Tăng nhanh, giảm thì chây ỳ.
Cả về mặt lý thuyết và thực tiễn thì khi xăng dầu giảm, đối tượng hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp là vận tải, bởi nhiên liệu chiếm tới hơn 40 - 50% chi phí giá cước. Nhưng cũng như những lần trước, hầu như không thấy một sự chủ động giảm giá theo xăng dầu của các hãng vận tải. Lý do thì lặp đi lặp lại, nào là khó khăn chỉnh lại đồng hồ cước, tốn kém in lại giá vé, tốn thời gian, vướng nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê... Giá cước không giảm, kéo theo việc hàng triệu người dân cùng không ít doanh nghiệp bị “móc túi”. Doanh nghiệp thì bị “móc túi” khi vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất, phân phối... với giá cao hơn thực tế lẽ ra họ được hưởng. Cước không giảm, giá thành hàng hóa cũng không thể giảm theo xăng, gây ảnh hưởng đến sức mua cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa nội trong khi việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình hội nhập.
Giá xăng giảm gần đây nhất là từ chiều 3 - 9. Theo đó, giá xăng RON 92 giảm 1.198 đồng/lít, hiện tại giá xăng ở mức 17.338 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm tương tự, về mức tối đa 16.843 đồng/lít. Giá dầu diezel 0,05% S giảm 111 đồng/lít, về mức giá 13.310 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 123 đồng/lít, về mức giá 12.286 đồng/lít; giá dầu mazút giảm 785 đồng/kg, về mức giá trần không quá 9.351 đồng/kg. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, qua 4 lần tăng, giá xăng RON 92 tăng thêm 5.040 đồng/lít; qua 7 lần giảm giá, xăng đã giảm được 5.586 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã giảm hơn mức giá thấp nhất của đầu năm 2015 (thời điểm ngày 6 - 1 là 17.570 đồng/lít).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, giá cước vận tải không giảm. Giá cước taxi ở Hà Nội (cho 30km đầu tiên) phổ biến ở mức 11.000đ/km; hãng có giá rẻ nhất hiện tại là taxi Hà Đông 9.500đ; taxi Hương Lúa và Vạn Xuân giá 10.000đ; các hãng taxi có giá cao hơn gồm taxi Thăng Long 12.500đ/km; taxi Group 14.400đ/km; hãng có giá cao nhất là Vina taxi giá 15.000đ/km; Dịch vụ xe tải, xe khách được hưởng lợi lớn nhất trong thời gian vừa qua do giá dầu diezel giảm mạnh. Hiện đang ở mức 13.421 đồng/lít, giảm hơn 3.000 đồng/lít, so với thời điểm tháng 1 - 2015 có giá 16.630 đồng/lít.
Theo lãnh đạo các bến xe Giáp Bát: Mỹ Đình, trong vòng một tháng nay, gần như toàn bộ các doanh nghiệp (DN) vận tải tại bến không có sự điều chỉnh giá cước giảm theo giá xăng dầu. Chỉ duy nhất có trường hợp Cty Hoàng Long (bến Giáp Bát), chiều ngày 19 - 8 thông báo giảm giá cước 2.000đ (từ 77.000đ xuống 75.000đ tuyến Hà Nội - Thái Bình). “Thực trạng” các DN vận tải cố tình chây ì không chịu giảm giá cước, cũng khiến nhiều hành khách rất lo lắng trước khả năng giá cước vận tải sẽ tăng đột biến “chặt chém” hành khách dịp 2 - 9 tới đây, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Thanh giải thích: Việc thay đổi giá cước vận tải bao giờ cũng cần độ trễ nhất định, thời gian kéo dài. Một DN taxi với vài nghìn đầu xe để thay đổi giá, cài đặt lại đồng hồ tính tiền, in hóa đơn,... cũng mất ít nhất nửa tháng. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký giá mới với cơ quan quản lý nhà nước cũng không đơn giản, khiến giá vận tải đôi khi khó “bắt nhịp” được giá xăng dầu.
Tuy nhiên, nhiều người dân thắc mắc: Nếu việc thay đổi giá là khó khăn thì tại sao mỗi khi giá xăng tăng, DN vận tải lại “phản ứng” nhanh như vậy? Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: Khi giá xăng mới tăng, dù với biên độ rất hẹp (từ 500 đến 1.000 đồng/lít) nhưng các DN vận tải, taxi vẫn yêu cầu tăng giá. Còn khi xăng dầu giảm sâu thì DN lại không giảm tương xứng, không chia sẻ với người tiêu dùng. Theo ông Long, giá cước taxi của các nước trên thế giới cũng phải theo biến động của giá xăng dầu; vì vậy, không thể lấy lý do rằng giá xăng của Việt Nam không ổn định cho nên DN vận tải khó có thể “ứng phó”.
Chế tài chưa đủ mạnh và linh hoạt
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, thông thường, xăng dầu biến động 10%, thì các DN vận tải cần điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiệp hội chỉ đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp giá niêm yết giá hợp lý, tránh bị khách hàng tẩy chay.
Theo đánh giá của một giám đốc bến xe, vì lợi nhuận, việc các DN vận tải tăng thì chóng, giảm thì “chầy” là đương nhiên. Vì thế, nếu cơ quan nhà nước không hối thúc, các DN vận tải chẳng dại gì hạ giá. Còn nhớ thời điểm đầu năm 2015, giá xăng dầu giảm kỷ lục, mà các DN vận tải vẫn cố tình “lờ đi” không giảm giá cước, các cơ quan chức năng buộc phải tiến hành biện pháp “cứng rắn” - cử người thanh tra phát hiện xử lý mạnh các DN vận tải không giảm giá. Khiến các DN vận tải đồng loạt “xin”… giảm giá cước. Đến tháng 5 và 6 - 2015 khi giá xăng tăng, các DN vận tải lại “âm thầm” đưa giá cước lên cao như hiện tại.
Chính vì vậy, một lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay: “Đề xuất đưa giá cước vận tải vào quản lý giá của Bộ GTVT không được Bộ Tài chính và Chính phủ chấp thuận. Vì vậy, giá cước vận hành theo cơ chế thị trường và quyền giám sát chính vẫn thuộc Bộ Tài chính”. Vị này cũng khẳng định, nếu các DN tiếp tục “án binh bất động” thì dù là giá cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường, việc áp dụng biện pháp thanh tra về giá như đã làm từ đầu năm nay cần nghiên cứu áp dụng.
Ngày 26-8, Bộ Tài chính cho biết đã có công văn gửi Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Theo Bộ Tài chính, vừa qua giá xăng dầu có xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường nói chung, trong đó có thị trường vận tải bằng xe ô tô nói riêng. Do đó, Bộ GTVT với chức năng quản lý giá chuyên ngành chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước; đồng thời thực hiện rà soát chặt chẽ so với mức giá nhiên liệu của kỳ kê khai liền kề trước để hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kê khai giá phù hợp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá: Rõ ràng, sự vào cuộc của cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt, phản ứng từ phía người tiêu dùng và các phương tiện thông tin đại chúng cũng không nêu đích danh những DN không chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Thực tế, chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh buộc DN đi vào đúng vòng quay của thời cuộc. Một vấn đề nữa, tuy giá xăng dầu đã giảm, nhưng cước vận tải giảm thế nào mới phù hợp? Vấn đề này đòi hỏi các cơ quan quản lý tài chính, vận tải phải tính toán cẩn trọng, tránh thiệt thòi cho cả DN và người tiêu dùng. Cũng theo ông Long, việc giá xăng dầu đang được điều chỉnh 15 ngày một lần theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP so với sự biến động giá từng ngày như hiện nay là chưa hợp lý. Các DN vận tải đang có cớ để “làm lơ” việc giảm giá cước nhằm hưởng lợi bất chính và xâm hại quyền lợi người tiêu dùng.
Văn Liên