(BVPL) - Cuộc sống phát triển nhộn nhịp kéo theo đó là nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, vì thế các hãng xe tư nhân và doanh nghiệp lại mọc lên rầm rộ để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Người dân có thể an tâm lựa chọn cho mình những chiếc xe có chất lượng và dịch vụ tốt nhất… Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng hành khách bị nhà xe “cò kéo” giữa đường ở những thành phố lớn trên địa bàn Tây Nguyên.

 


Tình trạng trên ở TP. Kon Tum – Kon Tum xảy ra cũng không kém. Cây xăng ở gần cầu Đăk Bà Là là nơi tập kết của những chiếc xe mang biển số 81 (Gia Lai). Những chiếc xe nội tỉnh bắt chở khách về đến đây trao trả khách, sang nhượng khách ngoài tỉnh cho những chiếc xe khác. Hay ngược lại, những chiếc xe ngoại tỉnh lại sang khách cho các xe nội tỉnh trả. Anh Phan Viết Hùng một người khách đi từ Gia Lai xuống Kon Tum tâm sự: “ Tôi bắt xe từ Tp. Pleiku xuống huyện Ngọc Hồi của Kon Tum đi thăm người quen, với giá cả đã được thống nhất từ trước. Nhưng khi đi đến cuối cầu Đăk Bà Là thì được sang xe khác. Lúc đầu nghe nhà xe cũ nói là anh cứ sang xe đi tiền em đã gửi cho nhà xe mới rồi, thấy thế tôi cũng yên tâm lên xe. Đi được khoảng gần 5km lái xe bắt tôi đưa tiền đi, tính từ đoạn sang xe đến nơi tôi xuống, nếu không thì phải xuống xe. Chủ xe còn nói thêm là lúc nãy anh đưa tiền cho xe bên kia tôi không biết, tôi chỉ biết là anh chưa đưa tiền, cũng như xe bên kia không đưa tiền cước xe của anh cho chúng tôi. Cuối cùng tôi cũng đành phải móc túi ra đưa tiền cho nhà xe vậy. Điều tôi lo lắng là nếu những trường hợp như thế mà gặp phải người nghèo đói, hay những em học sinh-sinh viên thì liệu họ có sẵn tiền để đưa thêm như tôi không hay là họ lại phải xuống xe, không được đi tiếp…”.

Dịp 2/9 vừa rồi, tôi có người bạn thân tên là Đức xuống TP. HCM đi thăm người thân. Từ Gia Lai, Đức vào bến bắt xe chất lượng cao của nhà xe Việt Tân Phát nên được phục vụ rất chu đáo, mọi người ngồi trên xe ai cũng thấy thoải mái và yên tâm. Nhưng khi quay về bắt xe dọc đường, bạn tôi cho biết: “Lúc đầu, mình cũng nghi ngờ, sợ xe không chạy đến Gia Lai nên chỉ gửi 2/3 số tiền, còn lại khi nào đến Gia Lai sẽ trả nốt. Không nằm ngoài dự đoán, xe chạy đến Bình Phước thì lại bị sang xe khác, cứ tưởng là xe này sẽ chạy về Gia Lai luôn, ai ngờ về đến Đăk Lăk thì lại sang xe khác thêm một lần nữa. Khi sang xe vì khách chưa đủ nên mình và các hành khách khác phải đợi hơn một tiếng đồng hồ xe mới chạy. Chuyến đi ấy tôi và bạn đặt cho cái tên rất đặc biệt là chuyến “Sài Gòn- Gia Lai xe 3 chặng, giờ nhân đôi).

Đi tìm lời giải cho những vấn đề trên, chúng tôi được biết sở dĩ các xe khách cỡ bé bắt khách ở dọc đường hay “núp bóng cây xăng” để đợi khách, nếu vào bến thì sẽ mất tiền bến đỗ và khách sẽ đi các xe chất lượng cao. Bên cạnh đó, khi khách bắt xe đường gần dễ bị sang xe khác, theo quan sát của chúng tôi, trên những chiếc xe này có rất nhiều xe cứ đề biển ghi điểm đến và điểm đi nhưng thực tế thì lại không được như vậy. Đó chỉ là hình thức câu khách của các nhà xe tư nhân.

Đề nghị các cấp có thẩm quyền ở các tỉnh địa bàn cần sớm vào cuộc giải quyết nạn đỗ bắt xe dọc đường và các tụ điểm cây xăng ven rìa thành phố, đặc biệt là các xe đề biển nhưng lại không đi đến đúng điểm gây ảnh hưởng rất lớn cho người dân đi lại.
 

Trần Sỹ - Chu Loan