Nội dung thông cáo nêu rõ, Nghị định số 10/2020 được ban hành thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, bảo đảm trật tự ATGT trong kinh doanh vận tải.

Đặc biệt, Nghị định 10/2020 phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 86 và tiếp thu những bài học từ Quyết định 24 để tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho việc ứng dụng các phần mềm kết nối trong kinh doanh vận tải.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Cụ thể, Nghị định số 10 đã phân định rõ giữa khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.

“Các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì sẽ là phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải. Còn nếu chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 10..." - thông cáo nêu.

Tại thông cáo báo chí, Bộ GTVT cũng làm rõ giải pháp quản lý xe hợp đồng tại Nghị định 10/2020 mới ban hành.

Theo quy định mới, đến ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.

Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị GSHT, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan Thuế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Nghị định 10 lần này cũng đã đưa ra quy định trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch...

MK