Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao thông và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu; lắp đặt 4 cầu thép, 10 cầu dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; tiếp tục xây cầu vượt và cầu đi bộ.

 


Ngoài các dự án đầu tư, cải tạo hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện hành khách công cộng cho người dân; tổ chức quản lý và điều hành giao thông ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng; lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; tiếp tục thực hiện các dự án có vai trò giảm ùn tắc giao thông, tai nạn chưa được bố trí vốn.

Mục tiêu là nhằm giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, góp phần giảm tai nạn từ 5-10% hằng năm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) trên địa bàn Thành phố.

Đây là chỉ tiêu cụ thể được đặt ra trong tờ trình Chương trình mục tiêu nhằm giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020 của UBND TP Hà Nội vừa chuyển tới HĐND TP để cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 14 sắp tới.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại một số khu vực, trên một số tuyến đường trục chính, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Nội,  mới đây Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội phải có phương án tổ chức, điều tiết giao thông phù hợp và phải báo cáo thường xuyên các giải pháp giảm ùn tắc giao thông.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra các dự án xây dựng đang sử dụng lòng đường để thi công, giảm thiểu việc chiếm dụng lòng đường để tổ chức thi công.

Tại những đoạn tuyến, nút giao có nhu cầu đi lại lớn, cần giải phóng lòng đường ưu tiên cho phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm, tổ chức thi công vào ban đêm, trong các khung giờ thấp điểm, chấm dứt không để tình trạng dự án chiếm dụng lòng đường mà không tổ chức thi công.

Đồng thời, công bố bản đồ về địa điểm, thời gian xảy ra hiện tượng ngập úng do triều cường; bổ sung thông tin dự báo về các khu vực, các tuyến đường nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ theo lưu lượng mưa.

Cũng như điều chỉnh lộ trình, tần suất hợp lý của các tuyến xe buýt, tránh các khu vực bắt buộc phải thu hẹp lòng đường để tổ chức thi công hoặc ngập úng cục bộ nhưng vẫn bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, đặc biệt là học sinh, sinh viên người lao động...
 

Theo Chinhphu.vn

.