(BVPL) - Tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Đồng Nai là tuyến giao thông thuỷ đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu hoạt động phương tiện thủy nội địa và tàu biển có trọng tải đến 5.000 DWT vào các cảng biển của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Tuy nhiên, theo bình độ hiện trạng cũng như thực trạng lưu thông thời quan qua thì tuyến luồng thủy nội địa quốc gia sông Đồng Nai tồn tại nhiều vị trí khan, cạn không đủ độ sâu và độ rộng để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hoạt động giao thông thủy và tiêu thoát lũ. Do đó, từ năm 2010, Bộ Giao thông Vận tải đã thuận theo chủ trương thực hiện nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng kết hợp thanh thải chướng ngại vật trên sông Đồng Nai theo hình thức xã hội hoá, kêu gọi các doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện.
Tuyến đường thuỷ sông Đồng Nai có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường thủy này kết nối các tỉnh khu vực thượng lưu như Bình Dương, Đồng Nai với các tỉnh hạ lưu như Hồ Chí Minh với Bà Rịa – Vũng Tàu và toàn bộ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Trên tuyến đường thuỷ này có các cảng lớn như Long Bình, Trường Thọ.. có vị trí vô cùng đặc biệt về giao thông và tiềm năng kinh tế vô cùng lớn.
|
Đội thi công của Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước đang thực hiện nạo vét bùn, cát bùn trên khu vực đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai. |
Tuy nhiên, tình hình khai thác tuyến luồng sông Đồng Nai thời gian qua có nhiều bất cập vì chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải đi lại. Trên tuyến luồng tồn tại một số đoạn cong có bán kính nhỏ, cua gấp, không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, trên luồng còn rất nhiều khu vực cạn, không đủ độ sâu cho tàu thuyền qua lại như khu vực Cù lao Ba Xang, Cù lao Ba Xê… theo đó các chuyên gia nhận định sẽ là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn, mất an toàn giao thông khu vực.
Cùng với lượng hàng hoá gia tăng cùng với nhu cầu lưu thông của các tàu có trọng tải lớn, có tính năng kỹ thuật hiện đại lưu thông trên tuyến luồng này trong thời gian tới, nhu cầu nạo vét phân luồng trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia sông Đồng Nai là cần thiết nên từ những năm 2010 đến nay, Bộ GTVT đã giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo và chọn ra các Chủ đầu tư có năng lực thực hiện. Từ năm 2010, Bộ GTVT đã giao cho Công ty cổ phần hàng hải và đầu tư Hiệp phước làm chủ đầu tư dự án này.
Ngày 6/3/2013, tại cuộc họp về thực hiện các dự án xã hội hoá nạo vét luồng đường thuỷ nội địa quốc gia sông Đồng Nai kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước của Công ty cổ phần hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước (đoạn từ cầu rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai) và Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng (đoạn từ km 34+300 đến km 47+500 và đoạn từ km70+500 đến km98+500), Thứ trưởng Trương Tấn Viên đánh giá cao ý nghĩa của dự án và sự cố gắng của chủ đầu tư trong quá trình thi công thực hiện dự án này theo hình thức xã hội hoá, tự bỏ kinh phí nạo vét, duy tu, nâng cấp, thanh thải chướng ngại vật trên tuyến luồng đường thuỷ và được tận thu sản phẩm nạo vét sử dụng để bù đắp chi phí, không sử dụng vốn ngân sách.
Theo đó, Thứ trưởng Trương Tấn Viên khẳng định, theo bình đồ hiện trạng tuyến luồng do Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đo đạc tháng 12/2013, bình đồ do nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đo đạc tháng 10/2013 và tháng 1/2013 thì tồn tại nhiều vị trí khan cạn không đủ độ sâu và độ rộng để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hoạt động giao thông thuỷ và tiêu thoát lũ (đặc biệt là cù lao Ba san). Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ hàng hải Đồng Nai báo cáo yêu cầu cho tàu biển đến 5.000 DWT hoạt động thường xuyên trên tuyến luồng này là cần thiết nhưng do khan cạn nên không hoạt động liên tục, phải chờ đợi thuỷ triều. Trên thực tế đã xảy ra các vụ việc tàu mắc cạn dẫn đến tai nạn hàng hải, hư hỏng phương tiện, ách tắc giao thông. Vì vậy việc nạo vét, duy tu luồng đảm bảo an toàn cho phương tiện thuỷ và tàu biển có trọng tải đến 5.000 DWT là cần thiết.
Ngoài việc phân công trách nhiệm cho các cơ quan liên quan như Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam, Vụ kết cấu hạ tầng giao thông, Sở TN&MT Đồng Nai, Sở TN&MT TP.HCM… Thứ trưởng cũng yêu cầu Công ty cổ phần hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước và Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng phải chủ động đo đạc, rà soát lại hồ sơ dự án, xác định rõ các khu vực cần nạo vét, đặc biệt là ưu tiên nạo vét các đoạn cạn khu vực gần cù lao Bassan để cung cấp cho các cơ quan liên quan xem xét chấp thuận và tổ chức dự án đúng phạm vi, chuẩn tắc, thời gian và các yêu cầu cần thiết khác.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trương Tấn Viễn, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức khảo sát, rà soát lại các khu vực nạo vét. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam khẳng định theo bình đồ hiện trạng đo đạc tháng 3/2014 và thực tế lưu thông đoạn từ Rạch Ông Nhiêu đến hạ lưu cầu Đồng Nai và km 34+300 đến 47+500 thượng lưu cầu Đồng Nai có nhiều đoạn cần thiết phải nạo vét do cao độ đáy luồng không đảm bảo chiều sâu cho tàu có tải trọng 5.000 tấn lưu thông. Do đó, Cục ĐTVN đề nghị Bộ GTVT tiếp tục cho phép Công ty cổ phần Hàng Hải và Đầu tư Hiệp Phước, Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng tiếp tục thực hiện nạo vét.
Ngày 20/8/2014, Sở TN&MT TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Hàng Hải và Đầu tư Hiệp Phước được đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét (cát, bùn cát, bùn sét).
Vai trò của Công ty cổ phần Hàng Hải và Đầu tư Hiệp Phước, Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng càng quan trọng hơn nữa khi mới đây nhất Bộ GTVT đã ban hành Thông tư công bố vùng Cảng Đồng Nai là cảng biển Quốc gia loại I và được phép tiếp nhận tàu biển nước ngoài, tàu biển Việt Nam ra vào xếp dỡ hàng hoá XNK phục vụ các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đồng Nai, tuyến luồng từ ngã ba Rạch Ông Nhiêu đến chân cầu Đồng Nai độ sâu luồng, khu neo đậu, phao đèn phục vụ chạy tàu ban đêm, hải đồ….còn hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động ra vào của các phương tiện, nhất là các tàu biển, tàu nước ngoài gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế hàng hải của tỉnh. Nên UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Bộ GTVT xem xét chuyển tuyến luồng từ ngã ba Rạch Ông Nhiêu đến chân cầu Đồng Nai từ tuyến luồng thuỷ nội địa thành tuyến luồng hàng hải. Ý kiến này đã được Bộ GTVT chấp thuận và ban hành quyết định 4687/QĐ-BGTVT ngày 11/12/2014 về việc chuyển tuyến luồng đường thuỷ nội địa sông Đồng Nai, đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến hạ lưu cầu Đồng Nai thành tuyến luồng hàng hải và giao Cục hàng hải Việt Nam tổ chức quản lý, sử dụng. Theo đó, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Cục hàng hải Việt Nam rà soát, hướng dẫn Công ty cổ phần hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước tiếp tục thực hiện dự án xã hội hoá nạo vét, duy tu, nâng cấp tuyến luồng sông Đồng Nai đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 5.000 DWT và phương tiện thuỷ hoạt động an toàn, liên tục, đúng quy định pháp luật.
Thanh Phong
1. Dự án “Nạo vét duy tu và nâng cấp tuyến luồng đường sông Đồng Nai đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai” của Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho thực hiện tại công văn số 8953/BGTVT-KCHT ngày 20/12/2010 và công văn số 5149/BGTVT-KCHT ngày 24/8/2011.
2. Căn cứ ý kiến kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Thông báo số 383/TB-BGTVT ngày 16/7/2012 về việc thực hiện nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng kết hợp thanh thải chướng ngại vật trên sông Đồng Nai theo hình thức xã hội hoá, kêu gọi các doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện; ý kiến đề xuất của Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam và ý kiến thống nhất của UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Dương, ngày 3/1/2013 Bộ GTVT đã đồng ý, chấp thuận giao cho Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng tiến hành các thủ tục để thực hiện nạo vét, duy tu, cải tạo, nâng cấp và thanh thải chướng ngại vật trên tuyến luồng trên tuyến luồng đường thuỷ nội địa quốc gia sông Đồng Nai.
|