Internet of things: Giải pháp cho giao thông TP.HCM
Cập nhật lúc 16:32, Thứ năm, 01/10/2015 (GMT+7)
Internet of things - Intelligent Transport System (IoT-ITS, Internet của vạn vật - Hệ thống điều khiển giao thông thông minh) là xu hướng tới đây của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm kết nối, giám sát, tìm kiếm, quản lý điều khiển và giải trí cùng mọi vật. (giao thông , Internet of things, internet)
Internet of things - Intelligent Transport System (IoT-ITS, Internet của vạn vật - Hệ thống điều khiển giao thông thông minh) là xu hướng tới đây của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm kết nối, giám sát, tìm kiếm, quản lý điều khiển và giải trí cùng mọi vật.
“Đến thời điểm này, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để triển khai giao thông thông minh. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã quyết tâm trong các vấn đề quản lý xe vận chuyển trên các quốc lộ và các tuyến giao thông trọng yếu thông qua các yêu cầu giám sát hành trình. Tiềm lực trong nước của một số công ty công nghệ thông tin đã có thể cung cấp giải pháp và đang được thử nghiệm bước đầu. Và việc chúng ta cần hướng đến là xây dựng một thành phố thông minh”, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, nhận định.
Theo ông Dũng, IoT-ITS hiện đã được triển khai qua hệ thống thu phí không dừng, kiểm tra tải trọng xe, thông báo, kiểm soát các vấn đề thời tiết để đảm bảo an toàn trên một số các tuyến đường huyết mạch của cả nước.
Việc ứng dụng IoT-ITS được cho là sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn cho ngân sách thành phố. “Lấy ví dụ các trạm thu phí tại hầm Thủ Thiêm. Lý do những trạm này đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động, gây lãng phí hàng tỷ đồng là vì nếu áp dụng theo phương pháp thu truyền thống sẽ gây ùn tắc. Tuy nhiên, nếu hệ thống trạm thu phí tự động không dừng được áp dụng, vấn đề này sẽ dễ dàng được giải quyết”, ông Dũng nói.
Tại Hội thảo toàn cảnh Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam với chủ đề IoT-ITS - Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh lần thứ 20 diễn ra vào ngày 24/9 vừa qua, xây dựng một thành phố thông minh là bức tranh tổng quan mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng TP.HCM cùng các đô thị lớn trên cả nước cần hướng tới.
Tại hội thảo, thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) được lấy làm ví dụ điển hình cho việc ứng dụng IoT-ITS để xây dựng một thành phố thông minh. Với việc tạo ra kế hoạch tổng thể dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, Barcelona hằng năm tiết kiệm được chi phí quản lý nước lên đến 58 triệu USD, nâng cao doanh thu từ bãi đỗ xe lên đến 50 triệu USD và tạo ra thêm 47.000 việc làm mới.
“Chúng tôi không chỉ tập trung vào từng khu vực mà phải có cái nhìn tổng quát về cách mà công nghệ có thể được sử dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân bao gồm cả các công ty, doanh nghiệp, một bộ phận không thể thiếu của thành phố”, Julia Lopez, Điều phối viên chiến lược Thành phố thông minh của Barcelona, cho biết.
Ông Thorsten Punke, Giám đốc Marketing khu vực châu Á Thái Bình Dương Broadband Network Solutions, cho rằng: Để xây dựng một thành phố thông minh cần rất nhiều yếu tố. Nền tảng cơ bản nhất để triển khai IoT là xây dựng hệ thống mạng đến toàn khu vực. Một yếu tố quan trọng là các nhà chức trách tại Việt Nam cần cái nhìn tổng thể và định hướng trong thời gian dài. Nhiều quốc gia trong đó có cả những nền kinh tế phát triển như Úc chỉ đặt mục tiêu từ 1-4 năm và đạt hiệu quả không cao.
Theo NTD
.