Kể từ khi đưa hai cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Lăng Cha Cả và giao lộ Cộng Hoà – Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP.HCM) vào sử dụng, thành phố đã gần như giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe tại hai nút giao thông trên.

Tuy nhiên, lưu thông trên tuyến đường Cộng Hoà (từ Lăng Cha Cả đến mũi tàu Cộng Hoà – Trường Chinh) lại phát sinh “trục trặc”, đó chính là hàng loạt điểm ùn tắc mới. Đâu là nguyên nhân?
 

Dòng người đông đúc trên và dưới cầu vượt giao lộ Cộng Hoà – Hoàng Hoa Thám. Ảnh chụp chiều 15.10. Ảnh: Thanh Hảo
Dòng người đông đúc trên và dưới cầu vượt giao lộ Cộng Hoà – Hoàng Hoa Thám. Ảnh chụp chiều 15.10. Ảnh: Thanh Hảo


“Đưa kẹt xe từ điểm này đến điểm khác”

Ông Phạm Đức Nhuận, ngụ đường Lê Tấn Quốc (một con đường xuyên ngang đường Cộng Hoà ở đoạn cuối), quận Tân Bình nói, trước đây, trên đoạn đường ngắn chưa đầy 2km, tính từ Lăng Cha Cả đến ngã tư Hoàng Hoa Thám của đường Cộng Hoà ngày nào cũng bị kẹt cứng, có khi cả giờ đồng hồ. Khi hai cây cầu trên được đưa vào sử dụng thì lưu thông trên đoạn đường trên chưa hết năm phút đồng hồ. “Thế nhưng đoạn đường từ cơ quan tôi, từ Phan Đăng Lưu về đến Lê Tấn Quốc vẫn không rút ngắn được thời gian, bởi kẹt xe đã chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Vậy cũng như không, xây cầu vượt làm gì”, ông Nhuận bức xúc.

Theo quan sát của ông Nhuận, hiện tại ở nút giao thông Cộng Hoà – Thăng Long, vào giờ cao điểm buổi chiều khi dòng xe từ trung tâm đổ về theo hướng đường Thăng Long ra Cộng Hoà đã ngay lập tức xung đột với lượng xe từ Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ đổ vào Cộng Hoà đi về hướng quận 12, đã khiến khu vực trên thường xuyên xảy ra kẹt xe.

Đó là ở đoạn đầu đường Cộng Hoà, nơi có cầu vượt Lăng Cha Cả, còn ở đoạn đường Cộng Hoà từ ngã tư Hoàng Hoa Thám hướng về mũi tàu Cộng Hoà – Trường Chinh, ít nhất đã xuất hiện thêm ba điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Trong đó, khủng khiếp nhất là khu vực ngay ngã tư Cộng Hoà – Ngô Bệ và Cộng Hoà – Lê Tấn Quốc. Hai ngã tư này chỉ cách nhau khoảng 300m, vậy mà 17 giờ 30 ngày 11.10, để vượt qua 300m của đoạn đường trên, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị phải mất đến hơn 30 phút.

Liên quan đến thắc mắc của ông Nhuận, trong một lần trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, cho rằng: khi đặt một cây cầu vượt tại ngã tư, dòng phương tiện theo một chiều sẽ không bị xung đột – đồng nghĩa với bài toán ùn tắc giao thông tại nút giao thông đó được giải quyết. Tuy vậy, dòng xe trên sẽ chạy nhanh hơn đến một ngã ba, hoặc một ngã tư kế cận và khi đó nút giao kế tiếp sẽ chịu áp lực giao thông lớn hơn thường lệ. Như vậy, bài toán chống ùn tắc giao thông xét về mặt tổng thể đã không giải quyết được. “Cuối cùng, muốn gỡ khó vấn đề này để không lãng phí số tiền đã đầu tư xây cầu vượt thì nhất thiết phải phân làn, phân luồng giao thông hợp lý. Còn không, kẹt xe sẽ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác trên cùng một đoạn đường, đúng như người dân phản ảnh”, ông Nguyên nói.

“Sẽ điều chỉnh lại giao thông ở các đường ngang”

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, phó giám đốc khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (khu 1 – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tuyến đường Cộng Hoà – thuộc sở Giao thông vận tải TP.HCM), đơn vị ông cũng đã nhận thấy những bất cập trong công tác phân luồng, biển báo của các tuyến đường ngang đâm xuyên qua đường Cộng Hoà, kể từ khi đưa hai cầu vượt bằng thép vào sử dụng.

Theo đó, khu 1 cũng đã nghiên cứu và mới hoàn tất phương án phân luồng lại các tuyến đường ngang kể trên để trình sở Giao thông vận tải thông qua. “Theo phương án phân luồng của khu 1, sẽ có một số tuyến đường ngang thành đường một chiều, có những tuyến đường chỉ được rẽ vào chứ không rẽ ra và ngược lại. Đặc biệt, khu 1 sẽ tiến hành rà soát và thay đổi biển cấm, biển báo ở một số ngã ba, ngã tư trên tuyến đường Cộng Hoà cho phù hợp”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, phương án phân luồng mà khu 1 trình sở Giao thông vận tải đã được sở này chấp thuận về cơ bản. Theo một cán bộ phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông (sở Giao thông vận tải), phương án trên thực tế đã được sở thông qua nhưng khu 1 phải chỉnh sửa lại đôi chút cho phù hợp, rồi mới đem vào áp dụng. Tuy nhiên, vị này cho biết: “Do chưa thống nhất hoàn toàn nên chúng tôi chưa thể nói phân luồng cụ thể thế nào, nhưng tinh thần là sẽ biến một số tuyến đường xuyên ngang đường Cộng Hoà thành đường một chiều để hạn chế xe cộ đấu đầu nhau gây nghẽn vào giờ cao điểm. Còn thời gian áp dụng thì tôi nghĩ sẽ sớm thôi, vì trong ngày hôm nay (tức 15.10 – PV) chúng tôi yêu cầu khu 1 chỉnh sửa một số điểm và áp dụng ngay”.
 

Theo SGTT

.