(BVPL) - Bộ Giao thông vận tải cho ứng dụng Grab được thí điểm hoạt động tại 5 tỉnh, thành trong cả nước từ tháng 1/2016-1/2018. Theo đó, Grab cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Tuy nhiên, sau 3 tháng hoạt động, Grab muốn đề án thí điểm thay đổi?

 


Theo đề án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải cho phép thí điểm dịch vụ GrabTaxi tại 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Trong đó, Grab là đơn vị cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Có thể hiểu nôm na rằng, đề án cho phép Grab thí điểm dựa trên việc hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải trong phạm vi 5 tỉnh thành được cho phép. Để làm được điều đó, Grab sẽ ký hợp đồng cung ứng khoa học công nghệ với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách, loại xe dưới chín chỗ theo hợp đồng.

Đề án không cho phép Grab cung ứng khoa học công nghệ đối với xe cá nhân nhàn rỗi. Và việc kết nối giữa Grab với các tài xế taxi dựa trên cơ sở hợp đồng cung ứng giữa các hợp tác xã vận tải hoặc doanh nghiệp vận tải với Grab.
 


Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, Grab đã vi phạm đề án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải dành cho Grab. Cụ thể, trên trang Facebook chính thức của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam vừa qua có đăng một status giải thích cho người tiêu dùng về việc sử dụng các loại hình như GrabCar, GrabTaxi như sau:

“Nhiều bạn vẫn còn nhầm lẫn giữa GrabTaxi và GrabCar, nên nhiều khi thắc mắc đặt GrabCar mà lại thấy taxi đến? Hôm nay, Grab giải đáp cho các bạn rằng điểm giống nhau là cả 2 đều được đặt cuốc xe thông qua ứng dụng của Grab, còn điểm khác nhau giữa 2 dịch vụ là GrabTaxi là taxi thông thường, GrabCar là dịch vụ xe hơi theo hợp đồng điện tử.

Chi phí bạn phải trả cho GrabTaxi là chi phí của hãng taxi hiển thị trên đồng hồ. Chi phí hiển thị trên ứng dụng là chi phí ước tính thôi nha. GrabCar hiển thị cước phí trên ứng dụng, bạn chỉ cần trả đúng con số đó mà thôi”.

Có sự giải thích như vậy là bởi vì nhiều người phản ánh rằng khi đặt xe qua Grab thì lại được đón bằng một xe của một hãng taxi nhất định, trong đó có những hãng khá quen thuộc với người tiêu dùng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM Tạ Long Hỷ cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi hoạt động tại TP.HCM chưa có bất cứ doanh nghiệp nào ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với Grab. Ông Hỷ cho rằng Grab đã chủ động “hợp đồng” vận tải với tài xế và điều đó là xâm phạm lợi ích của các hãng taxi, cũng như vi phạm đề án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải.

Đối với loại hình GrabCar mà GrabTaxi cung cấp, đơn vị này vẫn “vô tư” sử dụng xe nhàn rỗi, xe cá nhân để hoạt động kinh doanh. Điều đó trái với nội dung đề án thí điểm là chỉ được cung cấp ứng dụng kết nối theo hợp đồng với các đơn vị như hợp tác xã, doanh nghiệp.

Tại cuộc họp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Tạ Long Hỷ đã đề nghị đại diện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam cam kết không sử dụng xe cá nhân trong hoạt động kinh doanh nhưng vị lãnh đạo của Grab đã không dám cam kết.

Có thể khẳng định, việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh loại hình vận tải, điển hình là taxi là 1 việc cần thiết. Tuy nhiên, đơn vị được ưu ái cho thí điểm là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam đã xem thường những quy định của Bộ Giao thông vận tải, cũng như những quy định về việc kinh doanh đối với taxi.
 

Hà Phương

.