Vé xe tăng không quá 60%

Tại các bến xe miền Đông (BXMĐ) và bến xe miền Tây (BXMT), năm nay, thời gian phục vụ Tết Nguyên đán là 20 ngày gồm 10 ngày trước Tết và 10 ngày sau Tết. Cụ thể, từ ngày 21/12 Âm lịch (ÂL) đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức từ ngày 6/2/2018 đến hết ngày 25/2/2018).

Theo dự báo của BXMT, trong dịp Tết năm nay, lượng khách qua bến có thể tăng từ 5 – 7% so với Tết Đinh Dậu. Lượng khách tập trung đông chủ yếu từ ngày 27 - 30 Tết. Điển hình trong ngày 27, 28 Tết năm nay, dự báo có khoảng 64.000 lượt khách qua BXMT. Còn tại BXMĐ, dự báo lượng khách tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và tăng cao từ ngày 22 - 28 Tết, đặc biệt là các ngày 25 - 27 Tết, lượng khách có thể lên đến trên 50.000 lượt (tăng 245% so với ngày thường).

Ông Kiều Nam Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV BXMĐ cho biết: “Thời gian bán vé trước tại BXMĐ là từ ngày 6/1/2018 đến hết ngày 11/2/2018 cho khách đi từ ngày 24/12 ÂL đến 28/12 ÂL (nhằm ngày 9/2/2018 đến ngày 13/2/2018). Về giá vé tăng từ 20% - 60%, tùy tuyến và ngày đi”.

Tương tự, tại BXMT, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe miền Tây cho biết: “Về mức phụ thu và thời điểm phụ giá vé chiều xe chạy rỗng, qua thống kê các năm thì trong dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị vận tải kê khai mức phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường. Riêng tuyến đường có cự ly trên 400 km phụ thu không quá 60% và thời gian phụ thu trong 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết). Cụ thể từ ngày 27/12 ÂL đến hết ngày mùng 2 Tết (tức từ 12/2/2018 đến hết ngày 17/2/2018)”.

leftcenterrightdel
 Người dân nên cẩn trọng để tránh mua phải vé tàu giả

Đối với các nhà xe tự bán vé, “Bến đề nghị các doanh nghiệp vận tải không để tình trạng khách xếp hàng chờ đợi lâu và kéo dài trong nhiều ngày. Đồng thời, không được bán vé vượt quá năng lực phương tiện của doanh nghiệp mình, không được bán nhiều tài cùng có giờ xuất bến trên một tuyến đường và phải đảm bảo thời gian giãn cách giữa các nốt (tài) tối thiểu là 15 phút (trừ các tuyến đường thuộc khu vực TP.Vũng Tàu). Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tổ chức bán vé cho hành khách qua mạng”, ông Thành cho biết thêm.

Nỗi lo “xe dù bến cóc”

Hiện nay, vé tàu Tết được xem là khan hiếm nhất. Thực tế, PV vào trang web của ngành đường sắt đặt chặng đi Sài Gòn – Vinh vào ngày 11/2/2018 (tức 26 Tết) thì không thể đặt được chỗ ở tất cả mác tàu. Dù còn vài chỗ nhưng cũng hiển thị màu vàng (đang giao dịch). Dù lãnh đạo ngành đường sắt cho biết, vẫn còn vé nhưng thực chất để mua được vé tàu Tết trong thời điểm này là cực kỳ khó khăn.

Trong khi đó, một số đối tượng “cò”, phe vé vẫn chào mời và khẳng định có vé, bất kể thời điểm nào dù không còn cảnh nhốn nháo trước cổng ga Sài Gòn như trước đây bởi các đối tượng này đã hoạt động kín kẽ hơn. PV đã tiếp cận người tên Gái, một “cò” từng hoạt động trước cổng ga trước đây thì đối tượng này khẳng định, vé vẫn còn. “Cứ cho biết ngày đi, chị sẽ lấy cho nhưng phải đóng chênh lệch 200.000 đồng/vé”, bà Gái nói.

“Đối với vé giả cũng có nhiều loại. Có thể các đối tượng này lấy vé đã sử dụng rồi chỉnh sửa tên, ngày đi tàu, loại giường... theo yêu cầu của khách. Hoặc cũng có thể làm giả hoàn toàn bằng việc thiết kế, in ấn mới...”, một người am hiểu về vé tàu cho biết.

Trước thực trạng này, đại diện Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn khuyến cáo, hành khách đi tàu trong dịp Tết: “Không mua vé qua các đối tượng trung gian “cò mồi, chợ đen” mà chỉ mua vé qua website của ngành đường sắt. Hoặc mua trực tiếp tại các cửa bán vé của các ga hoặc tại các đại lý bán vé của đường sắt Việt Nam để tránh tình trạng mua phải vé giả, vé không đúng thông tin, vé bị cạo sửa giá vé, ngày đi tàu (không có giá trị đi tàu)”.

Trong khi đó, tại các hãng hàng không, tình trạng giả website diễn ra nhan nhản, khiến hành khách như rơi vào ma trận. Điển hình, có hàng loạt website mang tên Vietnam Airlines giả mạo đang hoạt động. Ví như trang http://vietnamairlinesxxx.com, khi PV truy cập thấy giao diện gần giống với trang của hãng Vietnam Airlines. Tiến hành đặt vé, với chặng bay từ TP.HCM đi Vinh ngày 13/2/2018 còn rất nhiều giờ bay. Giờ bay trong ngày có giá cao ngất ngưởng. Điển hình, giá vé bay vào lúc 6 giờ 55 phút hay lúc 17 giờ 55 phút thì đều có giá 4,4 triệu đồng/vé. Thậm chí bay lúc 0 giờ 45 phút cũng có giá 3,15 triệu đồng/vé.

Thực tế, nếu nhìn kỹ thì rất dễ phát hiện đây là trang website “nhái”, bởi số hotline có tới 4 số di động, hơn nữa dù để tên liên hệ Vietnamairlines nhưng lại ghi mã số thuế của một công ty (ở quận Gò Vấp, TP.HCM). Hơn nữa, trên trang này còn có bộ lọc với rất nhiều hãng khác đang khai thác đường bay tại Việt Nam.

Trong khi đó, đối với phương tiện là xe, tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn còn nóng trong dịp Tết năm nay. Thực tế, theo ghi nhận của PV, tại các cung đường như Tản Đà, Lê Hồng Phong, An Bình... (quận 5), 3/2 (quận 10), Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú)... đang có hàng loạt nhà xe hoạt động, đón trả khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ông Thành cũng nhận định: “Điển hình, các tuyến thuộc tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, Bình Định cũng có nhu cầu lớn nhưng hành khách tập trung vào các tụ điểm “xe dù” thuộc các khu vực quận 1, 5, 10, Tân Phú và Tân Bình, bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh để đi lại”.

Hoa Việt

Tết Dương lịch năm 2018 rơi vào các ngày nghỉ cuối tuần, nhiều người được nghỉ 3 ngày liên tục (từ ngày 30/12/2017 đến hết ngày 1/1/2018), do đó, BXMT dự báo lượng hành khách tăng từ 5%-8% so với lượng hành khách đi lại dịp Tết Dương lịch năm 2017 và tăng từ 60%-70% so với ngày thường, ước tính hành khách có thể lên tới 50.000 khách/ngày. Trong khi đó, tại BXMĐ, dự báo lượng hành khách sẽ tăng nhưng không cao trên một số tuyến đường từ Quảng Ngãi trở vào các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên…