Hiệp hội Taxi truyền thống cho rằng, quy định như vậy trong Dự thảo sẽ tạo sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong chính sách quốc gia đối với ngành kinh doanh vận tải, làm triệt tiêu hoàn toàn khả năng cạnh tranh bình đẳng của các hãng taxi truyền thống đối với xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử hay còn gọi là taxi công nghệ.
Đánh giá của Hiệp hội Taxi 3 miền, đến nay, với việc Dự thảo Nghị định gần nhất đã không yêu cầu taxi công nghệ (tức xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ) phải gắn hộp đèn nóc, đồng thời còn cho phép cá nhân và hộ kinh doanh cá thể cũng có thể trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ mà không phải thông qua các Hợp tác xã, thì lợi thế vốn đã có của taxi công nghệ càng được nới rộng và có cơ hội trở nên “hợp pháp” một cách thiếu thuyết phục, thiếu bình đẳng.
|
|
Theo đề xuất, taxi truyền thống phải gắn “mào” còn taxi công nghệ thì không. |
Ngay từ đầu, taxi công nghệ đã có được lợi thế rõ rệt về chính sách pháp luật so với taxi truyền thống, bao gồm những lợi thế về điều kiện hình thức (không cần có biện pháp nhận diện như hộp đèn, tem…), về thuế suất, về chi phí cho lao động (không cần ký hợp đồng lao động, không mất chi phí đào tạo, bảo hiểm cho lao động...), lợi thế về chi phí cho hoạt động kinh doanh (không cần có bộ phận ATGT, tổng đài…).
Được biết, Dự thảo Nghị định lần thứ 11 đã được Bộ GTVT trình Chính phủ vào ngày 13/8/2019. Đối với nội dung gây phản ứng trong cộng đồng taxi truyền thống, cơ quan soạn thảo cho rằng, đã rà soát và tiếp thu. Cơ quan này xác nhận, bãi bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm xe hợp đồng, xe du lịch) trong dự thảo, nhưng bắt buộc niêm yết cụm từ “xe hợp đồng” với kích thước 06 x 20cm trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Hiệp hội Taxi 3 miền cho hay, để phần nào hạn chế sự bất bình đẳng về chính sách giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, tạo “sân chơi” cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và giải quyết bài toán quản lý nhà nước đối với hình thức kinh doanh mới mẻ này, liên tục các lần dự thảo thứ 6,7,8, 9 và 10 đã quy định gắn hộp đèn nóc đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. “Đây cũng là những tổng kết trong 3 năm xây dựng Dự thảo và nhận được sự đồng thuận cao từ nhiều phía”.
Ngoài ra, tại kỳ họp thứ Bảy Quốc hội khóa XIV, ở phiên chất vấn sáng ngày 5/6/2019, Thiếu tướng Đào Thanh Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về những băn khoăn trong công tác quản lý các loại hình kinh doanh vận tải, trong đó có nội dung về những hệ lụy của sự buông lỏng trong chính sách quản lý “taxi công nghệ”.
Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thể đã khẳng định rằng, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 86/2014, theo đó có quy định xe taxi công nghệ cũng phải gắn “mào”, để cơ quan chức năng phát hiện được, phân biệt với xe taxi truyền thống hay xe thường và đảm bảo công bằng trong công tác quản lý GTVT.
“Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng sau bản dự thảo lần thứ 10 (trình ngày 17/7/2019) thì bản Dự thảo lần thứ 11 đột ngột có nội dung đề xuất bỏ quy định xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ phải gắn “mào” quay ngược gần như “180 độ” so với những nội dung đã được cân nhắc trong những bản Dự thảo trước đó mà không có một sự giải thích hợp lý nào”- Đại diện cho cộng đồng taxi truyền thống bức xúc.
Theo Hiệp hội Taxi 3 miền, ngay khi nhận được thông tin về những thay đổi này, đã có rất nhiều công văn gửi các cơ quan Nhà nước đề nghị được giải thích, nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Lo lắng bị “khai tử” khi Dự thảo Nghị định được thông qua, đại diện của hàng ngàn doanh nghiệp taxi truyền thống nói rằng, họ chờ đợi một cuộc đối thoại trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ để giãi bày khó khăn và tìm kiếm một giải pháp tháo gỡ cho những bất cập đang tồn tại trong Dự thảo Nghị định đối với cộng đồng taxi truyền thống.