Mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực phía Nam vài năm gần đây được Chính phủ không ngừng đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau đã làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế-xã hội.
Ưu tiên đầu tư cho giao thông
Nhiều năm trở lại đây, Chính phủ đã ưu tiên dành mọi nguồn vốn, tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp, cùng nhà nước đầu tư vào giao thông Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 6 tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Nam Trung Bộ.
Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương là hệ thống đường cao tốc đầu tiên của cả nước được đưa vào hoạt động từ năm 2009, kết nối nhanh hơn giữa các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, đặc biệt là vựa lúa, thủy sản lớn nhất nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đường cao tốc thứ 2 ở phía Nam là tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây cũng đã hoàn thiện, đưa vào vận hành từ cuối 2014, rút ngắn được khoảng cách, tiết kiệm được chi phí cho người dân đi từ các tỉnh phía Bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ khoảng 2 tiếng so với đi Quốc lộ 1A.
Cùng với đó, Quốc lộ 51 nối tỉnh Đồng Nai với thành phố du lịch biển Vũng Tàu cũng đã được nâng cấp, mở rộng từ năm 2008, đến nay đã hoàn thành đưa vào vận hành, làm giảm áp lực giao thông lớn cho tuyến quốc lộ này.
Hiện nay, các tuyến quốc lộ chính nối giữa các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã, đang được ngành giao thông vận tải nỗ lực đầu tư.
Việc hoàn chỉnh một số tuyến ngắn trên Quốc lộ 20 (từ tỉnh Đồng Nai đến Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa, hành khách đến với thành phố cao nguyên này.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận, Long An cho biết việc ưu tiên đầu tư vào hạ tầng giao thông khu vực là rất cần thiết để hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế. Giao thông tốt, các sản phẩm hàng hóa làm ra mới tiêu thụ được thuận lợi.
Theo Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Chung Khánh, cái khó nhất trong đầu tư hạ tầng giao thông chính là bố trí vốn và công tác giải phóng mặt bằng. Nếu làm tốt được hai nhiệm vụ này, việc triển khai thực hiện các dự án giao thông không có gì khó khăn.
Ban Quản lý dự án 7 đang quản lý 13 dự án BOT, BT thuộc các tỉnh khu vực phía Nam. Thời gian qua, Ban rất nỗ lực cùng với Bộ Giao thông Vận tải tranh thủ mọi nguồn vốn, sâu sát với các dự án để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Rất nhiều dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 20, Quốc lộ 1A, cầu Cổ Chiên... đều đạt và vượt tiến độ đề ra, đảm bảo tốt vấn đề an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Linh hoạt trong giải phóng mặt bằng
Đền bù giải phóng mặt bằng các dự án giao thông luôn là vấn đề gây bức xúc nhất đối với người dân bị mất đất.
Thời gian qua đã có nhiều dự án giao thông trọng điểm, khi làm công tác thống kê, lập phương án bồi thường chưa tốt nên tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài đã từng xảy ra. Có thể kể đến việc đền bù, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn đi qua tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk người dân không chịu giao mặt bằng cho đơn vị thi công vì cho rằng đền bù không thỏa đáng dẫn đến tình trạng dự án kéo dài.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng trong các dự án giao thông, ông Nguyễn Chung Khánh cho biết để làm tốt được khâu giải phóng mặt bằng chủ đầu tư phải sâu sát mọi việc, không thể phó mặc trách nhiệm cho chính quyền địa phương, hay chủ đầu tư các tiểu dự án. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành chủ trương, pháp luật của nhà nước.
Dẫn chứng cho việc trên, ông Khánh cho biết trong dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận với chiều dài 183km, trên 11.000 hộ dân bị giải tỏa, nhưng Ban Quản lý dự án 7 cùng với lãnh đạo địa phương đã làm tốt công tác đền bù và vận động người dân nên không để xảy ra khiếu kiện, hay người dân không chịu giao mặt bằng.
Chính nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nên ở dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa đã đáp ứng được tiến độ mà Bộ Giao thông Vận tải đề ra./.
Theo vietnam+