Hai cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất tại nút giao đường Trường Sơn (trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất) và vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm dự kiến sẽ thông xe một phần vào ngày 3.7, để giảm ùn tắc giao thông (UTGT) cho khu vực sân bay.
|
Cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (nhánh Hoàng Minh Giám – Nguyễn Thái Sơn) sẽ được đưa vào sử dụng từ ngày 3.7 Ảnh: M.Q |
Thông tin trên được GĐ Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết tại buổi họp đánh giá tình hình triển khai các giải pháp tại 37 điểm UTGT trên địa bàn TPHCM chiều 19.6.
Theo ông Bùi Xuân Cường, hiện Sở đang tập trung triển khai các biện pháp cấp bách giảm UTGT tại một số khu vực có tình trạng giao thông phức tạp như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái,…
Trong đó, dự kiến ngày 3.7 tới, công trình cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài và cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (nhánh Hoàng Minh Giám – Nguyễn Thái Sơn) sẽ được đưa vào sử dụng (vượt tiến độ 2 tháng).
Bên cạnh đó, một dự án cấp bách khác là hai nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt cũng được thông xe vào ngày 29.6 (sớm 5 tháng so với kế hoạch).
Ba dự án trên đều là những dự án cấp bách, khi hoàn thành sẽ giảm kẹt xe cho cả khu vực. Trong đó, các cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất khi xây dựng xong sẽ phân luồng xe đi phía trên và phía dưới nên sẽ giảm ùn tắc.
|
Các cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất khi xây dựng xong sẽ giảm ùn tắc cho sân bay Ảnh: M.Q |
Theo báo cáo của Sở GTVT, trong 37 điểm ùn tắc, 25 điểm có chuyển biến tốt, 2 điểm ít chuyển biến và 10 điểm còn phức tạp.
Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TPHCM- cho rằng, ngoài 37 điểm ùn tắc Sở GTVT đưa ra, còn một số điểm ùn tắc khác như khu vực cầu Chà Và, Nhị Thiên Đường, ngã 6 Gò Vấp, vòng xoay Quách Thị Trang, khu vực cầu Chánh Hưng, Quốc lộ 1 khu vực cầu Bình Điền…
Trung tá Huỳnh Trung Phong nhìn nhận, thực tế hiện nay không thể ngăn dòng phương tiện lưu thông mà phải chấp nhận mật độ giao thông thành phố ngày càng tăng cao. Vì vậy, cần có các giải pháp làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho dòng phương tiện lưu thông.
Trung tá Phong cho biết, các điểm UTGT hiện nay chủ yếu xảy ra tại các giao lộ, từ đó gây nên hỗn loạn, làm ùn tắc dây chuyền. Vì vậy, giải pháp trước mắt là dùng sức người để hạn UTGT tại các giao lộ. “CSGT cam kết không để hỗn loạn tại giao lộ, tuy nhiên, không cam kết thông suốt toàn tuyến. Bởi đây là bài toán khó và đòi hỏi sự ra quân đồng bộ của toàn lực lượng. Song song đó, cần gắn trách nhiệm cho từng cá nhân nếu để xảy ra UTGT trên địa bàn mình quản lý” – ông Phong nói.
Về lâu dài, theo trung tá Huỳnh Trung Phong, cần phải có sự theo dõi toàn diện, thống kê, đánh giá các giải pháp, làm tốt công tác tổ chức giao thông và đặc biệt là tăng cường tuyên truyền...
Theo M.Q/Lao động