(BVPL) - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc cắm biển đón trả khách trên đường tạo thuận lợi cho hành khách và giúp chủ xe bán thêm vé, tăng thêm doanh số.

 

 
Theo ông Liên, một số doanh nghiệp vận tải phản ánh nhiều lúc xe xuất bến không có khách nào, song không được đón khách trên đường khiến họ rất khó khăn. Còn nếu đón khách trên đường, lái xe sẽ bị cảnh sát giao thông phạt từ 1 đến 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày. Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu xuống xe dọc đường, muốn đi xe phải mua vé trả tiền cho toàn tuyến, gây thiệt thòi cho họ.
 
Do vậy, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị Tổng cục Đường bộ quy hoạch toàn bộ quốc lộ để quy định các điểm đón trả khách dọc đường tại những vị trí bảo đảm an toàn với sự tham gia ý kiến của các Sở Giao thông Vận tải địa phương.
 
Ngoài ra, khi thiết kế làm đường cao tốc và nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 thì cần đưa vào thiết kế, dự toán, quỹ đất làm trạm dừng đỗ xe. Trạm dừng đỗ xe ngoài các dịch vụ phục vụ hành khách, bảo dưỡng, cứu hộ cứu nạn và cung cấp nhiên liệu, cần bố trí diện tích cho cơ quan chức năng thường trực kiểm soát, điều hành giao thông. Các trạm dừng nghỉ được bố trí lệch nhau giữa 2 phía để tăng cường sự có mặt của cơ quan chức năng kiểm soát giao thông.
 
Năm 2010, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 14 quy định xe khách chạy tuyến cố định chỉ được đón trả khách tại bến xe 2 đầu tuyến, không được đón trả khách dọc đường. Mục đích là hạn chế xe vừa chạy vừa đón khách, gây mất an toàn giao thông và phát sinh bến cóc, bến dù. Tuy nhiên, tình trạng người dân đón xe trên đường vẫn diễn ra phổ biến, nhất là vào dịp cao điểm.
 
Theo VnExpress