Năm 2008, tuyến tỉnh lộ 4 được khởi công xây dựng đem lại niềm phấn khởi cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân ở huyện Krông Nô và Đắk Glong.

 


Hiện tại, tuyến tỉnh lộ 4 đang bị xuống cấp ngày một trầm trọng. Điển hình tại đoạn từ km 54 đến km 55 thuộc xã Quảng Phú được sửa chữa nhiều lần nhưng đã hư hỏng hoàn toàn. Đoạn từ km 59 đến km 64 thuộc xã Quảng Phú và xã Đắk Nang cũng bị hư hỏng không kém.

Hầu hết mặt đường nhựa ở đoạn này đều bị phá hỏng, đùn sang hai bên đường tạo thành 2 rảnh sâu hoắm, rất nguy hiểm, nếu người điều khiển phương tiện không giảm tốc độ tối đa và thiếu quan sát. Trong đó, đoạn nằm ở chân đèo 52 thuộc km 59 nền đường bị sụt lún, cày xới, gây mất an toàn giao thông. Vào những lúc trời mưa thì đoạn đường lầy lội, xe chở hàng nông sản, hàng hóa khác đều rất khó lưu thông.

Tại đoạn km 68 thuộc thôn Phú Mỹ, xã Đắk Nang, mặt đường nhựa đã bị phá vở kết cấu hoàn toàn, tạo nên những hố sâu khổng lồ, cản trở việc đi lại và tiềm ẩn xảy ra các vụ tai nạn giao thông.

Bà Doãn Thị Thiều, sống ở thôn này phản ánh: “Trước đây, đường được rải nhựa nên người dân đi lại rất thuận tiện cũng như giao thương hàng hóa. Nhưng thời gian qua, với mật độ hoạt động dày đặc của xe chở cát thì đường càng ngày xuất hiện nhiều ổ “voi”, ổ “hà mã”. Mùa nắng cũng như mùa mưa, đoạn đường này đều bị ngập nước, vì những ổ “voi”, ổ “hà mã” trở thành những "ao hồ" và cũng là cái bẩy chết người. Hiện nay, đường còn khó đi hơn cả đường rừng và nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Còn đoạn từ Km 80, 87 thuộc địa bàn xã Nâm N’đir thì mặt đường nhựa bị rạn nứt, đất đá trồi lên lởm chởm…

Cần giải pháp khắc phục lâu dàiI

Một thực tế lâu nay ai cũng biết nguyên nhân dẫn đến đoạn đường này xuống cấp, đó là tình trạng xe quá tải. Đặc biệt, các phương tiện chở nguyên vật liệu xây dựng quá tải gấp 3 đến 4 lần so với trọng tải thiết kế nên làm hư hỏng đường rất nhanh chóng. Theo ước tính, trong hơn 2 năm qua, hàng trăm ngàn lượt xe chở cát quá tải cày ải trên tuyến đường này.

Theo báo cáo mới đây của Sở Giao thông - Vận tải gửi cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thì còn nêu rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tuyến đường này xuống cấp. Cụ thể, cơ chế quản lý dự án nhiều tầng nấc, quy định trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ, chồng chéo giữa các đơn vị nên kéo dài thời gian trong thi công. Bên cạnh đó, Ban quản lý Dự án 1, đại diện cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, thiết kế của nước ngoài ở xa, không thường xuyên có mặt để giám sát, dẫn đến công trình kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn khi đưa vào sử dụng.

Không chỉ vậy, đơn vị tư vấn thiết kế đã không đánh giá đúng về địa chất để đưa ra các phương án xây dựng phù hợp, dẫn đến nhiều đoạn bị sụt lún như đã nêu trên. Minh chứng cho điều này, đó là nhiều đoạn đường thuộc địa phận xã Quảng Phú, Đắk Nang có nền đường chủ yếu là đất sét, thường hay ngập nước, địa hình chia cắt mạnh, chế độ thủy nhiệt bất lợi, nhưng không kịp thời thay thế vật liệu phù hợp là sai kỹ thuật trong nguyên tắc xây dựng của ngành cầu đường.

Một nguyên nhân nữa là nguồn kinh phí hạn hẹp, thiết kế công trình theo yêu cầu của nhà tài trợ, nên kết cấu móng, mặt đường có sức chịu tải thấp, chỉ tương đương với đường giao thông nông thôn, không phù hợp với quy mô xây dựng đối dự án như tuyến tỉnh lộ 4.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nhân Bản, Phó giám đốc sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Việc thiết kế áo đường chỉ 2 lớp có độ dày 30 cm và thảm mặt nhựa là 2 cm như hiện nay là không phù hợp với tải trọng theo quy định. Để đảm bảo cho tuyến đường sử dụng về lâu, về dài cần phải nâng cấp kết cấu áo đường nhằm chịu tải mô đun đàn hồi lớn.

Bên cạnh đó, những đoạn bị ngập úng, nền đường là đất sét, có địa hình chia cắt thì phải thiết kế bằng đường bê tông cốt thép mới bề vững. Hiện nay, đơn vị đang kiến nghị Bộ Gia thông - Vận tải sớm phân bổ nguồn kinh phí, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục những đoạn sạt lở và sửa chữa những đoạn hư hỏng”.

 

Theo Báo Đak Nông

.