Rà soát biển báo để giảm tai nạn giao thông
Cập nhật lúc 12:06, Thứ hai, 01/07/2013 (GMT+7)
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lên kế hoạch tổng rà soát, điều chỉnh, thay thế hệ thống biển báo hiệu nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Đây là một nhiệm vụ cấp bách để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) đang có chiều hướng tăng cao. Dự kiến, việc triển khai được tiến hành tại tất cả các đơn vị đường bộ và trên toàn bộ 17 nghìn km đường quốc lộ.
Theo đó, hạng mục biển báo và hệ thống ATGT tại các hồ sơ mời thầu, chỉ dẫn kỹ thuật thi công các dự án (xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ) được tiến hành rà soát, kiểm tra. Nếu xét thấy chưa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, phải sửa lại thiết kế, điều chỉnh hạng mục.
Trên các tuyến quốc lộ, sẽ tiến hành rà soát, thống kê các biển cần phải điều chỉnh nội dung và kích thước hình vẽ, con số theo đúng quy định hiện hành. Trên các đoạn tuyến có thiết kế 4 làn xe trở lên, các vị trí bố trí cột công son hoặc giá long môn sẽ được đề xuất để cắm bổ sung biển báo hiệu. Thay mới biển báo sử dụng màng phản quang phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia về Màng phản quang dùng cho báo hiệu đường bộ. Rà soát, thống kê chi tiết, đề xuất bổ sung những vị trí còn thiếu đối với hệ thống ATGT như: vạch sơn, hộ lan tôn sóng, dải phân cách và tường phòng hộ.
Các nhà đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác đường bộ theo hình thức BOT, BTO cũng được yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc đầu tư thay thế đối với biển báo hiệu đường bộ và hệ thống đảm bảo ATGT đường bộ chưa đúng quy định. Các đơn vị tư vấn thiết kế công trình đường bộ phải nghiêm túc thực hiện đúng và đầy đủ nội dung về thiết kế hệ thống ATGT đường bộ, đặc biệt là hệ thống biển báo hiệu đường bộ theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng biển báo cần điều chỉnh thay thế và bổ sung mới là rất lớn. Toàn hệ thống quốc lộ hiện có 103.777 biển báo, thì có tới 62.371 biển cần điều chỉnh và cần thay thế, bổ sung mới gần 18.500 biển. Tổng kinh phí đầu tư 450 tỉ đồng. Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với khả năng bố trí vốn hàng năm như hiện nay, toàn bộ hạng mục này tích cực cũng cần 5 năm để hoàn thành.
Đến nay, đã có 4 đoạn tuyến quốc lộ hoàn toàn chuẩn về biển báo và hệ thống ATGT, gồm: Km126+250 - Km155+297 QL1; Km916+300 – Km932+900 QL1; Km503+00 – Km590+00 đường Hồ Chí Minh; Km2169+041–Km2231+850 QL1. Tổng chiều dài 4 đoạn tuyến mẫu là 195 km, tổng kinh phí là 40 tỷ đồng.
Tổng cục cũng đã tiếp tục cho phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với 1 số đoạn tuyến thuộc QL6, QL279 (địa bàn Khu QLĐB II); QL1, QL12A, QL9, đường HCM (địa bàn Khu QLĐB IV); QL1(địa bàn Khu QLĐB V); QL1 (địa bàn Khu QLĐB VII).
Với kế hoạch năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư bổ sung 100 tỉ đồng thực hiện thay thế, bổ sung mới những biển báo bắt buộc phải thay thế, bổ sung trên các tuyến đường cho phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia Hiệp định GMS, tháo dỡ ngay các biển không có trong Quy chuẩn mới QCVN41:2012, thay thế những biển báo quá cũ hỏng, đồng thời loại bỏ những biển báo không cần thiết, bổ sung biển báo mới tại vị trí đã gây bức xúc theo phản ánh của địa phương, báo chí.
PV