Dù không phải mùa cao điểm hoạt động, song vi phạm liên quan đến xe cồng kềnh, tự chế ở các huyện ngoại thành vẫn diễn biến phức tạp.

 


Thấy CSGT là... trốn

Quốc lộ 6 bắt đầu nối từ quận Hà Đông, Hà Nội kéo dài qua địa bàn thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, đi lên các tỉnh Tây Bắc, trong những ngày này lưu lượng phương tiện tăng cao.

“Trên Quốc lộ 6 có đủ các loại phương tiện tham gia giao thông. Chúng tôi không lo TNGT xảy ra với xe khách mà sợ nhất là khi xe máy kéo, xe tự chế chở hàng cồng kềnh chạy trên đường” - Đại úy Nguyễn Thế Giáp, Đội phó Đội CSGT số 12, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo tổ công tác làm nhiệm vụ không giấu được vẻ lo lắng.

Chỉ sau ít phút “dàn trận”, Trung úy Nguyễn Văn An phát hiện chiếc xe máy kéo phi ầm ầm trên đường theo hướng từ huyện Chương Mỹ về thị trấn Xuân Mai. Người đàn ông điều khiển chiếc xe máy chở người phụ nữ không đội mũ bảo hiểm phía sau.

Đáng nói, đuôi xe máy được gắn với chiếc xe cải tiến chở hàng hóa cồng kềnh. Khi CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ, đăng ký, giấy phép lái xe có liên quan, người điều khiển xe là anh Vũ Đại Dương, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội chỉ đưa ra được chứng minh nhân dân.

“Toàn bộ những giấy tờ khác tôi không có...” - anh Dương gãi đầu gãi tai. CSGT đã lập biên bản tạm giữ phương tiện theo quy định.

Không chỉ có xe máy kéo, hàng loạt xe ba bánh giả xe thương binh cũng lao ầm ầm trên Quốc lộ 6. Trên thùng xe ba bánh đủ loại hàng hóa, nhưng đều có một điểm chung là cồng kềnh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Quá trình CSGT dừng các xe kiểm tra vi phạm, nhiều lái xe khi nhìn thấy CSGT từ xa đã quay đầu bỏ trốn. Cách đối phó tiếp theo là nhanh chóng rút chốt xe máy kéo, lái xe vi phạm thẳng tay đẩy thùng xe máy kéo xuống mương nước, rồi phóng xe đi.

Có trường hợp dù chạy xe với tốc độ cao, nhưng vẫn liều mình lao thẳng xuống vệ đường hay ruộng gần đó. Đối với những trường hợp này, tổ công tác phải xử lý rất khéo léo, kiên quyết, vừa đảm bảo an toàn cho chính người vi phạm nhưng cũng thể hiện rõ tính nghiêm minh của luật pháp.

Không dồn hết cho CSGT

Chỉ trong một buổi sáng triển khai làm nhiệm vụ, tổ công tác của Đội CSGT số 12 đã phát hiện, xử lý gần 10 trường hợp xe máy kéo, xe tự chế, xe ba bánh giả xe thương binh chở vật liệu cồng kềnh vi phạm. Trao đổi với phóng viên ANTĐ, Đại úy Nguyễn Thế Giáp cho biết: Thời điểm trước Tết vi phạm nhiều hơn do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng.

Đội CSGT số 12 đã tập trung lực lượng, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm, đảm bảo TTATGT trước, trong Tết Đinh Dậu 2017. Những ngày qua, dù vi phạm giảm nhưng nếu chúng tôi không đẩy mạnh xử lý thì sẽ dẫn tới tình trạng “nhờn luật”.

Đồng quan điểm, chỉ huy Đội CSGT số 10 đánh giá: Để kiểm tra, thu giữ một chiếc xe ba bánh, xe tự chế, xe máy kéo thùng xe cải tiến tại những huyện ngoại thành là việc không hề dễ dàng. “Có trường hợp người vi phạm bị kiểm tra đã gọi cả xóm, cả họ ra để gây áp lực với CSGT. Tôi đã nhiều lần từng đứng giữa những cuộc “bao vây” như thế để giải thích, xử lý lái xe trên tinh thần thượng tôn pháp luật, răn đe mạnh mẽ vi phạm” - Trung tá Bùi Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 10 thông tin.

Cũng theo đại diện Đội CSGT số 9, cùng với lực lượng CSGT, vai trò của công an, chính quyền cơ sở là vô cùng quan trọng. “Thế mạnh về quản lý địa bàn, quản lý dân cư, sẽ giúp cho công an và chính quyền cơ sở có nhiều biện pháp để giải quyết tận gốc, căn cơ những vi phạm này, thay vì dồn hết áp lực cho CSGT” - đại diện Đội CSGT số 9 đánh giá.

Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, từ ngày 16-11-2016 đến 24-2-2017, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 5.929 trường hợp chở hàng hóa cồng kềnh, trong đó có không ít xe ba bánh, xe tự chế, xe máy kéo. Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm điều tra TNGT, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội đánh giá, con số vi phạm bị xử lý rất lớn, đã phần nào phản ánh sự quyết liệt của CSGT đối với loại vi phạm này.

“Bài học về những vụ TNGT đau lòng khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có cả cháu nhỏ học sinh, người lớn tuổi cuối năm 2016 vừa qua vẫn luôn là nỗi đau đớn, day dứt không chỉ của CSGT mà còn đối với tất cả những ai có lương tâm và trách nhiệm với TTATGT của Thủ đô. Chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm, nhắc nhở, kiểm điểm đối với người vi phạm; siết chặt quản lý những người nằm trong diện sử dụng phương tiện và đặc biệt rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, mua bán... phương tiện này sẽ giúp CSGT nhổ tận gốc vi phạm một cách bền vững” - Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội kiến nghị.
 

Theo Hoàng Phong/ANTD.VN

.