Xử lý xe né trạm cân: Không 'triệt' được 'cò', tiền xử phạt không đủ sửa đường xuống cấp
Cập nhật lúc 11:51, Thứ sáu, 14/11/2014 (GMT+7)
Đó là ý kiến của ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh Thanh tra Sở giao thông vận tải, Trạm trưởng Trạm cân lưu động khi nói về thực trạng hoạt động của "cò" trạm cân hiện nay tại hội nghị triển khai cho các doanh nghiệp ký cam kết không xếp dỡ hàng hóa quá tải tại đầu mối… ( tội phạm, xe tải, lừa đảo, trạm cân)
Đó là ý kiến của ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh Thanh tra Sở giao thông vận tải, Trạm trưởng Trạm cân lưu động khi nói về thực trạng hoạt động của “cò” trạm cân hiện nay tại hội nghị triển khai cho các doanh nghiệp ký cam kết không xếp dỡ hàng hóa quá tải tại đầu mối…
Ngăn chặn từ gốc đến ngọn
Theo đánh giá của ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, Trạm cân tải trọng lưu động Bình Thuận là một trong những trạm hoạt động nghiêm túc và hiệu quả nhất trong việc kiểm soát, xử lý xe quá tải lưu thông trên QL1A. Điều này thể hiện qua số liệu phương tiện bị xử lý và việc cương quyết xử lý nhiều xe siêu trường, siêu trọng lọt qua nhiều trạm, qua đó góp phần nâng cao ý thức của người vận chuyển hàng hóa, kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Theo ông Vinh, mặc dù các trạm cân lưu động hiện nay đều được đầu tư mua từ thương hiệu sản xuất có uy tín, tuy nhiên khi vận hành vẫn còn một số hạn chế như trời mưa thì không thể hoạt động, kết nối giữa cân và thiết bị còn lằng nhằng, không có kết nối camera… Trạm cân Bình Thuận cũng là nơi đầu tiên được địa phương quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng trạm và hoạt động…
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, hiện toàn tỉnh có trên 10 cơ sở đầu mối lớn xếp dỡ hàng hóa, trong đó chủ yếu là các mỏ khai thác vật liệu xây dựng, ngoài ra nhiều đầu mối phân phối vật liệu xây dựng và vật tư nông nghiệp khác…Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đồng tình với việc triển khai quy định về kiểm soát tải trọng tại khu vực đầu mối. tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, quá trình triển khai cần phải đồng bộ trong xử lý từ cơ quan chức năng và các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tải trọng. Nếu không sẽ dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá thành sản phẩm và cước vận chuyển của chủ phương tiện. Đó là phần gốc, riêng đầu ra là các cơ sở đại lý cấp 1 cũng cần phải đưa vào chế tài và ký cam kết không mua hàng từ doanh nghiệp vận chuyển quá tải, bởi hiện tại trên lĩnh vực hàng hóa vật tư nông nghiệp như xi măng, phân bón giá cước vận chuyển quyết định rất nhiều đến giá thành sản phẩm. Một khi doanh nghiệp vận chuyển đúng tải thì giá thành sẽ cao hơn, trong khi một doanh nghiệp đại lý cấp 1 mua của đơn vị vận chuyển quá tải thì bán giá thành rẻ hơn.
Xử lý triệt để, tránh nể nang
Bên cạnh sự nỗ lực của trạm cân, hiện nay vẫn còn một số hạn chế khi trạm cân hiện đặt tại khu vực còn rất nhiều đường nhánh, đường ngang qua trung tâm TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc nên xe cố tình né trạm cân vẫn còn. Đồng thời một thực trạng tồn tại nhức nhối hiện nay là “cò” trạm cân. Theo ông Thạch, hiện tại các đối tượng “cò” hoạt động nhiều và tinh vi, trong đó có việc thỏa thuận, bao xe quá tải dẫn đường né trạm cân. Theo đó nếu bị bắt, “cò” sẽ bỏ tiền ra đóng phạt thay vì tài xế… “Hiện nay chúng ta đã xử lý vi phạm đối với xe quá tải trên 10 tỷ đồng, tuy nhiên nếu không xử lý triệt để các đối tượng “cò” này, tiền xử phạt sẽ không đủ sửa chữa các tuyến đường xe quá tải né trạm do “cò” dẫn đường gây ra, nhất là các tuyến đường nội thành TP. Phan Thiết”, ông Thạch lo lắng. Nói về thực trạng xe chở xi măng, phân bón quá tải vẫn còn lọt trạm từ phản ánh của các doanh nghiệp, ông Thạch cho biết đường vận chuyển xi măng hiện tại có hai hướng, một từ TP. Hồ Chí Minh về và hai là từ Cảng Nha Trang, hiện đa số các xe trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm việc chấp hành tải trọng. Riêng một số xe vận chuyển quá tải đều là xe ngoài tỉnh và luôn tìm cách tránh né. Trong thời gian tới, khi trạm cân Dầu Giây được dời về khu vực giáp ranh giữa Đồng Nai với Bình Thuận, đồng thời có thêm trạm ở Tuy Phong, tình trạng này sẽ được xử lý triệt để.
Nói về việc xử lý xe quá tải, ông Nguyễn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở giao thông vận tải phối hợp với UBND các huyện, thị, thành và cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn và xử lý nghiêm xe quá tải, cũng như các đối tượng “cò” né trạm cân gây hư hỏng đường. Trong quá trình xử lý, cần thiết phải đình chỉ doanh nghiệp cố tình vi phạm, tước giấy phép lái xe của người vận chuyển nhằm răn đe. Nói về các xe chở xi măng, vật tư nông nghiệp mà các doanh nghiệp tâm tư, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cơ quan chức năng không thể đổ thừa cho xe ngoài tỉnh không chấp hành và lực lượng làm nhiệm vụ không biết xe của ai vận chuyển, do đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lực lượng thi hành công vụ cần xử lý nghiêm minh và công bằng, tránh nể nang, tình cảm…
Theo Báo Bình Thuận
.