Theo nguồn tin chúng tôi có được, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ để giải quyết những vướng mắc trong quyết toán hợp đồng BOT các dự án giao thông. Việc quyết toán hợp đồng chậm là một trong những nguyên nhân khiến phản ứng tiêu cực liên quan đến trạm BOT bị đẩy lên cao, do giá phí được tạm tính trên dự toán – thường cao hơn rất nhiều so với giá quyết toán.
 
Theo báo cáo của Bộ GTVT, các cơ quan của Bộ này gặp khó khăn trong việc xác định một số thông số tài chính trong giai đoạn vận hành dự án (như lãi suất vốn vay, lưu lượng, doanh thu, chi phí bảo dưỡng thường xuyên, chi phí sửa chữa định kỳ và đột xuất, chi phí tổ chức thu, giá trị tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, các khoản thu khác của dự án) trong thanh lý, quyết toán hợp đồng dự án PPP, do thiếu văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn đối với việc định kỳ xác nhận, quyết toán các chỉ tiêu tài chính trong giai đoạn vận hành dự án.
 
leftcenterrightdel

Việc quyết toán các dự án BOT đang gặp khó khăn
 
Về vướng mắc này, Bộ Tài chính cho rằng: Việc xác nhận số liệu về tài chính hằng năm (định kỳ) thực chất là sự thống nhất số liệu doanh thu –chi phí phát sinh hằng năm để làm cơ sở thanh toán hợp đồng BOT theo đúng quy định tại hợp đồng dự án. Quy định về xác định số liệu chi phí, doanh thu đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và/hoặc thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
 
Cụ thể, quy định về vốn vay của các dự án PPP đã được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 55 năm 2016 và Thông tư 75 năm 2017. Quy định về thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về pháp luật thuế giá trị gia tăng. 
 
Đối với thông số dự báo về lưu lượng, các khoản thu, doanh thu của dự án BOT ngành Giao thông thì được Bộ GTVT phê duyệt tại quyết định đầu tư dự án, hồ sơ mời thầu, kết quả thương lượng và được quy định cụ thể trong hợp đồng ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư.
 
Như vậy, các quy định liên quan đến thu chi, chi phí, doanh thu… là do Bộ GTVT và nhà đầu tư thỏa thuận trên cơ sở các quy định hiện hành. Vì thế, theo Bộ Tài chính, Bộ GTVT có trách nhiệm quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện được yêu cầu quản lý và biện pháp thực hiện phải được quy định rõ trong hợp đồng dự án.
 
Đối với quy định bắt buộc phải có đơn vị thanh tra thuế thực hiện kiểm tra, xác nhận số liệu thu, chi của doanh nghiệp dự án định kỳ hằng năm, Bộ Tài chính cho rằng điều này là không cần thiết. 
 
Theo Bộ Tài chính, quy định của pháp luật không bắt buộc kiểm toán các chỉ tiêu tài chính phục vụ quyết toán hợp đồng dự án. Hoạt động của DN dự án PPP tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật DN, pháp luật về thuế. Doanh nghiệp dự án PPP được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khác; công tác thanh tra thuế đối với các doanh nghiệp dự án PPP được thực hiện theo quy định hiện hành.
 
Về quy định liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các bên trong giai đoạn vận hành dự án BOT, Bộ Tài chính cho biết: Quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư (DN dự án) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong xác định nguồn thu, giá (phí) dịch vụ, doanh thu dự án; các chi phí (giai đoạn thực hiện dự án, vận hành dự án) phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dự án.
 
Sau khi Bộ Tài chính có văn bản này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu để xử lý theo thẩm quyền những vướng mắc liên quan đến quyết toán hợp đồng PPP thuộc Bộ quản lý. Do đó, trong chỉ đạo mới nhất về vấn đề này cách đây 1 tuần, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ GTVT xử lý theo thẩm quyền những vướng mắc, trên những cơ sở mà Bộ Tài chính đã chỉ ra.
 
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cũng cho biết: Về công tác quyết toán, thẩm quyền của cơ quan nhà nước chỉ ở mức thỏa thuận trên cơ sở báo cáo của đơn vị tư vấn kiểm toán nên đối với các dự án chỉ định thầu việc kiểm soát giá thành rất khó khăn.
 
Việc thực hiện giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của các địa phương và thường rất khó kiểm soát giá thành, tiến độ nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường vi phạm hợp đồng đối với điều khoản tiến độ giải phóng mặt bằng và điều này gây rất nhiều khó khăn trong đàm phán về phương án tài chính khi chi phí giải phóng mặt bằng thay đổi.
 
Đối với những dự án thực hiện trước năm 2010, văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan, các bên tham gia hợp đồng đều chưa có kinh nghiệm nên các hợp đồng đều chưa có chế tài điều chỉnh, xử lý đối với các hành vi vi phạm như: chất lượng bảo trì, quyết toán công trình...
 
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến tháng 8-2017, có 51 dự án BOT đã có giá trị thỏa thuận quyết toán toàn bộ hoặc một phần. Bộ này cũng đã đàm phán ký được 23 Phụ lục hợp đồng dự án BOT, trong đó có 18 dự án giảm thời gian thu giá và 5 dự án tăng thời gian thu giá.
 
 TheoVũ Hân/Công an nhân dân