Nhờ đó, mạng lưới giao thông nông thôn được mở rộng, cứng hóa, tạo đà vững chắc để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng cải thiện điều kiện sống của người dân nơi đây. 

Khó khăn đặc thù

Việc thực hiện các dự án giao thông tại huyện miền núi Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, đang gặp phải nhiều khó khăn do đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực này. Trước hết, khó khăn lớn nhất đến từ địa hình phức tạp và hiểm trở của Sìn Hồ. Huyện nằm trong khu vực núi cao, với nhiều đèo, dốc và vực sâu. Địa hình bị chia cắt mạnh mẽ, đòi hỏi các dự án giao thông phải đối mặt với việc khảo sát, thiết kế và thi công trong điều kiện khắc nghiệt. Việc xây dựng các tuyến đường cần nhiều cầu, cống, hầm để vượt qua địa hình hiểm trở, điều này không chỉ làm tăng chi phí mà còn kéo dài thời gian thi công. 

Thêm vào đó, các yếu tố thiên nhiên như lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa bão thường xuyên xảy ra cũng gây khó khăn lớn cho việc duy trì và bảo dưỡng các công trình giao thông. Chỉ tính riêng gần 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện xảy ra 5 đợt thiên tai, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn huyện, ước tổng thiệt hại khoảng 3.340 triệu đồng. Chính quyền các cấp đã kịp thời hỗ trợ và người dân ổn định cuộc sống.

Sìn Hồ là địa phương có nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển du lịch và nông nghiệp nhưng chưa được khai thác. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển tại địa phương. Khu vực này còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, nhưng các dịch vụ tiện ích chưa có nhiều, hầu như chỉ có tham quan, trải nghiệm.

leftcenterrightdel
 Hiện tượng sạt lở xảy ra vào tháng 7/2024 tại tuyến đường tỉnh đoạn đi qua huyện Sìn Hồ.

Mở đường để thu hút đầu tư

Xác định, để thu hút được các doanh nghiệp tới địa phương đầu tư, huyện đã xác định trước hết là công tác "mở đường". Trong năm 2023, địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thông qua việc mở thêm, nâng cấp một số tuyến đường tới trung tâm các xã, 15 tuyến đường liên thôn, bản và 140km đường nội bản, 230km đường nội đồng. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương, huyện đang thực hiện việc đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2024 đối với các dự án chuyển tiếp và khẩn trương thực hiện công tác triển khai các dự án khởi công mới trên địa bàn huyện. Những dự án giao thông kết nối giữa bản với bản, xã với bản, xã với xã cũng như các xã với trung tâm huyện đã và đang tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, đóng góp vai trò quan trọng trong định hướng phát triển chung của huyện.

Hiện, nhiều công trình trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Được biết, Ban Quản lý Dự án ĐTXD huyện Sìn Hồ đã thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công đã cam kết, nhất là trong thời điểm mùa khô để bàn giao, đưa vào sử dụng đúng tiến độ.

Theo đại diện  Ban Quản lý Dự án ĐTXD huyện Sìn Hồ, thời gian tới huyện tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để kêu gọi các doanh nghiệp về địa phương. Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp khi có dự án đầu tư tại địa bàn huyện được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo khung pháp luật hiện hành của Nhà nước về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ đào tạo lao động địa phương, và tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, sẽ có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp để đảm bảo rằng các dự án đầu tư được triển khai hiệu quả và bền vững.

Ngoài các chính sách ưu đãi của trung ương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh Lai Châu, như: Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/03/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Lai Châu về thông qua đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu…ngoài ra các nhà đầu tư còn được hưởng các chính sách chung về hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ phát triển thị trường; hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ và các hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan, hỗ trợ tổ chức công tác đền bù giải phóng mặt bằng...

PV