Hà Nội chưa đóng cửa bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình
Cập nhật lúc 17:28, Thứ sáu, 30/11/2018 (GMT+7)
Theo tờ trình quy hoạch bến, bãi đỗ xe đến năm 2030 tầm nhìn 2050 vừa được UBND TP Hà Nội gửi đến kỳ họp HĐND, các bến xe khách liên tỉnh nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm "tạm thời được giữ lại".
Cụ thể, các bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ thực hiện quy hoạch và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có.
|
|
Bến xe Giáp Bát luôn chật cứng xe khách liên tỉnh dịp lễ tết. Ảnh: Ngọc Thành. |
Như vậy nội dung trên là khác với dự thảo quy hoạch trước đó, khi thành phố đưa ra lộ trình cho việc đóng cửa các bến xe trên và chuyển công năng thành các bãi đỗ xe công cộng, bãi trung chuyển. Cụ thể, bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ đóng cửa từ năm 2020, hai bến còn lại dừng hoạt động từ năm 2030.
Bản quy hoạch mới nhất cũng nêu, trong giai đoạn trung hạn, Hà Nội sẽ xây dựng bến xe khách Yên Sở với diện tích khoảng 3,4 ha để hỗ trợ cho các bến xe hiện có.
Về lâu dài, sau khi đầu tư hoàn thành bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - đường Vành đai 4) thì các bến xe khách Yên Sở, Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe. Khi đó, các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại 2 bến xe khách này sẽ được điều chuyển về bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam.
Về dài hạn, thành phố sẽ quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm, gồm: Bến xe khách phía Bắc 10 ha; bến xe khách Đông Anh 5,3 ha; bến xe khách phía Đông Bắc (bến xe Cổ Bi) 10,4 ha; bến xe khách phía Nam 10 ha; bến xe khách Yên Nghĩa 7 ha; bến xe khách phía Tây 5 ha; bến xe khách phía Tây Bắc (Phùng) 15 ha.
Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch bến xe khách theo định hướng quy hoạch chung các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt; còn các thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái sẽ bố trí các bến xe khách quy mô từ 1-5 ha đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo VnExpress