leftcenterrightdel
Trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, nhiều xe 3 bánh tự chế giả danh thương binh vẫn hoạt động. 

Thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Hà Nội cho thấy, từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng xử lý hơn 2.000 trường hợp xe ba bánh tự dóng. Cùng đó, Công an TP. Hà Nội cũng từng ra quân nhiều đợt tổng kiểm tra, xử lý xe 3-4 bánh tự chế giả danh thương binh, người khuyết tật, chở hàng quá khổ, quá tải.

Tuy nhiên, việc xử lý của lực lượng CSGT với chủ những phương tiện này gặp không ít trở ngại. Bởi lẽ, nhu cầu vận tải hàng hóa của người dân trên địa bàn thành phố, nhất là trong khu vực nội thành, trong các ngõ, ngách rất cao, dẫn đến việc người sử dụng xe 3, 4 bánh, xe xích lô, xe mô tô kéo theo xe cải tiến vận chuyển hàng hóa được người có nhu cầu thuê để phục vụ.

Nhiều trường hợp người điều khiển xe 3-4 bánh không phải là thương bệnh binh nhưng có thương binh ngồi kèm bên cạnh trong quá trình tham gia giao thông gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật để “bảo kê” cho các trường hợp sử dụng xe 3, 4 bánh tự dóng để vận chuyển hàng hóa trên địa bàn.

Ngoài ra, là việc chưa có văn bản pháp luật quy định về niên hạn sử dụng đối với xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự, từ đó dẫn đến tình trạng các phương tiện này sau khi cũ nát được tận dụng, cải tạo thành xe 3,4 bánh tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa. Chưa có văn bản chỉ đạo, quy định về việc quản lý, xử lý đối với loại phương tiện xe 3,4 bánh tự sản xuất, lắp ráp do thương binh điều khiển tham gia giao thông vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Một nguyên nhân nữa khiến khó xử lý “triệt để” xe 3, 4 bánh tự dóng được CSGT Hà Nội lý giải là do chế tài xử lý đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe tự dóng, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, quá giới hạn quy định còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm… 

Theo lộ trình, bắt đầu từ tháng 1 đến ngày 30/6/2018, TP. Hà Nội sẽ cấp biển số, đăng ký, đăng kiểm cho các xe cơ giới 3-4 bánh do thương binh điều khiển, không được phép chở thêm người và hàng hóa tham gia giao thông; Đảm bảo mỗi thương binh chỉ sử dụng một xe, có nguồn gốc nơi sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật của xe cũng như đủ sức khỏe để lái xe.

Đến ngày 30/6/2018, sẽ thu hồi toàn bộ xe 3 bánh không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Thế nhưng, theo đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay, đơn vị chưa cấp phép thêm cho bất cứ trường hợp xe ba bánh nào, ngoài hơn 30 trường hợp cũ đã cấp từ lâu.

Lý giải điều này, đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho hay, nếu theo quy định, cho đến thời điểm này, có tới 90% xe ba, bốn bánh tự dóng hoạt động trên địa bàn Hà Nội chưa đủ tiêu chuẩn để cấp đăng ký.

Xem ra, con số hơn 30 xe có đăng ký trong tổng số hơn 4.000 xe tự chế được đăng ký đã nói lên sự khó khăn, lúng túng của TP. Hà Nội trong quản lý đối với loại hình phương tiện này.

Thiết nghĩ, mấu chốt để việc xử lý dứt điểm xe 3-4 bánh tự chế hiệu quả không chỉ là các lệnh cấm, mà cần sự ra quân quyết liệt đồng bộ chứ không phải chủ trương trên bàn giấy. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lý kiên quyết vi phạm; quan tâm, tạo điều kiện, sớm có cơ chế chính sách tạo công ăn việc làm phù hợp, ổn định cho số lượng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; không sử dụng xe 3, 4 bánh tự dóng vi phạm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông”.

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô xếp hang hóa vượt quá giới hạn quy định, không đảm bảo an toàn, gây trở ngại giao thông bị áp dụng mức phạt tiền trung bình từ 70.000-90.000đồng; đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định, điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác, bị áp dụng mức phạt tiền trung bình là 350.000 đồng. Mức xử phạt này được đánh giá là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. 

Thu Thanh