Việt Nam sẽ dành 20 tỷ USD hiện đại hóa giao thông công cộng từ nay đến 2020 qua đó giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân.

 


Theo định hướng phát triển giao thông công cộng, đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 2-3%; Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại, đường sắt đô thị chiếm 4-5%.

Liên quan tới vấn đề xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động vận tải hành khác công cộng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tham mưu cho Chính phủ nhằm thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài về cả vốn và công nghệ tiên tiến vào hạ tầng giao thông tại Việt Nam, trong đó có giao thông công cộng.

“Bộ Giao thông Vận tải rất hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác đầu tư với Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là các nhà đầu tư Thụy Điển. Bởi, Thụy Điển là quốc gia được thế giới ghi nhận là rất thành công trong việc xây dựng, thực thi chính sách liên quan tới an toàn và kéo giảm tai nạn giao thông, phát triển giao thông công cộng bền vững,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ quan điểm.

Khẳng định những thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông và cơ sở hạ tầng Thụy Điển Erik Bromander đưa ra số liệu, tại Thụy Điển, số lượng tai nạn giao thông đã giảm một nửa từ năm 2000-2013, đạt mức 30 vụ/1 triệu dân một năm, mức thấp nhất thế giới.

Theo Thứ trưởng Erik Bromander, Thụy Điển là nước đi đầu về an toàn giao thông với “Tầm nhìn về Không” đối với các vụ tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Góp phần vào những thành tựu này là một hệ thống tích hợp quy hoạch đô thị trong đó các yếu tố cấu thành có được là nhờ các công ty sáng tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến có thể xử lý được các thách thức trong ngành giao thông.

“Làm thế nào để giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân gồm hệ thống vận tải công cộng chất lượng cao, tạo sự bình đẳng cho người dân. Được biết, Việt Nam dành 20 tỷ USD hiện đại hóa giao thông công cộng từ nay đến 2020 và quá trình phát triển đô thị nhanh chóng của Việt Nam thì Thụy Điển rất quan tâm và sẽ hỗ trợ toàn diện để chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội cho các chuyên gia, doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ và là điểm khởi đầu cho các hoạt động tiếp theo giữa hai ngành và tạo nhiều cơ hội hợp tác với các tiềm năng trong tương lai…,” Thứ trưởng Erik Bromander nhấn mạnh./.
 

Theo Vietnamplus

.