Tuyến đường liên huyện từ xã Chu Trinh (thành phố Cao Bằng) đến xã Hồng Nam (huyện Hòa An) đi Thị Ngân huyện Thạch An có nhiều vị trí đã bị nứt lún sạt lở tại nhiều đoạn.
Qua khảo sát cho thấy, các điểm sạt lở nghiêm trọng nhất trên tuyến đường này là tại km10+733, km18+ 500 đã bị sạt lở taluy âm do nước sông dâng cao gây sói lở chân. Trong khi đó, ở km15+500, do đá dời dạc, ngấm nước gây sạt lở taluy dương.
Đây là tuyến đường thuộc dự án giao thông 3, vốn vay WB/DFID, mới được đưa vào sử dụng vào tháng 5/2014.
Chủ tịch xã Hồng Nam Đàm Thu Thủy cho biết: năm 2015, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ dài ngày, các vết sụt lún càng mở rộng và gây nguy hiểm với xe cộ và người dân.
Năm 2014, dù huyện Hòa An đã tiến hành thẩm tra, đánh giá mức độ sụt lún nhưng thiếu kinh phí tu sửa nên làm tờ trình xin kinh phí từ Sở Giao thông, song đến nay chưa được đáp ứng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa An Nguyễn Hữu Thao, huyện sẽ tiếp tục đệ trình xin kinh phí từ tỉnh để nhanh chóng khắc phục.
Quỹ dự phòng của huyện Hòa An mỗi năm dành cho công tác phòng chống lụt bão thiên tai khoảng 3 tỷ đồng.
Nhưng sau nhiều năm thiếu kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, hiện huyện đang nợ các doanh nghiệp từng tạm ứng tiền tu sửa gần 10 tỷ đồng.
Trên tuyến quốc lộ 34(km73-km266), và tuyến đường tỉnh lộ 201(km0- km65) từ huyện Thông Nông đi huyện Bảo Lạc có nhiều điểm bị sạt lở taluy dương và taluy âm.
Đặc biệt nghiêm trọng là đường tỉnh 201 từ km31+400-km30+700 xuất hiện lũ ống hôm 2/8 gây tắc đường hoàn toàn do hàng vạn khối đất đá sạt lở xuống lòng đường vùi lấp 1 nhà dân, gây thương vong 10 người.
Cũng trên tuyến đường này nhiều điểm sạt lở taluy dương ăn sâu vào lòng đường, gây nguy hiểm cho xe cộ khi lưu thông.
Tại Quốc lộ 34, km194+800- km194 +840 (thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình) xuất hiện vết nứt khoảng 1cm dọc theo mép đường nhựa phía taluy dương sát vỉa hè đường, hai đầu vết nứt vòng vào tim đường có dấu hình thành vòng cung lớn nguy cơ tụt nền, mất an toàn cho 3 nhà dân phía taluy âm.
Ngoài ra, tại nhiều tuyến đường liên xã cũng bị ngập úng cục bộ do mưa lũ kéo dài. Như tuyến xã Thanh Long đi xã Bình Lãng, huyện Thông Nông bị ngập với độ dài gần 1km, sâu hơn 2m. Còn tại tuyến đường vào xóm Cốc Gằng (xã Thanh Long) đã bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn làm cô lập 4 hộ dân đang sinh sống nơi đây.
Đến nay, nước lũ vẫn chưa rút người dân nơi đây phải di chuyển bằng bè mảng qua đường ngập lụt với mỗi lượt từ 20 đến 50.000 đồng.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, trước mắt, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Sở Giao thông tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý theo dõi, cảnh giới và cắm biển báo báo hiệu cho người tham gia giao thông, khẩn trương khắc phục hậu quả.
Do mưa lớn kéo dài trong những ngày đầu tháng 8, tại huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) đã xuất hiện nhiều điểm sụt lún đất, khiến hàng chục ngôi nhà đối mặt với nguy cơ tụt xuống vực sâu.
Đặc biệt, điểm sụt lún tại tổ 6, tổ 7 thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình đang tụt dần xuống phía dưới, đe dọa sự an toàn của Bệnh viện Tĩnh Túc và cả khu tập thể của bệnh viện này.
Điểm sụt lún tại tổ 6, 7 thị trấn Tĩnh Túc có vết nứt rộng chừng 5-10 cm kéo dài gần 100m trên mặt đường Quốc lộ 34, ăn sâu vào phía taluy dương của mặt đường. Vết nứt đã khiến 8 ngôi nhà ở ven Quốc lộ 34 đang tụt dần xuống phía dưới và có nguy cơ sập đổ hoàn toàn bất cứ lúc nào.
Nguy hiểm hơn, nếu cả vạt đất này bị sập xuống, hàng nghìn m3 đất, đá sẽ tràn qua khe suối phía dưới, nguy cơ vùi lấp khu tập thể có hơn 30 hộ đang sinh sống và Bệnh viện thị trấn Tĩnh Túc ở bên kia suối, phía dưới Quốc lộ 34.
Theo những người dân khu vực này, những vết nứt đã xuất hiện từ ngày 3/8. Ban đầu, những vết nứt này rất nhỏ, sau đó lớn dần lên. Tại 8 căn nhà, các vết nứt lớn đã xuất hiện trên tường, trần và móng nhà khiến người dân rất lo lắng.
Tuy vậy, nhiều người dân vẫn chưa sơ tán hết tài sản, đồ dùng khỏi nhà, một số khác vẫn sinh hoạt trong những ngôi nhà đang đối mặt với nguy hiểm.
Ngoài khu vực nói trên, huyện Nguyên Bình còn xuất hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở khác đe dọa sự an toàn của một số ngôi nhà và nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch.
Theo ông Nông Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nguyên Bình, những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã gây nhiều thiệt hại cho người dân trong huyện. Huyện đã tổ chức sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm và đang tìm phương án tái định cư cho những hộ dân bị mất nhà.
Về khu vực tổ 6, 7 thị trấn Tĩnh Túc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nguyên Bình nhận định, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời chắc chắn khu vực nói trên sẽ sập xuống. Nếu khu vực này bị sạt lở, không chỉ 8 ngôi nhà ven đường bị sập mà còn uy hiếp toàn bộ khu tập thể và Bệnh viện Tĩnh Túc.
Giả thiết kịch bản này xảy ra, toàn tuyến Quốc lộ 34 sẽ bị tê liệt, phải tốn kém rất nhiều kinh phí để xây dựng một cây cầu bắc qua khu vực sạt lở.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng và Bộ Giao thông Vận tải cần sớm có biện pháp can thiệp, gia cố lại chân móng taluy để giữ lại con đường; đồng thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho Bệnh viện thị trấn Tĩnh Túc và khu tập thể nói trên
Theo TTXVN/Vietnam+