Liên quan đến việc điều chỉnh giá cước vận tải khi giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua, ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết khi giá xăng dầu giảm trên 5% thì các đơn vị vận tải và khách hàng thuê vận chuyển sẽ thương thảo giá cước để đảm bảo quyền lợi đôi bên.
 


Mỗi doanh nghiệp vận tải sẽ có mức giảm và thời gian giảm khác nhau. Trong vài ngày tới, Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố sẽ họp bàn đưa ra mức giảm giá chung, trên cơ sở đó khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng giảm giá cước.

Về cước vận chuyển bằng taxi, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi thành phố, đa phần các hãng taxi lớn đều chủ trương giảm giá từ 500 đồng/km trở lên. Hiện, các hãng xe đang hoàn tất thủ tục để việc giám giá được thực hiện từ thứ 5, thứ 6 trong tuần này.

Trong khi đó, theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe miền Đông, đã có 5-7 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước với mức giảm 5-7%, chủ yếu tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu vì đây là tuyến có mặt bằng giá cao hơn so với nhiều tuyến khác.

Ông Thượng Thanh Hải cho rằng việc doanh nghiệp giảm giá vé theo giá xăng dầu giảm sẽ không nhiều vì doanh nghiệp phải cân đối chi phí vận tải đường bộ liên quan.

Việc giảm giá lần này không hẳn vì giá nhiên liệu giảm mà vì doanh nghiệp muốn tranh thủ để thu hút khách, tăng khả năng cạnh tranh. Mỗi lần tăng hay giảm giá, doanh nghiệp đều phải tính toán kĩ lưỡng, đó là quyền của doanh nghiệp vận tải.

Dưới góc độ đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, ông Trần Thanh Bảo, Trưởng phòng điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ vận tải Thiên Phú cho biết, từ ngày 4/11, hãng đã giảm 5% giá vé đối với chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh-Long Hải.

Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm, công ty sẽ nghiên cứu để có phương án giảm phù hợp, cân đối với chi phí bảo dưỡng, phí đường bộ…/.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.