Dự thảo Nghị định quản lý taxi Grab, Uber gây tranh cãi
Cập nhật lúc 17:09, Thứ năm, 05/05/2016 (GMT+7)
Trước dự thảo nghị định 86 quy định gắn hộp đèn taxi E cho taxi Grab, Uber để quản lý phương tiện này, nhiều đại diện doanh nghiệp taxi cho rằng đây là động thái hợp thức hóa cho xe Uber và tạo cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống. (Dự thảo , quản lý, tranh cãi, Uber , Nghị định, taxi Grab)
Trước dự thảo nghị định 86 quy định gắn hộp đèn taxi E cho taxi Grab, Uber để quản lý phương tiện này, nhiều đại diện doanh nghiệp taxi cho rằng đây là động thái hợp thức hóa cho xe Uber và tạo cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống.
Taxi truyền thống bị ràng buộc nhiều quy định, như xe chỉ hoạt động 8 năm, phải gắn thiết bị giám sát hành trình để theo dõi; đồng hồ tính tiền phải in được hóa đơn, được kẹp chì và kiểm tra của cơ quan chức năng… "Dự thảo không đưa taxi E phải ràng buộc các quy định này nên sẽ là thiếu bình đẳng trong hoạt động taxi", ông Bình nói.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, taxi truyền thống được kiểm soát, kiểm định đồng hồ từ cơ quan nhà nước, song chưa rõ cơ quan nào sẽ kiểm định taxi tính tiền qua ứng dụng phần mềm điện tử. Đặc biệt, lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội khống chế số lượng taxi với khoảng 18.000 xe. Song khi gắn hộp đèn taxi E cho phương tiện Grab và Uber sẽ làm bùng phát taxi ở thủ đô, gây ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Taxi Thành Công cũng nhận định, doanh nghiệp taxi làm ăn bài bản, đầu tư cho thương hiệu của mình và phải chịu khống chế về số xe. Nhưng dự thảo nghị định 86 của Bộ Giao thông dường như muốn hợp pháp hóa cho xe Grab và Uber là taxi với quy định rất đơn giản. "Bộ giao thông đang thí điểm hoạt động xe Grab thì cần đánh giá toàn diện hiệu quả của phương tiện này và tác động với xã hội trước khi có quy định hợp thức hóa", ông Quân nói.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc nhận diện taxi tính tiền qua phần mềm điện tử để đưa vào khuôn khổ quản lý của Bộ Giao thông Vận tải là đúng song phải làm rõ thế nào là Taxi E. Ngoài ra, khi đã là taxi thì phải chịu các quy định như taxi truyền thống thì mới đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, không gây phản ứng trong dư luận. Nếu quy định thiếu cụ thể sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp taxi nghi ngờ rằng ngành giao thông đang ưu ái cho các hoạt động của xe Grab và Uber.
Trao đổi với VnExpress ngày 5/5, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, dự thảo nghị định 86 được Tổng cục Đường bộ soạn thảo, chưa phải là quan điểm của Bộ Giao thông và cần chỉnh sửa nhiều. Quan điểm của Bộ giao thông là loại hình taxi nào cũng phải chịu các quy định chung như về niên hạn xe, tiêu chuẩn người lái, có bộ phận giám sát an toàn... để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và bình đẳng với doanh nghiệp. Bộ Giao thông cũng không có chủ trương phân biệt các loại hình taxi như gắn hộp đèn taxi E hay taxi truyền thống.
Theo Thứ trưởng Thọ, các xe cá nhân dạng Uber, Grab sẽ phải hoạt động trong các hợp tác xã, doanh nghiệp chứ không có tình trạng chạy riêng lẻ không chịu sự quản lý và hoạt động lộn xộn như hiện nay. "Phần mềm điện tử là một trong những biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí quản lý, điều hành tốt hơn theo xu hướng hiện đại, nhiều doanh nghiệp taxi đang áp dụng theo hướng này chứ không chỉ có Uber, Grab", ông Thọ cho biết.
Thứ trưởng Thọ cũng thừa nhận thời gian qua mặc dù có đề án thí điểm hoạt động taxi Grab song các phương tiện này vẫn hoạt động lộn xộn, nhiều xe chưa gắn nhận diện xe Grab. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu thanh tra Bộ phối hợp với thanh tra các địa phương kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm trong hoạt động thí điểm của Grab sẽ xử lý nghiêm, thậm chí cho dừng hoạt động.
Theo vnexpress
.