Nói về các dự án BOT, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ở nhiều nơi, người dân không có sự lựa chọn, gần như bắt buộc phải sử dụng. Như thế là không công bằng, là không đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân đã được Hiến pháp quy định.
|
Trạm thu phí BOT với giá cao khiến người dân bức xúc (ảnh minh họa) |
Sẽ giám sát các dự án BOT
Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa 14, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.
Theo đó, 1 trong 4 nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giám sát là chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP) do Ủy ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện tại trên cả nước có 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu và đến năm 2030 sẽ là 121 trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình BOT đã gây ra nhiều bất cập, gây bức xức trong nhân dân. Tập trung vào một số vấn đề như thu phí cao làm tăng giá cước vận tải; thu phí không đúng dự án đầu tư, thu bù cho các dự án khác; người dân bị ép buộc, thiếu sự lựa chọn cho người dân và doanh nghiệp khi không có nhu cầu sử dụng dự án BOT; việc bố trí quá nhiều trạm thu phí không đúng khoảng cách theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, dự án chưa đảm bảo tiêu chuẩn thu phí BOT…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lập, thẩm định dự án BOT, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án BOT hiện nay còn nhiều bất cập khiến dư luận bức xúc…
Hơn nữa, Chính phủ quy định nhà đầu tư BOT được huy động vốn, trong đó phần đi vay của ngân hàng theo lãi suất được đưa vào để tính thời gian thu phí hoàn vốn, điều này cho thấy quá trình này rất cần thiết phải có sự giám sát. Đặc biệt, phần lớn các dự án BOT được thực hiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nguồn vốn vay từ ngân hàng, một số lớn dự án được Chính phủ bảo lãnh. Như vậy về bản chất, bảo lãnh của Chính phủ sẽ tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công. Trách nhiệm cuối cùng của khoản vay vẫn thuộc về nhà nước, không đúng với mục đích ban đầu là chuyển dịch trách nhiệm từ nhà nước sang khu vực tư nhân.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân
Tại phiên thảo luận về nội dung giám sát mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất vào ngày 25/7, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đồng tình với 4 nội dụng giám sát mà Thường vụ Quốc hội kiến nghị. Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, rất cần thiết phải đưa chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) vào trong chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2017, bởi đây là vấn đề người dân, dư luận bức xúc, đặc biệt liên quan mật thiết đến các trạm thu phí, mức phí và thời gian giảm phí…
Theo đó, đầu tư BOT, nhất là với đường cao tốc hiện nay vẫn được thực hiện theo nguyên tắc: Đường cao tốc được đầu tư BOT là tài sản của chủ đầu tư, ai sử dụng phải trả tiền. Người dân, doanh nghiệp có sử dụng dự án BOT hay không còn phụ thuộc vào tính tiện ích và quyền được lựa chọn của người dân và doanh nghiệp.
“Hiện nay ở nhiều nơi, người dân không có sự lựa chọn và gần như bắt buộc phải sử dụng đường cao tốc BOT mà không có bất kì sự lựa chọn nào khác. Cụ thể như gần đây, báo chí có nêu hiện tượng chủ đầu tư ngăn cản cầu, đường cũ để buộc người dân phải đi cầu, đi đường BOT, như thế là không công bằng, là không đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân đã được Hiến pháp quy định. Điều này đang làm tăng thêm bức xúc cho người dân. Thông qua công tác giám sát của Quốc hội hi vọng sẽ là cơ sở để tháo gỡ vấn đề này. Qua giám sát sẽ làm minh bạch các vấn đề mà dư luận quan tâm lâu nay như suất đầu tư cao, giá trị công trình, dự án, công tác thu phí và có lợi ích nhóm hay không trong đầu tư BOT”, đại biểu Tô Văn Tám chỉ rõ.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cũng cho rằng các dự án BOT luôn phải đảm bảo tính công khai minh bạch, không có lợi ích cho một nhóm để tạo áp lực lên nền kinh tế, năng lực lưu thông suy giảm vì có quá nhiều trạm thu phí.
“Nếu thu phí đúng người dân sẵn sàng chấp nhận nhưng thu phí không đúng người dân sẽ không chấp hành và phản đối. Qua kiểm tra trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 10 ngày vừa qua đã cho thấy, con số báo cáo mức thu phí bình quân chỉ đạt 35 tỷ đồng/tháng, nhưng trên thực tế, trạm thu phí này đã thu được trên 19 tỷ đồng/ngày, chênh lệch so với báo cáo đến 500 triệu đồng/ngày. Đây mới là kiểm tra 1 trạm, vậy thì với các trạm khác sẽ ra sao? Nếu đối chiếu con số này với gần 60 tỉnh, thành có trạm thu phí BOT, mức phí cũng như thời gian thu phí là quá sức chịu đựng của người dân”, đại biểu Bùi Văn Phương chỉ rõ.
Ngoài ra, đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) cho rằng, BOT trong giao thông không phải là vướng về mặt pháp luật. Pháp luật quy định 70 km có một trạm thu BOT nhưng thực tế lại không làm vậy và do cách tổ chức thực hiện, làm cho người dân phải gánh chịu phí đó và làm cho cạnh tranh của nền kinh tế từ phí vận chuyển, chuyên chở quá lớn ảnh hưởng tới tăng trưởng, nếu không điều chỉnh vấn đề này thì sau này việc đầu tư BOT nó không rõ ràng, minh bạch và không kêu gọi được, bên cạnh đó thì người dân phải gánh chịu phí quá lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống cũng như sự phát triển của đất nước.
“Cái đó quá lãng phí, những công trình đầu tư lớn mà không mang lại hiệu quả, không kích thích tăng trưởng mà số tiền đó đâu chỉ mỗi từ ngân sách, tiền thuế mà còn là tiền vay nước ngoài và cần trả lãi nhiều nơi nếu lãng phí như vậy mà không rà soát, không điều chỉnh, không xử lý thì có tội với nhân dân. Thời gian tới Quốc hội cần có giám sát chặt chẽ những công trình này, đặc biệt những công trình liên tục đội vốn đầu tư... Phải tránh tình trạng đăng ký công trình, chạy vốn hoặc sang tay... Những vấn đề này gây phản cảm lớn cho xã hội. Theo tôi Chính phủ điều hành nên Chính phủ phải sửa vấn đề này trước, góc độ giám sát của Quốc hội cũng phải cho các bộ phận chức năng rà soát, tính toán chặt chẽ và quy trách nhiệm đến cùng các công trình không mang lại hiệu quả” – đại biểu Thuần Phong nhấn mạnh.
Theo Infonet