(BVPL) - Tính đến đợt giảm giá xăng dầu ngày 23/10 vừa qua, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 8 lần tính đến thời điểm hiện tại nhưng cước vận tải hành khách vẫn không giảm. Không ít người đặt câu hỏi, liệu có phải doanh nghiệp vận tải đang ẵm trọn phần chênh lệch giữa giá xăng dầu với cước vận tải.
 


Doanh nghiệp vận tải chưa có ý định giảm giá

Cho biết lý do vì sao giá xăng dầu giảm liên tiếp mà cước vận tải chưa có sự điều chỉnh, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chi phí nhiên liệu trong giá cước vận tải vẫn ở mức khoảng 40 – 45% đối với xe chạy dầu và 45 – 50% đối với xe chạy xăng. Vì thế khi có biến động về giá nhiên liệu sẽ có những điều chỉnh chút ít về giá cước. Tuy nhiên, đến nay giá cước vận tải hành khách chưa có sự điều chỉnh vì bao giờ cũng phải có độ trễ nhất định so với quá trình tăng – giảm của nhiên liệu.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận, giá xăng dầu điều chỉnh theo hướng giảm như hiện nay thì doanh nghiệp vận tải cũng dễ thở hơn. Tuy vậy, các thủ tục để điều chỉnh cũng phức tạp nên có thể các doanh nghiệp còn đang nghe ngóng. Không những thế, thời gian qua có những qui định mới về Quỹ bảo trì đường bộ hay phát sinh việc thu phí qua các trạm BOT rồi việc Nhà nước tiến hành siết chặt hoạt động vận tải với nhiều qui định nâng cao hơn như phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), tổ chức các bộ phận quản lý ATGT… nên vì thế mà cước vận tải chưa thể điều chỉnh ngay được.

Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết, thông thường, giá nhiên liệu phải điều chỉnh ở mức trên 10% thì may ra các doanh nghiệp vận tải mới trang trải đủ chi phí để làm các thủ tục giảm giá vé. Nhưng lần này, sau 8 lần xăng dầu giảm giá cũng chỉ ở mức từ 5 - 7%. Nếu các doanh nghiệp điều chỉnh giá thì cũng chỉ giảm được khoảng 3 - 4%. Con số này quá thấp, không đủ bù chi phí cho các dịch vụ in ấn, vé, thông báo giá cước...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, giá xăng giảm 12,7%, giá dầu giảm 13,2%, trong khi đó chi phí xăng dầu chiếm 40%-50% tổng chi phí vận tải. Nếu giá xăng dầu giảm nhiều và ổn định trong thời gian dài thì các doanh nghiệp vận tải phải tính toán lại để có hướng giảm giá cước. Loại hình vận tải phải giảm đầu tiên, theo tính toán của ông Thanh là các đơn vị taxi. Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít tương ứng với 12,7% thì giá cước taxi có thể giảm tương ứng được 5- 6%, bằng khoảng 600-1.000 đồng tùy từng hãng…

… Vì nhiều chi phí phát sinh

Theo ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam): “Quy định giá cước hiện nay Chính phủ không quản lý mà do doanh nghiệp tự đăng ký. Vì thế giá cước cao hay thấp là do doanh nghiệp. Nếu giá cước của doanh nghiệp nào cao thì hành khách sẽ không lựa chọn và ngược lại. Tất nhiên, cũng có sự can thiệp của cơ quan quản lý giá khi có phát hiện giá cước cao một cách vô lý, bất thường. Tuy nhiên, giá cước vận tải trong một thời gian dài vừa qua đã bị hạ thấp một cách bất bình thường. Không có lý gì cước vận tải đường bộ lại còn thấp hơn cả đường sắt. Để bù đắp việc này, các doanh nghiệp vận tải đường bộ phải tìm đủ cách như chở quá tải nhưng nay không chở quá tải được nữa thì họ duy trì ở mức cước như vậy cũng là bình thường”.

“Khi doanh nghiệp vận tải phải thấy ở một ngưỡng nào đó về điều chỉnh giá xăng dầu thì họ mới điều chỉnh cước. Chi phí xăng dầu trong cước vận tải là cao nhưng không phải là toàn bộ nên họ phải tiết giảm cả các chi phí khác. Khi họ thấy lợi nhuận tăng lên rồi thì để có sự cạnh tranh, bắt buộc doanh nghiệp vận tải sẽ phải tự hạ giá cước cho phù hợp với qui luật cung cầu” – ông Bình chia sẻ.
    

Hữu Bắc

.