Sức ép phí BOT
Cập nhật lúc 00:58, Thứ tư, 01/06/2016 (GMT+7)
Mặc dù có rất nhiều ý kiến bất đồng từ phía dư luận xã hội về mức phí BOT quá cao, song nhiều trạm thu phí BOT vẫn tiếp tục có kế hoạch tăng phí. Cụ thể, mới đây nhất, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 – Hòa Lạc – Hòa Bình vừa thông báo điều chỉnh mức phí tại trạm thu phí Km42+730 (Lương Sơn, Hòa Bình) từ ngày 1/7 tới. Trước đó, ngày 5/5, tuyến đường BOT Hà Nội - Bắc Giang cũng đã tăng phí BOT từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi lượt xe. (sức ép, tăng phí, quá cao, thiếu minh bạch, phí BOT)
Mặc dù có rất nhiều ý kiến bất đồng từ phía dư luận xã hội về mức phí BOT quá cao, song nhiều trạm thu phí BOT vẫn tiếp tục có kế hoạch tăng phí. Cụ thể, mới đây nhất, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 – Hòa Lạc – Hòa Bình vừa thông báo điều chỉnh mức phí tại trạm thu phí Km42+730 (Lương Sơn, Hòa Bình) từ ngày 1/7 tới. Trước đó, ngày 5/5, tuyến đường BOT Hà Nội - Bắc Giang cũng đã tăng phí BOT từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi lượt xe.
Bức xúc vì phí cao, mật độ dày đặc
Nhiều dự án khác như Dự án BOT quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long được Công ty Cổ phần Phát triển Đại Dương (nhà đầu tư) kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh mức thu phí từ ngày 1/6 tới để hoàn vốn cho dự án. Theo đại diện Công ty Đại Dương, dự án này dự kiến tăng theo lộ trình từ 1/1/2016, song cuối năm 2015, Bộ Giao thông đã có văn bản đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến ngày 1-6. Do đó, trạm thu phí BOT quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long theo hợp đồng đã ký sẽ tăng phí từ thời điểm này.
Còn đối với công ty TNHH BOT QL6 – Hòa Lạc – Hòa Bình, sau thời gian tạm hoãn việc tăng phí sử dụng đường bộ, Công ty này cũng sẽ điều chỉnh giá vé đối với các loại phương tiện lưu thông qua trạm thu phí Km42=730 QL6 bằng mức giá vé kể từ ngày 1-1-2016 trở đi theo quy định tại Thông tư số 122/2015/TT – BTC ngày 18/8/2015 của Bộ Tài chính, cụ thể, mức vé được tăng từ 35.000 đến 200.000 đồng/ lượt cho mỗi loại xe có trọng tải khác nhau.
Ngoài việc thu phí cao, thu dồn dập, các trạm thu phí BOT còn khiến dư luận hết sức bất bình vì sự thiếu minh bạch, nhập nhèm thông tin. Đơn cử như có tuyến đường BOT, nhà đầu tư nói 1 ngày thu 1 tỷ đồng tiền phí nhưng dư luận phản ánh là thực tế số tiền thu được tới 3 - 4 tỷ đồng. Chính những bất cập nói trên đang khiến cho cộng đồng DN, dư luận xã hội không đồng tình với các chủ trương lộ trình tăng phí của các trạm BOT hiện nay. Tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa được ban hành, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, rà soát mức phí đường bộ, phí BOT, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là các DN kinh doanh dịch vụ vận tải.
Trong một diễn biến khác, tại thông điệp về kiểm soát lạm phát của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra, có yêu cầu về việc các dự án BOT phải minh bạch, tính đủ, đúng, chặt chẽ tổng mức đầu tư để xác định mức phí và thời hạn thu phí. “Trước mắt, Chính phủ đồng ý với Bộ Giao thông vận tải chưa tăng giá phí BOT, thực hiện giãn tăng giá, tránh gây sức ép tới giá cả” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
|
Các dự án BOT phải minh bạch, tính đủ, đúng, chặt chẽ tổng mức đầu tư để xác định mức phí và thời hạn thu phí Ảnh: D. Phương. |
Không có vùng cấm
Trao đổi với Đại Đoàn Kết chiều 30-5 về việc tới đây, một số chủ đầu tư vẫn rục rịch tăng phí BOT theo lộ trình, sau khi đã có một thời gian tạm hoãn như trường hợp của Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 – Hòa Lạc – Hòa Bình, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: Thông tin mới nhất tôi nhận được thì chủ đầu tư BOT tuyến cao tốc Ninh Bình – Cầu Giẽ (TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - PV) đã có quyết định ngừng tăng phí BOT. Còn một số trạm thu phí khác tôi chưa nắm được thông tin, có thể nếu theo lộ trình đã được phê duyệt là vẫn tăng giá từ ngày 1-7 tới, nhưng đấy chỉ là kế hoạch.
Nói về thực trạng nhiều trạm thu phí BOT được xây dựng quá gần nhau, không đúng với quy định khoảng cách 70km/trạm thu phí cũng như mức phí quá cao, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã hứa rằng sẽ rà soát lại các trạm thu phí cũng như rà soát lại mức phí để có một mật độ (khoảng cách giữa các trạm thu phí) và mức phí hợp lý, giúp cho cộng đồng DN, người dân “nhẹ gánh” thuế phí.
Ông Liên cũng bày tỏ sự bức xúc khi nói về những biểu hiện thiếu minh bạch liên quan đến các dự án BOT. Ngoài trường hợp chủ đầu tư thu được 3,4 tỷ đồng nhưng lại nói là chỉ thu được 1 tỷ mà báo chí công bố thời gian qua, theo ông Liên, ngay cả các bản hợp đồng dài tới 100 trang mà vẫn còn có những điều khoản ghi rõ là “bảo mật”. Ông Liên cho rằng: “Vấn đề gì cũng vậy, nếu vẫn còn tình trạng nhập nhèm thông tin, không minh bạch thì chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận của công chúng và từ đó sẽ phát sinh những hệ lụy như chúng ta đã chứng kiến đối với các dự án BOT hiện nay”.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức về Nghị quyết 35, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng đã khẳng định: Người dân, DN và Chính phủ hoàn toàn có quyền yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các cơ quan thẩm định dự án BOT, công khai tuyệt đối giá thành công trình và phí, không có vùng cấm.
Bộ Tài chính không muốn thành lập Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn dự án BOT đường bộ
Bộ Tài chính vừa có ý kiến không đồng tình với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn đầu tư cho nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ do thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, không phù hợp với quy định hiện tại.
Bộ Tài chính nêu quan điểm, theo quy định hiện hành, các dự án đường bộ được lựa chọn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT phải đảm bảo phương án thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trường hợp dự án không có khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư, Nhà nước sẽ xem xét sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước để tham gia hỗ trợ đảm bảo phương án tài chính cho dự án. Đồng thời, theo Bộ Tài chính, hiện không có quy định về bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư.
Trước đó trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các dự án BOT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị giao Bộ Tài chính thành lập một loại quỹ với tên gọi Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn đầu tư cho các dự án BOT đường bộ. Nguồn thu của Quỹ được trích từ phí sử dụng đường bộ, tức tiền người dân, doanh nghiệp phải trả ở những trạm thu phí. |
Theo Đại đoàn kết
.