Chuyên gia: 'Xe máy là thủ phạm ùn tắc ở TP HCM, cần cấm'
Cập nhật lúc 23:50, Thứ năm, 20/04/2017 (GMT+7)
Xe máy tại Sài Gòn đang nhiều nhất thế giới và là "thủ phạm" gây ùn tắc, PGS. TS Phạm Xuân Mai đề nghị chính quyền TP HCM sớm hạn chế rồi cấm hẳn. (thủ phạm, Xe máy , ùn tắc , Chuyên gia)
Xe máy tại Sài Gòn đang nhiều nhất thế giới và là "thủ phạm" gây ùn tắc, PGS. TS Phạm Xuân Mai đề nghị chính quyền TP HCM sớm hạn chế rồi cấm hẳn.
Ông dẫn chứng, một năm cả nước có hơn 8.000 người chết và hàng chục nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông. Trong đó, 71% là do xe máy (va chạm nhau; với người đi bộ, các loại phương tiện khác và tự gây tai nạn)… tương đương 43 vụ rơi máy bay.
"Tai nạn máy bay làm chết cùng lúc mấy trăm người, còn tai nạn giao thông thì chết từng người, từng ngày nên người ta ít cảm nhận được. Nếu hậu quả của tai nạn hàng không mà như xe máy thì còn ai dám đi máy bay? Các hãng hàng không còn được phép hoạt động không?", ông Mai nói và cho rằng hạn chế, hay cấm hẳn xe máy là đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như không vi phạm luật lệ của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Mai, cứ mỗi lần có đề xuất cấm xe máy là lại "có nhiều ý kiến bàn lui vì lo ảnh hưởng đến người nghèo" nên chính quyền lại chùn tay. "Tôi nói thẳng, Việt Nam không còn là nước nghèo nữa, đừng lấy cái nghèo ra để dọa nhau", ông Mai nêu quan điểm.
Theo tính toán của chuyên gia, tổng thiệt hại do xe máy gây ra hàng năm là hơn 6,1 tỷ USD, chiếm 13,4% GDP của TP HCM - làm kéo lùi sự phát triển 7-8%. Một cách gián tiếp, xe máy đang làm giảm đà tăng trưởng của thành phố.
"Chúng ta không nên xem xe máy là phương tiện giao thông. Nó chỉ tiện cho cá nhân, song gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Trung Quốc đã cấm xe máy ở các thành phố lớn và họ đã cho thấy đó là cách làm đúng đắn. Các nơi khác như HongKong, Singapore, Myanmar cũng đã làm", ông dẫn chứng.
Từ đó, ông Mai đề xuất một loạt giải pháp để hạn chế và cấm xe máy như: giảm nguồn cung, không nhập khẩu xe máy; dừng phát triển công nghiệp xe máy; tăng phí mua mới, thu phí cao người sở hữu từ 2 xe trở lên và nhất là phải ưu tiên phát triển vận tải công cộng...
Đồng quan điểm, TS Kinh tế Lương Hoài Nam cho biết, theo quy hoạch năm 2020 cả nước có 36 triệu xe máy nhưng hiện đã hơn 45 triệu chiếc, mỗi năm tiếp tục tăng 3 triệu nữa. Sự bùng nổ xe máy ở Việt Nam, theo chuyên gia, là do thất bại của chính quyền trong việc phát triển giao thông công cộng.
"Xe máy chưa bao giờ được coi là phương tiện giao thông an toàn và tiện nghi. Nó nhanh như ôtô nhưng thô sơ như xe đạp. Về bản chất, nó là khắc tinh của xe buýt, không thể chung sống hòa bình trên một làn đường nên chỉ có thể chọn một trong hai. Thành phố muốn phát triển xe buýt trong điều kiện xe máy ngày một tăng là nhiệm vụ bất khả thi", ông Nam khẳng định.
Theo ông Nam, trong cuộc tranh luận về giao thông đô thị, có đề xuất hạn chế và cấm hẳn xe máy nhưng cũng có đề xuất hạn chế và cấm ôtô cá nhân. Nếu xét trên phạm vi rộng (toàn thành phố) có thể chỉ ra rất nhiều nơi đã làm (khoảng 150 thành phố ở Trung Quốc, hay Yangon ở Myanmar...); còn theo hướng cấm ôtô thì chưa ở đâu.
"Cấm ôtô cá nhân là cực đoan, chống lại văn minh và chỉ có thể thực hiện khi người dân thành phố sử dụng giao thông công cộng để đi làm, mua sắm. Không thể đặt vấn đề cấm ôtô cá nhân vì người dân cần ôtô cho những chuyến đi xa khỏi thành phố, thậm chí ra khỏi quốc gia của mình", ông Nam nói.
Tương tự, nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ quan điểm TP HCM cũng như Việt Nam phải đi theo xu thế của các nước là phát triển giao thông công cộng và hạn chế gia tăng xe cá nhân để giải quyết tình trạng kẹt xe.
Theo thống kê của Sở GTVT TP HCM, tính đến tháng 3 năm nay thành phố đang quản lý gần 8 triệu ôtô xe máy (7,3 triệu xe máy và gần 640 nghìn ôtô), chưa tính khoảng một triệu xe mang biển số tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố. Mỗi ngày có thêm khoảng 1.000 ôtô và xe máy đăng ký mới.
Theo Hữu Công/vnexpress
.