn kết, nêu cao lương tâm và trách nhiệm, động viên mọi người gắng vượt khó khăn. Tuổi cao, sức yếu nhưng tấm lòng đồng chí vẫn sáng mãi một nỗi niềm, một tình yêu với ngành Kiểm sát, với cuộc sống. 
 
 Đồng chí Trần Lê sống thanh bạch, giản dị và liêm khiết; chỉ dùng những gì mà theo chế độ của Nhà nước quy định được hưởng. Nhiều đồng chí ở Lâm Đồng kể rằng: Sau khi được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu trí, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lâm Đồng có ý định mời đồng chí vào sống tại Đà Lạt và dự định giành một ngôi biệt thự để cấp cho đồng chí và gia đình, nhưng đồng chí Trần Lê đã cảm ơn và từ chối khéo; đồng chí và gia đình vẫn ở trong căn nhà tập thể ở nhà A5, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Khi nghỉ hưu, nhớ các đồng nghiệp, thường hỏi thăm các cán bộ trong cơ quan hoặc những anh chị em đã có dịp làm việc cùng với đồng chí, nhưng đồng chí rất đắn đo trong việc đi chơi thăm các địa phương, theo đồng chí phần thì ngại phiền phức cơ quan trong việc sử dụng xe cộ, phần thì e anh chị em ở địa phương phải tiếp đón, đãi đằng. Vì vậy, có lần đi nghiên cứu để làm lịch sử khu V, tiện thể kết hợp về thăm quê, đồng chí đi thẳng từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Sau này biết chuyện nhiều đồng chí ở Viện kiểm sát địa phương nơi đồng chí đi qua đã hỏi thăm thì đưọc đồng chí giải thích lý do không ghé vào thăm, vì theo đồng chí “Mình đến lại để anh em phải đãi đằng trong khi còn khó khăn, vất vả nhiều lắm”. Năm 1997, khi tôi còn làm Phó Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có một lần đồng chí gọi điện đến cho tôi hỏi thăm tình hình cơ quan, sau đó đồng chí dặn: Trong một, hai tháng tới có đồng chí nào đi vào công tác ở miền Trung, mà xe ô tô có rộng thì báo cho đồng chí biết để đi nhờ vào thăm mấy người bạn ở Đà Nẵng rồi về quê. Nghe đồng chí nói, sau đó tôi có kiểm tra lại lịch điều xe ở cơ quan thì mới biết trong thời gian gần 3 năm đó, đồng chí không dùng xe ô tô cơ quan một lần nào để sử dụng vào việc riêng. Sau lần đó, tôi báo cáo lãnh đạo Viện bố trí một chiếc xe ô tô đưa đồng chí vào Đà Nẵng, mãi sau đồng chí mới chịu đồng ý đi một mình một xe mà cũng chỉ yêu cầu đi trên chiếc xe Volga đã cũ. Với phong cách ấy, đồng chí là một Viện trưởng dễ gần với cấp dưới và cũng vì điều đó đồng chí được cấp dưới tin yêu kính trọng như người cha, người anh thân thương trong nhà.  
 
Đồng chí Trần Lê là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một cán bộ cách mạng trung thành, tận tuỵ, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng chí có nhiều công lao lớn đóng góp cho ngành Kiểm sát nhân dân, đã để lại trong ký ức của cán bộ, nhân viên toàn ngành Kiểm sát nhân dân những ấn tượng sâu sắc và kỷ niệm không thể nào phai mờ được./.
 
Lại Hợp Việt
Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế