Hệ thống giao thông tại TP.Vũng Tàu hầu như không có nhiều thay đổi trước sự “bùng nổ” của dân số và các loại phương tiện dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông là điều khó có thể tránh khỏi.

 


Nhiều “điểm nóng”

Lúc 6 giờ 45 phút một ngày cuối năm 2014, tại vòng xoay Bình Giã và đường 30-4 (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu), chứng kiến cảnh xe ô tô và xe máy nối đuôi nhau kéo dài, anh Nguyễn Văn Phúc, chủ một quán cà phê tại giao lộ này cho biết, kể từ khi KCN Đông Xuyên đi vào hoạt động với hàng ngàn công nhân, giờ đi làm và tan tầm, tại đây thường kẹt xe, có khi chỉ va quẹt nhẹ giữa các phương tiện với nhau cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Chị Lê Thị Hà (trú tại phường 11, TP.Vũng Tàu) thường đưa đón con gái đi học vào buổi sáng ở Trường THPT Nguyễn Huệ cũng cho biết, nếu đi qua giao lộ này gặp lúc công nhân đi làm thì hầu như con gái chị đều trễ giờ vào lớp học.

Lúc 11 giờ 15 phút hằng ngày, tại vòng xoay ngã tư Giếng Nước (đoạn gần cổng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (phường 9, TP.Vũng Tàu), khi học sinh của trường này tan học thì giao thông tại đây diễn biến rất phức tạp. Nhiều phụ huynh học sinh đưa đón con em mình dừng đỗ xe máy, xe ô tô dưới lòng đường, nhiều người điều khiển phương tiện đi ngược chiều đường từ đường 30-4 ra đường Nguyễn An Ninh, nhiều phương tiện lưu thông trên đường 30-4 (hướng từ TP.Vũng Tàu đi TP.Hồ Chí Minh) rẽ vào đường Lê Văn Lộc… tạo ra ùn tắc giao thông. Anh Trần Văn Tuấn, một “tài xế” xe honda ôm tại đây cho biết, lúc học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn tan học vào buổi sáng và buổi chiều cũng là lúc tan tầm của công nhân dầu khí nên phương tiện lưu thông tại giao lộ này rất phức tạp, có khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Vào giờ tan tầm trên đường Đồng Khởi (đoạn trước cổng Trường tiểu học Đoàn Kết, phường 1, TP.Vũng Tàu) hay tại các giao lộ Nguyễn Tri Phương-Trương Công Định, vòng xoay ngã Năm (giao lộ Lê Hồng Phong-Bacu-Trương Công Định), vòng xoay Lê Hồng Phong (giao lộ Lê Hồng Phong-Thống Nhất mới) cũng đều diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông tương tự.

Đầu tư mở rộng đường

Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh cho biết, việc ùn tắc giao thông tại TP.Vũng Tàu đã được ngành chức năng khuyến cáo từ lâu nếu không có những giải pháp đồng bộ trong việc mở rộng các trục đường ngang như Nguyễn Hữu Cảnh, Lưu Chí Hiếu, Nơ Trang Long, Bắc Sơn, Đô Lương để nối đường 30-4 với các đường 51B và 3-2 nhằm kéo giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường 30-4 hoặc mở rộng đường Nguyễn Tri Phương (khoảng 200m, đoạn tiếp giáp với đường Trương Công Định). Riêng việc đầu tư nâng cấp đường 30-4, Sở Giao thông - Vận tải đang điều chỉnh quy hoạch – ông Vũ Ngọc Thảo cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng quản lý đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, TP.Vũng Tàu có gần 400km đường giao thông. Trong đó, Sở Giao thông - Vận tải quản lý 96,9km với các tuyến đường 30-4, 3-2, 51B, Lê Hồng Phong, Thùy Vân, Hạ Long, số còn lại hơn 40 trục đường chính và hàng trăm hẻm nhỏ là do TP.Vũng Tàu quản lý. Việc khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.Vũng Tàu, chính quyền và các ngành chức năng của TP.Vũng Tàu đã có nhiều giải pháp như lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, cử lực lượng CSGT Công an TP.Vũng Tàu điều hòa giao thông tại các giao lộ có mật độ phương tiện lưu thông cao, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm dừng đỗ xe dưới lòng đường. Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ là tạm thời, còn về lâu dài, UBND TP.Vũng Tàu sẽ phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải triển khai thực hiện dự án mở rộng đường 30-4 và các trục đường ngang hay đoạn cuối tuyến Nguyễn Tri Phương, có như vậy, ùn tắc giao thông tại TP.Vũng Tàu mới được giải quyết triệt để.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.