leftcenterrightdel
 Ngư dân neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn tại âu thuyền huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Cụ thể, Nghị định quy định mức phạt đối với hành vi khai thác tàu thuyền quá niên hạn sử dụng như các phương tiện chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở khí hóa lỏng, tàu đệm khí quá niên hạn sử dụng bị phạt từ 45-55 triệu đồng.

Mức phạt từ 55-65 triệu đồng áp dụng đối với phương tiện chuyên vận tải hành khách có sức chở trên 12 người quá niên hạn sử dụng mà không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu đệm khí.

Đối với nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú du lịch ban đêm quá niên hạn sử dụng bị phạt từ 65-75 triệu đồng.

Ngoài các hình thức phạt tiền trên, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn từ 2-3 tháng đối với các hành vi vi phạm theo quy định trên.

Nghị định cũng quy định các mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký tàu thuyền.

Theo quy định, nếu đăng ký tàu thuyền không đúng thời hạn theo quy định; thiếu một trong các loại giấy chứng nhận, tài liệu của tàu thuyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận, tài liệu đó hết giá trị sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi sau: khai thác tàu thuyền khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; không thực hiện đăng ký thay đổi chủ tàu thuyền theo quy định khi tàu thuyền đã được mua, bán, chuyển quyền sở hữu; không thực hiện đăng ký thay đổi theo quy định khi tàu thuyền có sự thay đổi tên tàu, địa chỉ chủ tàu, thông số kỹ thuật, công dụng của tàu thuyền, tổ chức đăng kiểm tàu biển; không thực hiện xóa đăng ký tàu theo quy định.

Mức phạt tiền của mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân./.

Theo TTXVN/Vietnam+