Những năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Trong đó, An Giang được đầu tư một số công trình: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Cái Sắn - Long Xuyên, Long Xuyên - Bến Thủy; dự án cải tạo nâng cấp tuyến N1, đoạn Tịnh Biên - Hà Tiên; dự án nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước. 
 
 
Giám đốc Sở GT-VT Ngô Công Thức cho biết: “Hiện nay, tất cả các phương tiện qua phà Châu Giang đều phải chịu phí, thời gian qua phà mất trung bình gần 1 giờ (thời gian chờ, lên xuống phà), đối với xe có tải trọng lớn việc qua phà gặp khó khăn. Trong điều kiện biến động về thời tiết, toàn bộ hoạt động của phà đều phải dừng lưu thông để đảm bảo an toàn. Phà Châu Giang trên tuyến N1 đang là trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng phía Tây của đất nước, vì tuyến N1 là tuyến hành lang biên giới có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo an ninh - quốc phòng. Cầu Châu Đốc thay thế phà là rất cấp thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước hoàn chỉnh dự án tuyến N1 phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt là TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu”.
 
Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Cao Xuân Bá chia sẻ: “Châu Đốc có tuyến biên giới giáp với nước bạn Campuchia và được kỳ vọng là một trong những địa phương phát triển kinh tế hàng đầu của tỉnh. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Được Chính phủ, Bộ GT-VT đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc trên tuyến N1 thay thế phà Châu Giang hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa cho bà con Nhân dân, tạo tiền đề để Châu Đốc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan du lịch, trong công tác tuần tra, bảo vệ an ninh tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Châu Đốc sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức thi công, bảo đảm chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối công tác an ninh, an toàn trong quá trình thi công, để hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, đáp ứng mục tiêu của dự án và nguyện vọng của Nhân dân”.
 
Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải chia sẻ: “Với vị trí đặc thù vùng đất cù lao, TX. Tân Châu luôn gặp khó trong phát triển kinh tế, nhất là giao thương, vận chuyển hàng hóa, mời gọi đầu tư… do sự ngăn cách giữa Tân Châu và Châu Đốc phải đi đò, phà, mất rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp, Nhân dân đi lại học hành… Cầu Châu Đốc xây dựng giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nhanh hơn; Tân Châu sẽ thu hút được khách du lịch nhiều hơn khi khách tham quan, du lịch ở TP. Châu Đốc có điều kiện qua Tân Châu dễ hơn. Nhà đầu tư sẽ có điều kiện về Tân Châu nhiều hơn. Rút ngắn khoảng cách giữa TX.Tân Châu với TP.Long Xuyên và các địa phương khác”.
 
Để tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường bờ Châu Đốc hơn 40,7 tỷ đồng, bờ Tân Châu hơn 38,7 tỷ đồng. Từ tháng 12-2016 đến nay, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu chủ động và tích cực phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh giải phóng mặt bằng phía 2 bờ. Châu Đốc đã chi trả hơn 33 tỷ đồng, bồi thường 61/64 hộ. Tân Châu đã chi bồi hoàn 81 hộ, còn lại 4 hộ, 1 bè cá đang tiếp tục xử lý. 54/64 hộ bờ Châu Đốc, 63/86 hộ bờ Tân Châu đã bàn giao mặt bằng; đang di dời các công trình hạ tầng điện hạ thế, trạm biến áp, tuyến ống cấp nước…
 
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh vui mừng bày tỏ: “An Giang luôn trân trọng sự quan tâm đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc của Chính phủ, Bộ GT-VT và các ngành liên quan và lấy đó tạo động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Cầu Châu Đốc không chỉ phá thế cách trở mà còn mở ra trang mới cho tỉnh đẩy mạnh kinh tế biên mậu, làm động lực thu hút doanh nghiệp đến An Giang đầu tư ngày một nhiều hơn, tạo điều kiện tốt hơn để tỉnh phát huy tối đa nội lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”.
 
Theo Hạnh Châu (Báo An Giang)
.