Ngày 11-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM và Hà Nội. Tham dự cuộc họp còn có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đại diện các bộ ngành liên quan và UBND Hà Nội, TPHCM.

Không phủ nhận kết quả đạt được của 2 thành phố lớn, song đại diện nhiều bộ ngành liên quan cho rằng, thách thức vẫn còn rất lớn, đặc biệt liên quan đến một số cơ quan nhà nước. Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu vấn đề, đó là công tác chậm di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội thành Hà Nội và TPHCM. “Họ không những không chịu di dời mà còn xây dựng to hơn, kéo thêm nhiều người vào” - ông Đinh La Thăng nói. Đại diện Bộ Xây dựng cũng bức xúc, Chính phủ đã có chủ trương tập trung các cơ quan đầu mối của các bộ ngành vào một nơi. Phần trụ sở còn lại, giao địa phương sử dụng vào mục đích công cộng. Thế nhưng, hầu như cơ quan nào cũng đòi giữ lại đất để bán hoặc chuyển đổi công năng với lý do để có kinh phí di dời. Như vậy, sao còn đất giao cho địa phương? Đó là chưa kể chuyển đổi công năng thành cao ốc, còn kéo thêm người vào nội đô.

Công tác đầu tư xây dựng bến bãi đậu xe, đến nay chưa tiến triển mạnh cũng có nguyên nhân chính từ các cơ quan có trách nhiệm. Về việc này, ông Đinh La Thăng đã không ngần ngại nói thẳng: “Do chính sách chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư”. Thiếu bến bãi đậu xe, trật tự lòng, lề đường ở cả Hà Nội và TPHCM vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong phần chỉ đạo kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng bến bãi mạnh mẽ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM trong việc xây dựng và xác định tiến độ di dời các trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra, Bộ Công an tiếp tục tăng cường lực lượng và chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời tổ chức thanh tra, điều tra phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.

-----------------------

Xe quá tải gây nhiều hệ lụy

Thời gian qua, tình trạng xe quá tải đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Để hạn chế tai nạn giao thông, đường sá xuống cấp do xe quá tải, quá khổ, TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý nhưng kết quả thu được nhìn chung còn hạn chế.

Chạy bạt mạng

Sau 12 giờ đêm, dòng xe container, xe tải lớn bắt đầu đổ dồn vào các tuyến đường trung tâm thành phố. Bám theo tốp xe container gồm 5 chiếc chạy từ hướng ngã ba An Lạc (quận Bình Tân) vào hướng An Dương Vương - Hồng Bàng rồi rẽ vào đường 3 Tháng 2 hướng về Điện Biên Phủ để ra xa lộ Hà Nội, xe chạy tốc độ gần 70 km/giờ (theo km đồng hồ xe gắn máy của PV) không dừng bất cứ tín hiệu đèn nào dù xanh hay đỏ. Anh Trần Văn Ánh - tài xế xe container của một công ty chuyên kinh doanh các loại đá cắt, đá mài - chuyên vận chuyển hàng ra các tỉnh miền Trung, cho biết: “Chạy vòng quốc lộ 1 ra hướng cầu vượt khu công nghệ cao quận Thủ Đức sẽ xa, chạy cắt ngang như vậy gần hơn, ít tốn… nhiên liệu. Qua các ngã tư không thấy CSGT, cứ chạy dù có đèn đỏ” (!?).

Theo ghi nhận của PV, vào khoảng 1 giờ sáng trên nhiều con đường, dòng xe container, xe tải chạy rất bạt mạng, bất ngờ có xe máy nào muốn qua đường hoặc các chốt đèn, ngay lập tức còi hơi vang lên điếc tai và phải tấp vào lề đường nhường cho “hung thần” vút qua.

Tuyến đường Đồng Văn Cống (quận 2) được nâng cấp mở rộng đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay nhưng mặt đường đã xuất hiện lún ở làn xe tải. Mỗi ngày, tuyến đường này có khoảng 16.000 lượt phương tiện lưu thông, trong đó phần lớn xe container, xe tải nặng vận chuyển hàng hóa. Hầu hết những xe lưu thông trên trục đường này đều vượt quá tải trọng, khiến mặt đường nhanh xuống cấp. Dọc theo tuyến tỉnh lộ 25B xe tải, xe container nối đuôi nhau chạy ầm ầm khiến mặt đường bị lún.

Ở quận 9, các tuyến đường Nam Hòa ra ngã tư RMK đến ngã ba xa lộ Hà Nội - D400, Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Xiển... cũng trong tình trạng tương tự. Điều đáng nói là những tuyến này nhỏ hẹp, dân cư rất đông, nhưng xe tải, xe container lưu thông bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm khiến tai nạn thường xuyên xảy ra.

Chưa giải quyết triệt để

Theo Sở GTVT TPHCM, trong năm 2012 có đến 14.167 trường hợp xe quá tải bị thanh tra giao thông xử phạt với số tiền trên 26 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 526.000 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc 207 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 62.000 trường hợp, tạm giữ 49.000 xe các loại. Trong đó, xe quá tải quá khổ trên 20.000 lượt vi phạm phạt trên 40 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng PC67 Công an TP, thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra chốt chặn tại các tuyến đường huyết mạch nên xe quá tải tuy có giảm nhưng chưa triệt để. Bởi khi có cảnh sát kiểm tra thì xe không chạy, tài xế canh khi lực lượng thanh - kiểm tra rút đi mới xuất “bến” và thường chạy vào ban đêm.

Trong quá trình kiểm tra và xử lý xe quá khổ, quá tải, các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đường bộ cũng đang gặp nhiều khó khăn, bởi trong Luật Giao thông chỉ quy định chế tài xử phạt đối với người điều khiển xe vi phạm, chứ chưa có chế tài xử phạt các đối tượng liên quan đến việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cầu đường; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tải trọng nhiều lần hoặc đối với những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình cầu đường. Như vậy, các loại hình xử phạt chưa gắn với nhau, chưa mang tính răn đe mạnh nên khó giải quyết tận gốc vấn đề vi phạm. Ngoài ra, việc cưỡng chế hạ tải do không có bãi giữ xe vi phạm, không có thiết bị hạ tải, nếu giữ xe trên đường dễ gây ách tắc giao thông tại vị trí kiểm tra.
 

Theo Nguyễn Khoa - Bích Quyên - Quốc Hùng - Thế Hiển
Sài Gòn Giải Phóng

.