(BVPL) - Mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 - 10% trong năm 2013 đang gặp nhiều thách thức do số lượng người thương vong vì TNGT từ đầu năm đến nay tăng cao. Không những thế, tình hình trật tự giao thông dịp cuối năm được dự báo sẽ còn nhiều phức tạp do nhu về cầu vận tải tăng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vẫn có thể xoay chuyển nếu thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và quyết liệt.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), thống kê 9 tháng của năm 2013, số vụ và số người bị thương vì TNGT tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng số người chết tăng (tăng 139 người chết, tương đương 2,01%). Nguyên nhân là do trong những tháng đầu năm 2013, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe container tăng. Vì vậy, ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng: “Thời gian tới, cần tập trung siết chặt công tác quản lý để không làm gia tăng TNGT liên quan đến xe khách, vì đây là phương tiện mang theo sinh mạng của rất nhiều người. Ở góc độ cơ quan phối hợp với các ngành, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ về tốc độ thông qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Từ khi Bộ GTVT thực hiện giám sát tốc độ xe khách bằng thiết bị GSHT, tỷ lệ vi phạm đã giảm hẳn như tỉnh: Bắc Ninh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh để vi phạm của xe khách khá phổ biến như: Long An, Tiền Giang... Thời gian tới, cần siết chặt quản lý bằng thiết bị GSHT đồng thời với việc Bộ GTVT tiếp tục kiểm tra tình hình lắp đặt sử dụng thiết bị này tại 63 tỉnh, thành. Nếu chúng ta làm tốt công tác này thì đến cuối năm 2013 sẽ có kết quả khả quan.
Ủng hộ việc “tái cấu trúc” vận tải
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt: “Qua theo dõi các tháng 8 và 9/2013, TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã giảm, nhưng mục tiêu kéo giảm TNGT từ nay đến cuối năm còn rất khó khăn. Trên thực tế theo dõi, mối nguy cơ tiềm ẩn tăng TNGT do xe khách thường vào các ngày Thứ sáu, Thứ bảy, Chủ nhật và Thứ 2. Vào những thời điểm này, lượng hành khách đi trên các tuyến rất đông, do cạnh tranh, kinh doanh vận tải thường vi phạm về tốc độ, chở quá số người… trong đó, tập trung chủ yếu đối với các xe chạy tuyến đường dài trên QL1 và xe liên tuyến. Ngoài ra, đi kèm với đó là do thời tiết xấu và đi vào ban đêm nên làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vận tải sẽ tăng cao, do đó việc phòng tránh và xử lý tình huống trên đường kém dễ dẫn đến xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết: “Một trong những giải pháp có tác động mạnh mẽ nhất thời gian qua là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về các hoạt động vận tải. Bộ GTVT đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra tại 21 địa phương do các Thứ trưởng trực tiếp làm Trưởng đoàn. Qua đó, đã phát hiện và chấn chỉnh các yếu kém trong công tác quản lý hoạt động vận tải… Sắp tới, Bộ GTVT chú trọng việc yêu cầu các địa phương nghiêm túc khắc phục những tồn tại đã được chỉ rõ, đồng thời tiếp tục triển khai việc thanh tra, kiểm tra quản lý Nhà nước ở các địa phương còn lại.
Với tư cách đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp muốn kinh doanh lâu dài, bền vững thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, có uy tín với khách hàng, đảm bảo an toàn cho chính doanh nghiệp và những người tham gia giao thông. Còn lại những doanh nghiệp làm ăn lôm côm, chộp giật thì đã đến lúc cần xử lý triệt để, các cơ quan quản lý sớm chấm dứt việc để doanh nghiệp vận tải khoán trắng cho lái xe, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Cần một cuộc tái cấu trúc trong lĩnh vực vận tải”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết: “Qua theo dõi đối với các doanh nghiệp vận tải lớn, có uy tín thì TNGT xảy ra ít, tai nạn xe khách thường rơi vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, xe khách tư nhân, do đó cần phải tăng cường quản lý, giám sát ở các doanh nghiệp và địa phương là điều quan trọng nhất để hạn chế TNGT”.
PV